Quê hương nhà sử học Lê Văn Hưu hướng đến xã nông thôn mới kiểu mẫu

Hoài Thu - Hữu Dụng Thứ năm, ngày 21/04/2022 19:02 PM (GMT+7)
Sau khi về đích xã nông thôn mới (NTM) nâng cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thiệu Trung (huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) không ngừng nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn xã nhà ngày càng tươi mới, thay da đổi thịt một cách rõ nét.
Bình luận 0

Giữ vững thành quả xã NTM nâng cao

Chúng tôi về thăm xã Thiệu Trung những ngày trung tuần tháng 4, khi chính quyền và người dân nơi đây đang khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 700 năm ngày mất nhà sử học và khánh thành Đền thờ Lê Văn Hưu. Khắp các trục đường liên thôn, liên xã được dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ, trang trí cờ hoa, pano, áp phích hai bên đường.

Là xã điểm trong xây dựng NTM nâng cao của huyện Thiệu Hóa, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thiệu Trung không ngừng nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn xã nhà ngày càng tươi mới, thay da đổi thịt một cách rõ nét.

Thiệu Trung - quê hương nhà sử học Lê Văn Hưu hướng đến xã nông thôn mới kiểu mẫu - Ảnh 1.

Đường vào Đền thờ Nhà sử học Lê Văn Hưu được dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ, trang trí cờ hoa hai bên đường. Ảnh: Hoài Thu

Đến nay, diện mạo Thiệu Trung đã thay đổi rõ nét, từ một xã thuần nông nhiều khó khăn, đến nay đã thực hiện thành công Chương trình xây dựng xã NTM nâng cao, cơ sở hạ tầng, đường giao thông được mở rộng, điện, đường, trường, trạm được đầu tư rất đầy đủ, đồng bộ, nhà cửa khang trang, đời sống của nhân dân cũng được nâng lên.

Năm 2021, xã Thiệu Trung đã được Hội đồng thẩm định cấp tỉnh bỏ phiếu công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Ông Trần Ngọc Tùng - Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung cho biết, nhận thức của người dân về xây dựng NTM ngày càng có sự chuyển biến sâu sắc, từ việc coi đây là một dự án đầu tư của Nhà nước sang tư duy nội sinh lấy sức dân là chính trong phát triển kinh tế, chỉnh trang bộ mặt nông thôn.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thiệu Trung xác định xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, hướng tới mục tiêu phát triển NTM một cách bền vững.

Xã phấn đấu trong năm 2022, hoàn thành 3 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, nâng tổng số thôn đạt kiểu mẫu là 6/6 thôn; mục tiêu xây dựng thành công xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có thêm 3 sản phẩm OCOP và đề nghị thăng hạng 2 sản phẩm OCOP đạt 5 sao.

Thiệu Trung - quê hương nhà sử học Lê Văn Hưu hướng đến xã nông thôn mới kiểu mẫu - Ảnh 2.

Cổng chào trên trục đường chính dẫn vào xã Thiệu Trung (huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: Hoài Thu

Phát triển kinh tế - nâng cao thu nhập

Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, ông Tùng cho biết, trước hết, xã Thiệu Trung cố gắng duy trì và ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới. Hàng năm, thực hiện rà soát từng tiêu chí, khó đâu, gỡ đó. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới việc phát triển sản xuất, ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nếu như năm 2012, thu nhập bình quân đầu người đạt 22,9 triệu đồng/người thì đến năm 2021 bình quân thu nhập đầu người trên địa bàn xã đạt 57,8 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện chỉ còn 0,4%.

Cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã được đầu tư xây dựng, đường làng ngõ xóm đã được bê tông hoá có hệ thống mương thoát nước mưa hai bên, không để xảy ra tình trạng lầy lội, ngập úng.

5/6 nhà văn hóa thôn được chỉnh trang hoặc xây mới, diện tích khuôn viên các nhà văn hóa 175m2, khu thể thao thôn trung bình từ 700m2 trở lên, quy mô xây dựng nhà văn hóa trên 100 chỗ ngồi đảm bảo theo tiêu chuẩn. Các công trình phúc lợi, trường học được xây dựng khang trang, kiên cố, khuôn viên nhà cửa được chỉnh trang sạch đẹp.

Thiệu Trung - quê hương nhà sử học Lê Văn Hưu hướng đến xã nông thôn mới kiểu mẫu - Ảnh 3.

Ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cùng lãnh đạo các sở ban ngành thăm làng nghề đúc đồng Trà Đông. Ảnh: Hữu Dụng.

Xã có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi đảm bảo điều kiện, nội dung hoạt động chống đuối nước cho trẻ em theo quy định, được bố trí phù hợp thuận tiện cho việc vui chơi, luyện tập thể thao của nhân dân đặc biệt là người cao tuổi.

Công tác giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn toàn xã được chú trọng. Các thôn có hương ước về giữ gìn vệ sinh chung, quy định ít nhất 1 tuần 1 lần tổ chức tổng dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh và xử lý rác thải nơi công cộng theo các cụm dân cư.

Xã xây dựng thành công mô hình "Phân loại, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình" giai đoạn 2020 - 2025.

"Người dân chúng tôi phấn khởi và tự hào khi xã được công nhận là xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Trước đây đường làng nhỏ hẹp lắm, ngày mưa thì lầy lội, ngày nắng thì gồ ghề, bụi bặm. Sau khi triển khai xây dựng NTM, đến nay các tuyến đường liên thôn, liên xã hầu hết được trải nhựa, bê tông hóa, nhà cửa khang trang, sạch đẹp", người dân địa phương phấn khởi nói.

Thiệu Trung - quê hương nhà sử học Lê Văn Hưu hướng đến xã nông thôn mới kiểu mẫu - Ảnh 4.

Các nhà văn hóa thôn được chỉnh trang hoặc xây mới khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Hoài Thu

Bên cạnh đó, xã cũng tập trung phát triển ngành nghề thủ công, quy hoạch làng nghề đúc đồng truyền thống, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân có nghề tham gia sản xuất.

Đồng thời, mở rộng dịch vụ kinh doanh các mặt hàng như: dịch vụ ăn uống, kinh doanh, dịch vụ đúc đồng, nhôm, hàng tạp hóa, kinh doanh rau, củ, quả... Đến nay, toàn xã có 133 hộ sản xuất, kinh doanh cố định, tạo việc làm cho hàng trăm lao động có thu nhập ổn định.

Theo tài liệu lịch sử, Lê Văn Hưu sinh năm Canh Dần (1230) trong một dòng họ nổi tiếng ở làng Phủ Lý, nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa). Năm 17 tuổi, ông đỗ Bảng nhãn trong khoa thi đầu tiên của nhà Trần. Ông kinh qua các chức Hàn lâm viện học sĩ, Binh bộ thượng thư, được phong Nhân Uyên hầu.

Bảng nhãn Lê Văn Hưu là tác giả của bộ lịch sử nổi tiếng "Đại Việt sử ký", bộ sách gồm 30 quyển, trình bày diện mạo lịch sử nước ta qua gần 15 thế kỷ (từ năm 207 trước công nguyên đến năm 1244). Đây là bộ quốc sử đầu tiên ở nước ta, được vua Trần Thánh Tông xuống chiếu ban khen và được Ngô Sĩ Liên, sử thần thời Hậu Lê căn cứ để biên soạn "Đại Việt Sử ký toàn thư".

Bằng tài năng, đức độ hơn người, nhà sử học Lê Văn Hưu đã ghi tên mình vào "bảng vàng" danh nhân Việt Nam, trở thành niềm tự hào của mảnh đất Thiệu Trung giàu truyền thống lịch sử - văn hóa. Hiện nay, phần mộ, bia ký khắc ghi tiểu sử, ca tụng tài đức, sự nghiệp của ông vẫn còn trên đất Thiệu Trung.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem