Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây công bố báo cáo có tựa đề: "Promoting Innovative Entrepreneurship in Viet Nam: An Ecosystem Diagnostic", trong đó phân tích về năng suất lao động Việt Nam trong tương quan với những nước trong khu vực và so sánh nội tại mức chênh lệch năng suất lao động giữa các nhóm doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài.
Năng suất lao động doanh nghiệp nước ngoài cao gấp 5 lần doanh nghiệp tư nhân Việt Nam
Tăng trưởng của nhóm doanh nghiệp tư nhân đã giúp đẩy nhanh quá trình cải tổ cấu trúc, nó phản ánh ở việc tỷ trọng của lao động ngành nông nghiệp trên thị trường lao động giảm rất nhanh, cùng lúc đó số lượng lao động trong ngành dịch vụ và công nghiệp tăng cao.
Số lượng việc làm cần đến trình độ tay nghề trung và cao tăng lên khi ngày một nhiều người lao động rời khỏi ngành nông nghiệp để làm việc trong ngành sản xuất và dịch vụ. Dù vậy, tỷ lệ việc làm cần trình độ cao vẫn chỉ chiếm khoảng 7% tổng lực lượng lao động của Việt Nam, thị trường lao động có tỷ trọng rất cao các công việc cần trình độ thấp và trung cấp.
Trong khi nhóm các doanh nghiệp tư nhân năng động và tăng trưởng nhanh, năng suất lao động của nhóm này vẫn là một vấn đề, WB khẳng định. Việt Nam có lực lượng các doanh nghiệp tư nhân năng động, phát triển nhiều mảng kinh doanh mới.
WB phân tích Việt Nam có tỷ lệ các doanh nghiệp tư nhân tăng trưởng cao (HGF), cao hơn ngưỡng trung bình của Tổ chức các nước hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Nhóm các doanh nghiệp HFG này đóng góp tạo ra 1,4 triệu việc làm cho kinh tế Việt Nam chỉ riêng trong giai đoạn từ 2017 đến 2020.
Tuy nhiên, nhóm các doanh nghiệp tư nhân tăng trưởng cao này lại không có sức sáng tạo mạnh mẽ và không thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu ở mức độ như các doanh nghiệp Việt Nam bình thường, chủ yếu bởi họ chỉ tập trung trong các ngành bán lẻ hoặc xây dựng.
Nhóm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong toàn bộ các doanh nghiệp Việt Nam, thế nhưng lại vượt trội so với các doanh nghiệp nội địa xét về việc làm, lợi nhuận và năng suất lao động. Nhóm này chỉ chiếm tổng số khoảng 3,3% tổng số lượng các doanh nghiệp tại Việt Nam, nhưng lại chiếm đến 30% tổng số lượng việc làm và doanh thu.
Năng suất lao động của người lao động trong nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cao gấp 5 lần so với doanh nghiệp nội địa, đồng thời tỷ suất sinh lời đồng vốn và lợi nhuận của nhóm này cũng cao hơn.
Nhóm các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam cũng có năng suất lao động cao, nhưng WB cho rằng đó là do có những chính sách bảo hộ, trợ cấp nhất định cũng như phải xét đến quy mô sản xuất lớn của doanh nghiệp loại hình này. Doanh nghiệp nhà nước hiện vẫn có ảnh hưởng lớn nhất trong các ngành quan trọng như tài chính, công nghệ thông tin và truyền thông, giao thông… Nhóm này cũng được hưởng nhiều ưu đãi về tín dụng bởi các ngân hàng vốn thích cho các doanh nghiệp nhà nước vay hơn là các doanh nghiệp tư nhân, theo khẳng định của WB.
Tỷ lệ các doanh nghiệp mới gia nhập nền kinh tế tại Việt Nam cao hơn so với phần lớn các nước thuộc nhóm OECD, và tỷ lệ các doanh nghiệp còn tồn tại cũng ở ngưỡng cao hơn. Năm 2020, số lượng doanh nghiệp mới chiếm khoảng 10% tổng số doanh nghiệp toàn thị trường, tỷ lệ ước tính khoảng 10,2%, so với ngưỡng trung bình 9,2% của các nước OECD.
Ngành dịch vụ chứng kiến số lượng doanh nghiệp mới cao nhất, đặc biệt trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, dịch vụ lưu trú, thực phẩm và giáo dục.
Số lượng doanh nghiệp tồn tại được của Việt Nam cũng cao hơn mặt bằng chung của OECD. Tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam đóng cửa sau khoảng thời gian 1 năm và 2 năm cũng thấp hơn mức chung của OECD. Tỷ lệ doanh nghiệp còn tồn tại sau 1 năm đầu tiên là 87% trong khi mức chung của OECD là 83%. Tỷ lệ doanh nghiệp còn tồn tại sau 2 năm đầu tiên là 84% trong khi mức chung của OECD là 70%.
Vì sao Việt Nam hấp dẫn vốn FDI?
Báo DigiTimes Asia mới đây đã có bài phân tích về lý do Việt Nam được nhiều doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn làm địa điểm sản xuất trong chiến lược Trung Quốc +1 của họ.
Theo DigiTimes Asia, Việt Nam đã nổi lên như điểm đến ưa thích của những doanh nghiệp đang cố gắng theo đuổi chiến lược Trung Quốc + 1. Điều này đã được thể hiện bằng những con số nổi bật.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/12/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (FDI) đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Đây là mức giải ngân kỷ lục từ trước tới nay.
Nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023 chứng kiến thay đổi đáng kể, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nhóm ngành điện tử trong đó có bao gồm máy tính, thiết bị điện tử, điện thoại di động và linh kiện điện tử chiếm gần 32% tổng kim ngạch xuất khẩu, vượt qua kim ngạch xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp ngành dệt may.
Giám đốc kinh doanh tại BW Industrial, một doanh nghiệp Việt Nam chuyên hoạt động trong lĩnh vực vận tải và cho thuê bất động sản công nghiệp, ông Michael Chan, ước tính khoảng 40% khách thuê của họ là doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử và sản xuất.
Tại Việt Nam, việc cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất được thực hiện thông qua những doanh nghiệp chuyên bất động sản khu công nghiệp, thời hạn thuê ước tính khoảng 50 năm. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể có lựa chọn khác là lựa chọn thuê nhà máy công xưởng có sẵn mà các doanh nghiệp đã đầu tư từ trước, chính vì vậy thời gian chuẩn bị việc khởi động hoạt đọng kinh doanh khá ngắn, chỉ từ 5 đến 9 tháng.
Theo ông Chan, Việt Nam là lựa chọn rất phù hợp cho đối tác tìm kiếm địa điểm sản xuất thay thế của Trung Quốc. Ông Chan phân tích Việt Nam có nhiều lợi thế về địa lý, đó là gần Trung Quốc cũng như có hành lang công nghiệp chất lượng tốt, chính vì vậy Việt Nam trở thành địa điểm hấp dẫn đối với các nhà sản xuất hơn so với các nước đảo như Malaysia hay Indonesia.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.