![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2010/images/2010-12-16/1435967107-so273_xahoi_catra2.jpg) |
WWF hứa giúp đỡ Việt Nam hoàn thiện các bước đưa cá tra đạt chứng chỉ cho danh mục sản phẩm “phát triển bền vững”. |
WWF nhận sai sót
Cuộc đối thoại diễn ra trên tinh thần hợp tác, thẳng thắn và cởi mở. Ông Mark Powell - người đứng đầu Chương trình Thủy hải sản toàn cầu của WWF lý giải các cơ sở đánh giá của WWF dựa trên những nghiên cứu từ các tài liệu có sẵn, cụ thể là một bài báo đăng trên tạp chí Aquaculture số 296 năm 2009 của Hội nuôi trồng thủy sản thế giới và bản đánh giá tác động môi trường hệ thống nuôi, cũng công bố năm 2009 do Trường Đại học Wagenningen của Hà Lan thực hiện.
Chiều nay (16-12), Tổng cục Thủy sản VN và WWF sẽ thảo luận kỹ hơn về các chương trình hợp tác với WWF nhằm hướng tới sự phát triển bền vững của cá tra, basa tại VN.
Ông Phạm Anh Tuấn-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản VN nhận xét, các tài liệu đó đã quá cũ và vô cùng nghèo nàn về số liệu. Những nghiên cứu chỉ dựa trên 28 cơ sở và 4 trại giống (360ha) không thể phản ánh đúng tình hình của 6.000ha cá tra đang được nuôi trồng ở VN.
Đi sâu vào bản đánh giá của WWF, ông Nguyễn Tử Cương - đại diện Hội Nghề cá VN cho hay: “Thông tin WWF là hoàn toàn sai lệch bản chất, không hiểu gì về thủy sản của VN. Trong số 19 tiêu chí đánh giá, WWF có đến 7 tiêu chí không có căn cứ và cơ sở khoa học.
WWF cho rằng, cá tra VN có thể xâm hại đến hệ thủy sản tự nhiên, điều này sai, bởi lẽ cá tra vốn gốc từ tự nhiên và được ND nuôi đại trà để trở thành hàng hóa. Nguồn thức ăn của loài thủy sản này chủ yếu xuất xứ từ thực vật, nên hầu như không ảnh hưởng đến môi trường”.
Đồng quan điểm với ông Cương, ông Nguyễn Hữu Dũng- Phó Chủ tịch VASEP cho rằng, phương pháp tiến hành thu thập thông tin và thông báo kết quả của WWF đánh giá không đảm bảo yêu cầu "công khai". WWF đã không hề thông báo cho WWF Việt Nam và Bộ NN&PTNT VN về tiêu chí đánh giá, không thông báo thời gian vào VN đánh giá.
Với tinh thần cầu thị, ông Mark Powell chính thức thừa nhận sai sót và nhận trách nhiệm về mình vì là người đưa ra thông tin thiếu chính xác.
Ông khẳng định: "Ngay khi trở về, chúng tôi sẽ lập tức dỡ bỏ cá tra khỏi danh sách đỏ, đưa loại thủy sản này vào một danh sách riêng, cùng với cá basa của VN, để khuyến cáo người tiêu dùng châu Âu nên sử dụng". Ông cũng hứa, sẽ giúp đỡ về mặt tài chính, cụ thể là kêu gọi tài trợ để VN hoàn thiện các bước đưa cá tra đạt chứng chỉ cho danh mục những sản phẩm "phát triển bền vững".
Hợp tác phát triển cá tra VN
Tại cuộc đối thoại, WWF đề nghị Chính phủ VN và các bên liên quan cùng hợp tác để đưa cá tra VN tiến đến một chứng chỉ bền vững, có sự thống nhất của các bên. Từ đó, WWF có thể hỗ trợ các tài liệu giải thích và khuyến khích người tiêu dùng quốc tế nên tiếp tục sử dụng sản phẩm cá tra VN.
Hoan nghênh thiện ý của ông Powell, ông Tuấn cho rằng, việc đưa cá tra vào danh mục phát triển bền vững trong tương lai của WWF là trùng với quan điểm của VN. VN đã và đang thực hiện điều đó. Kết thúc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn mời ông Mark Powell cùng đoàn WWF đi thăm các vùng nuôi cá tra của VN để được "mục sở thị" việc nuôi cá tra VN không như những thông tin sai lệch mà WWF đã có trước đó.
Đình Thắng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.