Xa rồi “Chiềng Ngán”

Thứ hai, ngày 24/03/2014 13:52 PM (GMT+7)
Trước đây nhắc đến Chiềng Ngần (TP.Sơn La, Sơn La) là nhắc đến đói, khổ. Nay thì khác nhiều rồi, nếu biết làm ăn, mỗi ha đất cho thu tới hàng trăm triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm hẳn...
Bình luận 0
Chiềng Ngần là xã vùng ven của TP.Sơn La, với 3 dân tộc chính Thái, Mông, Kinh sinh sống. Những năm trước, Chiềng Ngần không chỉ nổi tiếng về tỷ lệ hộ đói nghèo cao, mà còn “nổi tiếng” bởi những con đường đất ngoằn ngoèo, nắng bụi-mưa lầy. Bởi thế mọi người gọi Chiềng Ngần là “Chiềng Ngán”.

Không ai để đất hoang nữa


Anh Quàng Văn Tánh, bản Phường (xã Chiềng Ngần), bảo: Tiếng là ở thành phố nhưng giao thông chậm phát triển, nước ăn, nước sản xuất lại không có nên chỉ lo làm đủ ăn đã khó, nói gì tới làm giàu. Bây giờ có cán bộ hội bám dân hướng dẫn khoa học kỹ thuật, có vốn ưu đãi của Nhà nước, có giống tốt, phân bón; lại có đường giao thông thuận lợi nên đời sống của bà con mới khá lên được.

Nông dân Chiềng Ngần cấy lúa trên ruộng mới khai hoang.
Nông dân Chiềng Ngần cấy lúa trên ruộng mới khai hoang.

Trên thửa ruộng vừa mới khai hoang, rộng chỉ chừng hơn 30m2 ngay bên mép đường dẫn vào bản Pát, chị Lò Thị Anh đang lúi húi đặt những gốc mạ đầu tiên. Chị tâm sự: “Chỗ đất này trước kia chỉ bỏ hoang vì không có nước lại chật hẹp.

Nhưng bây giờ đất sản xuất ngày một hiếm, thu nhập lại muốn tăng nên phải tìm nguồn nước dẫn về, tận dụng đất để trồng ngô, lúa. Tính ra mỗi vụ cái ruộng này cũng cho hơn 1 bao thóc đấy. Bây giờ ở Chiềng Ngần chẳng ai để đất hoang nữa, cứ có nước về là thành nương, thành ruộng, dù chỉ được 1 vụ cũng phải làm”.

Anh Lò Văn Tuấn, bản Pát, bảo: “Cán bộ Hội ND bảo, chúng tôi phải tiết kiệm đất sản xuất bằng nhiều cách, như: Khai hoang, phục hóa, dẫn nước trên rừng, khơi thông kênh mương, làm thêm mương dẫn nước, thay đổi giống cây trồng để nâng cao năng xuất, xen canh, thâm canh, tăng vụ… Nhờ đó, Nhà tôi đã thoát nghèo 3 năm nay”.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh


"Cán bộ Hội ND bảo, chúng tôi phải tiết kiệm đất sản xuất bằng nhiều cách, như: Khai hoang, phục hóa, dẫn nước trên rừng, khơi thông kênh mương, làm thêm mương dẫn nước, thay đổi giống cây trồng để nâng cao năng suất, xen canh, thâm canh, tăng vụ… Nhờ đó, nhà tôi đã thoát nghèo 3 năm nay”.

Anh Lò Văn Tuấn

Một trong những giải pháp xóa nghèo được Hội ND xã Chiềng Ngần chú trọng là hướng dẫn bà con thay đổi cách làm ăn cho khoa học và hiệu quả hơn. “Nhiều cây, con giống mới đã về với đất này và làm giá trị thu nhập trên cùng diện tích đất sản xuất tăng lên như: Cà phê, mía, đậu tương, sắn, ngô, lúa giống mới…

Nhiều diện tích nương bây giờ trồng 2 vụ ngô hoặc 1 vụ ngô + 1 vụ đậu tương/năm đã cho thu từ 15-25 triệu đồng/ha. Đặc biệt chăn nuôi ở đây bây giờ phát triển lắm, nhiều nhà có tới mấy chục con lợn, gần chục con trâu, bò. Cán bộ Hội ND ở ngay trong bản nên bám sát bà con, vừa vận động, vừa hướng dẫn, phê bình hoặc biểu dương cũng kịp thời và chính xác nên khuyến khích được hội viên, ND” - anh Tuấn tâm sự.

Thông tin về tình hình kinh tế của địa phương, ông Lù Văn Tính - Chủ tịch UBND xã Chiềng Ngần, bảo: Nhờ sự vào cuộc tích cực của Hội ND trong việc giúp ND làm ăn, những năm gần đây kinh tế của xã tăng trưởng tốt, nhất là trên lĩnh vực trồng trọt cây công nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản.

Các chỉ tiêu này hàng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch. Nhờ thế, tỷ lệ hộ nghèo giảm rất nhanh và có tính bền vững. Hiện số hộ nghèo trong xã chỉ còn 5%, số hộ có tích trữ kinh tế và kinh nghiệm sản xuất để vươn lên khá, giàu cũng ngày một nhiều hơn. Trong kết quả ấy có sự đóng góp không nhỏ của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn.
Kiều Thiện (Kiều Thiện)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem