Xã Vũ Đoài (Thái Bình): Ngõ nhỏ được “lên đời”

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 20/10/2014 15:44 PM (GMT+7)
Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Vũ Đoài (huyện Vũ Thư) đã chọn xây dựng giao thông nông thôn là khâu đột phá, và chỉ sau hơn 2 năm huy động nhiều nguồn lực, những con ngõ nhỏ chật hẹp, xuống cấp ở vùng quê này đã được “lên đời”.  
Bình luận 0

Niềm vui từ những ngõ nhỏ

Ngày 18.11.2012 - Ngày hội đoàn kết toàn dân, cũng là dấu mốc quan trọng của xã Vũ Đoài khi nơi đây chính thức phát động phong trào thi đua làm đường giao thông nông thôn. Bắt đầu từ thôn 11, phong trào nhanh chóng lan rộng ra các thôn khác, đến đầu năm 2013, Vũ Đoài đã như một “đại công trường”.

Dẫn chúng tôi đi thăm con đường của thôn 11 được hoàn thành nhờ sự đóng góp của dân, ông Đỗ Hữu Khiêm - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã tự hào nói: “Để phong trào xây dựng đường nông thôn đạt kết quả cao nhất, xã đã tổ chức các cuộc họp Đảng ủy và ở các thôn, đồng thời xây dựng nghị quyết chuyên đề và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ... Theo đó, thôn nào làm đường trục thôn dài từ 200m trở lên sẽ được xã hỗ trợ 20 triệu đồng, đường nhánh cấp 1 được hỗ trợ 10 triệu đồng”.

Nhớ lại ngày khởi công con đường mới, ông Vũ Văn Hoằng - người dân thôn 11 kể: “Chưa bao giờ xóm tôi vui và đoàn kết đến thế. Từ lúc khởi công đến khi hoàn thành, tại công trình luôn có trên 100 người tham gia làm đường. Để có kinh phí hoàn thành công trình, chúng tôi đã họp dân và thống nhất đóng 700.000 đồng/khẩu, đồng thời kêu gọi con em xa quê đóng góp được 80 triệu đồng, ngoài ra thôn còn có 16 hộ tự nguyện hiến đất làm đường”.

Vì lòng dân đã thuận nên con đường dài 1.024m của thôn 11 đã đạt kỷ lục về thời gian hoàn thành: Khởi công ngày 4.12.2012, hoàn thành 31.12.2012, với tổng trị giá 360 triệu đồng, phần lớn do dân đóng góp.

Đến nay, phần lớn những tuyến đường liên thôn ở Vũ Đoài đã được bê tông hóa, lắp đèn chiếu sáng. Ông Phạm Văn Giáp - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, nếu không có sự vào cuộc tích cực của nhân dân thì xã phải rất lâu mới hoàn thành nhiệm vụ này, vì làm đường đòi hỏi kinh phí rất lớn. “Đơn cử như ở thôn 10, những ngày làm đường có gần 300 người dân tham gia giải phóng mặt bằng, không khí vô cùng nhộn nhịp” - ông Giáp cho hay.

Bài học từ huy động sức dân

Ông Đỗ Hữu Khiêm chia sẻ: “Qua đợt vận động này, chúng tôi đã rút ra một bài học quý giá, đó là nếu biết vận dụng khéo léo sức dân, phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở thì mọi việc sẽ trôi chảy và thuận tiện. Tôi cho rằng, không phải cứ có nhiều tiền mới hoàn thành xây dựng NTM, vì thực tế trong đợt làm đường vừa qua, có thôn huy động được tới 3.000 ngày công”.

Cũng theo ông Khiêm, từ năm 2010, Vũ Đoài đã được chọn là 1 trong 5 xã của huyện thực hiện thí điểm dồn điền đổi thửa, đây được coi là bước đệm để xã triển khai các tiêu chí NTM khác. Và để đảm bảo việc dồn điền đổi thửa thực hiện công bằng, khách quan, xã giữ tất cả diện tích đất nông nghiệp hiện có rồi quy hoạch diện tích đất 5% ra một khu vực; xây dựng đường giao thông nội đồng, kênh mương; các đối tượng chính sách, gia đình thương binh, con em liệt sĩ được ưu tiên ruộng tốt, gần; người dân tự nguyện dồn đổi cho nhau dựa trên kế hoạch sản xuất của từng gia đình. Sau khi hoàn tất mọi công việc, các gia đình tổ chức bốc thăm và chia mới ruộng, hiện mỗi hộ có bình quân 1,22 thửa.

Đến nay Vũ Đoài đã quy hoạch được vùng nuôi trồng thủy sản và phát triển kinh tế trang trại với tổng diện tích 82,02ha. Toàn xã đã có hơn 30 trang trại và nhiều gia trại. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,62%.

   Theo UBND xã Vũ Đoài, đến nay tổng kinh phí do nhân dân và con em xa quê đóng góp xây dựng NTM ước đạt trên 6,5 tỷ đồng. Vũ Đoài đã đạt 15/19 tiêu chí và phấn đấu về đích trong năm nay.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem