Xanh, sạch, tin cậy là ưu tiên số một!

Ngọc Lê (giới thiệu) Thứ năm, ngày 12/05/2016 07:00 AM (GMT+7)
Sau khi Bộ NNPTNT phối hợp với Báo NTNN công bố Chương trình “Địa chỉ Xanh- Nông sản Sạch”, rất nhiều cơ sở, doanh nghiệp gọi điện liên hệ với Ban tổ chức về việc làm thế nào để được công nhận là “Địa chỉ Xanh- Nông sản Sạch”.
Bình luận 0

Để làm rõ hơn vấn đề này, NTNN trích đăng giải đáp một số nội dung chính trong dự thảo quyết định ban hành quy định về xác nhận sản phẩm chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn của Bộ NNPTNT.

Đối tượng nào được áp dụng?

- Sản phẩm được xác nhận là sản phẩm chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn bán tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm (cửa hàng, quầy hàng tại chợ, siêu thị ...).

- Chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm có nhu cầu, tự nguyện đăng ký để được xác nhận.

Điều kiện để được xác nhận ra sao?

- Đối với chuỗi cung cấp thực phẩm kết nối giữa cơ sở sản xuất với cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm:

img

Người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn nông sản sạch nhiều hơn.   ảnh:  I.T

Cơ sở sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, khai thác/nuôi trồng thủy sản) được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm hoặc chứng nhận GAP hoặc tương đương. Cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ ký cam kết tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển (đến cơ sở kinh doanh, bán sản phẩm cho người tiêu dùng) được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cơ sở kinh doanh, bán sản phẩm cho người tiêu dùng được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.

 Cơ sở, doanh nghiệp nào có nhu cầu xác nhận thực phẩm an toàn theo chuỗi hoặc được công nhận là “Địa chỉ Xanh- Nông sản Sạch”, xin vui lòng liên hệ trực tiếp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản ở địa phương hoặc gửi thông tin về Báo NTNN theo địa chỉ: 13 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội. ĐT liên hệ: 04.38472263. E-mail: ntnnhn@gmail.com. Chúng tôi sẽ tập hợp thông tin để các cơ quan chức năng xác nhận sớm nhất theo quy trình hiện hành.

Sản phẩm tại cơ sở kinh doanh, bán sản phẩm cho người tiêu dùng được cơ quan chức năng định kỳ lấy mẫu giám sát theo quy định và kết quả kiểm nghiệm đáp ứng các qui chuẩn, quy định hiện hành về an toàn thực phẩm

- Đối với doanh nghiệp là chủ sở hữu và quản lý toàn bộ chuỗi cung cấp từ sản xuất ban đầu đến sơ chế, chế biến, kinh doanh, bán sản phẩm cho người tiêu dùng:

Được cơ quan chức năng kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm ở tất cả các công đoạn sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung cấp thực phẩm.

Sản phẩm tại cơ sở kinh doanh, bán sản phẩm cho người tiêu dùng được cơ quan chức năng định kỳ lấy mẫu giám sát theo quy định và kết quả kiểm nghiệm đáp ứng các quy chuẩn, quy định hiện hành về an toàn thực phẩm.

Cơ quan nào sẽ xác nhận?

Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản các tỉnh, thành phố hoặc cơ quan được Sở NNPTNT giao nhiệm vụ quản lý chất lượng thực phẩm thủy sản trong trường hợp địa phương chưa thành lập Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản.

Ai chịu chi phí xác nhận?

- Kinh phí kiểm tra, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm được thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính;

- Kinh phí lấy mẫu, kiểm nghiệm giám sát do chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm có nhu cầu, tự nguyện đăng ký để được xác nhận chi trả.

Trình tự xác nhận?

- Cơ sở có nhu cầu xác nhận sản phẩm chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn đăng ký với cơ quan xác nhận tại địa phương để được xem xét xác nhận.

- Thông tin đề nghị xác nhận được gửi đến cơ quan xác nhận bằng một trong các hình thức như: trực tiếp, Fax, E-mail, mạng điện tử.

- Trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin đề nghị của cơ sở, cơ quan xác nhận thẩm tra nếu đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 3 quy định này thì tiến hành xác nhận cho cơ sở.

Nội dung xác nhận?

- Nội dung xác nhận phải rõ ràng, cụ thể về tên sản phẩm, tên và địa chỉ cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia chuỗi cung ứng tới cơ sở kinh doanh bày bán sản phẩm cho người tiêu dùng...

-Lôgô sản phẩm chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn theo mẫu. Cơ sở kinh doanh sản phẩm, cơ sở tham gia liên kết chuỗi cung cấp đã được cơ quan chức năng xác nhận được phép sử dụng lôgô để in trên nhãn, bao bì sản phẩm, quảng bá sản phẩm.

Kiểm soát sau xác nhận

- Định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất (khi cần thiết), cơ quan xác nhận kiểm tra thực tế việc tuân thủ các nội dung đã được xác nhận và lấy mẫu thẩm tra khi cần thiết.

- Khi kiểm tra cơ quan xác nhận có thể sử dụng các trang thiết bị kiểm tra, bộ xét nghiệm nhanh an toàn thực phẩm được Bộ Y tế công nhận. Kết quả kiểm nghiệm nhanh phát hiện dương tính cần gửi mẫu đến phòng kiểm nghiệm đã được chỉ định để kiểm khẳng định.

- Trường hợp phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi không tuân thủ quy định hoặc mẫu kiểm nghiệm khẳng định không đạt yêu cầu theo quy định về an toàn thực phẩm, cơ quan chức năng sẽ huỷ bỏ xác nhận, công khai và áp dụng biện pháp xử lý theo quy định hiện hành. Cơ sở vi phạm có trách nhiệm điều tra xác định nguyên nhân và đưa ra biện pháp khắc phục và đăng ký để cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá hiệu quả khắc phục khi xem xét,  xác nhận trở lại.

Quản lý thông tin đã xác nhận

Cơ quan xác nhận có trách nhiệm tổ chức in ấn giấy xác nhận và quản lý chặt chẽ giấy xác nhận đã cấp cho cơ sở. Giấy xác nhận được đánh số nhận diện để quản lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem