Tổng thống Indonesia Joko Widodo
Khác với những lo lắng con người bị lệ thuộc robot, mất việc làm vì nhiều ngành ứng dụng máy móc tự động hóa, ông Joko Widodo cho rằng sự tiến bộ của công nghệ cho phép sử dụng tài nguyên tiết kiệm hơn, hiệu suất lao động cao hơn. Sản phẩm từ nghiên cứu khoa học giúp các nền kinh tế trở nên nhẹ nhàng, tiên tiến hơn. Đó là sự xuất hiện của những chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng, những turbine điện gió và tấm pin mặt trời...
Con người dần tiến tới không phụ thuộc vào tài nguyên mà bằng tài năng, thứ mà ông Joko Widodo gọi là vô hạn. Tài năng của con người đang thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó Indonesia đã công bố chương trình cách mạng 4.0 với tên gọi “Making Indonesia 4.0” để Chính phủ tham gia vào cuộc cách mạng này.
"Tôi tin rằng trong dài hạn cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn chứ không phải là cướp đi việc làm của con người. Cuộc cách mạng này không làm tăng sự bất bình đẳng mà sẽ giảm vì nhiều người thu nhập thấp có khả năng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ do giá rẻ hơn", ông Joko Widodo nói.
Trong chương trình “Making Indonesia 4.0”, Chính phủ Indonesia xác định thúc đẩy tính cạnh tranh của ngành công nghiệp sản xuất thông qua sử dụng công nghệ. Trong đó, đặt ưu tiên vào các lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, ô tô, dệt may, điện tử và hóa chất. Thông qua cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Indonesia hy vọng sẽ đổi mới năng lực và hiệu suất trong các ngành nghề này. Đây là những lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế thế giới và Indonesia hy vọng sẽ trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu.
Quốc gia này cũng xác định, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thúc đẩy sự thay đổi các ngành sản xuất và hình thành mạng lưới thiết bị kết nối vạn vật, hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện, ứng dụng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, tích hợp dữ liệu điện toán đám mây và các tiến bộ công nghệ khác vào các hệ thống sản xuất.
Vị tổng thống này từng khẳng định, nếu kế hoạch thành công sẽ có 10 triệu việc làm mới đến năm 2030. GDP của Indonesia tăng trưởng thêm 1-2% mỗi năm, lên mức 6-7% trong giai đoạn 2018-2030, đưa quốc gia này lọt vào top 10 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu vào năm 2030.
Bích Ngọc (VNE)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.