Xây 5 hay 10 sân golf do địa phương quyết định? (Ảnh: IT)
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: Xây dựng sân golf, phải đáp ứng một số điều kiện. Ví dụ như không được sử dụng đất lúa, không sử đụng đất quốc phòng an ninh, không sử dụng đất bảo tồn văn hóa, miễn là đáp ứng những điều kiện như vậy, không vi phạm thì được quyền làm.
“Việc muốn xây 5 sân hay 10 sân golf là do địa phương quyết định, hiệu quả do nhà đầu tư tính toán chứ nhà nước không nên can thiệp. Việc này còn phụ thuộc vào thị trường, thị trường người ta thấy hiệu quả thì người ta làm. Đất cát, đất sình lầy, đất không khai thác thì tại sao mình lại hạn chế để cho hay không cho”.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo liên quan đến điều kiện kinh doanh đối với các dự án sân golf. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ KHĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp khẩn trương trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh sân golf theo đúng trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và trình Chính phủ xem xét, quyết định về điều kiện đầu tư kinh doanh sân golf khi Luật Quy hoạch có hiệu lực.
Xét đề nghị của Bộ KHĐT về bổ sung quy hoạch và chủ trương đầu tư sân golf, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ KHĐT xem xét, quyết định việc bổ sung quy hoạch sân golf trên cơ sở đảm bảo đáp ứng đúng quy định về điều kiện hiện hành, tiêu chí xây dựng nêu tại Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26.11.2009; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 18.4.2012 và các pháp luật khác có liên quan đến ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực.
Bộ KHĐT tư thực hiện thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ về việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án xây dựng và kinh doanh sân golf theo đúng quy định của Luật Đầu tư.
Như vậy, với phát biểu của “tư lệnh” ngành kế hoạch đầu tư về việc giao quyết định xây dựng xây golf cho các địa phương trước đó có thể sẽ được hiện thực hóa tại dự thảo Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh sân golf trong thời gian tới.
Nếu Bộ KHĐT soạn thảo Dự thảo Nghị về điều kiện đầu tư kinh doanh sân golf hướng tới quyền tự quyết cho các địa phương có thể sân golf sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới (Ảnh: IT)
Sân golf có thể tăng mạnh
Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt quy hoạch sân golf đến năm 2020, theo đó loại ra khỏi quy hoạch 76 sân từ con số 166 dự án đã cấp phép, thu hồi trên 15.000 ha đất các loại. Dự kiến tới năm 2020 sẽ có 89 sân golf.Trước đó, theo Chỉ thị số 11 ngày 18.4.2012 của Thủ tướng Chính Phủ đã đánh giá, bên cạnh những mặt tích cực, việc thực hiện quy hoạch sân golf đã được phê duyệt còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém; một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ quy định tại Quyết định số 1946/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; hiện tượng đầu tư không thật đúng với quy hoạch, chậm tiến độ, làm cho dư luận, nhất là nhân dân địa phương có sân golf chưa thật sự yên tâm.
Báo cáo mới đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, cả nước hiện có trên 60 sân golf, trải đều trên gần 30 tỉnh thành cả nước. Dự kiến đến năm 2020, toàn quốc sẽ có gần 100 sân golf, được quy hoạch chủ yếu tại các khu vực đất có chất lượng kém, đất cát, đất chưa sử dụng, không sử dụng vào đất trồng lúa, đất màu, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng |
Công tác kiểm tra, giám sát của các Bộ, ngành, địa phương chưa thường xuyên, toàn diện, chặt chẽ nên đã không kịp thời phát hiện và xử lý những vướng mắc phát sinh từ tình hình thực tế tại các địa phương; chưa tạo được sự đồng thuận của cộng đồng dân cư về xây dựng các dự án sân golf. Việc làm cho người lao động tại các địa phương chuyển đổi đất sang làm sân golf chưa đạt được kết quả như mong đợi. Các Bộ, ngành chức năng chậm ban hành và hướng dẫn các quy định về xây dựng sân golf, làm cho các địa phương gặp khó khăn trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch…
Liên quan tới một sân golf cụ thể mới đây được dư luận đặc biệt quan tâm kề bên sân bay Tân Sơn Nhất nếu mở rộng có nên lấy diện tích đất của sân gofl này với 157 ha có ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng, Thiếu tướng Lâm Quang Đại - Chính ủy Quân chủng Phòng không không quân trả lời báo chí cho rằng: “Thực ra 157ha đó là đất dự phòng của quốc phòng để bảo vệ TP.Hồ Chí Minh và sân bay Tân Sơn Nhất. Trước đây nó là vùng đất trống. Hiện nay Bộ Quốc phòng có quan điểm nhất quán là chỉ sử dụng đất quốc phòng nhàn rỗi để phát triển kinh tế, để lấy nguồn ngân sách củng cố quốc phòng, các doanh trại quân đội. Quan điểm thứ hai là nếu như có nhu cầu về quốc phòng thì sẽ thu hồi vô điều kiện. Khi có lệnh cấp trên có liên quan có nhiệm vụ quốc phòng”.
Trong khi, vào năm 2012, khi đối thoại trên Cổng thông tin Điện tử chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh lúc đó khẳng định “Trước hết phải nói là sân golf không có lỗi. Bởi lĩnh vực này có thể tạo việc làm, thu hút dịch vụ, du lịch. Việt Nam chưa phải nước có nhiều sân golf. Tuy vậy, bộ trưởng Vinh khẳng định, nếu lấy đất sản xuất, đất màu rừng phòng hộ thành sân golf thì không chấp nhận được”.
Có thể thấy, sau nhiều năm phát triển sân golf ở nước ta, đến nay một số địa phương cho biết các sân golf mới xây dựng đã có khách đặt kín chỗ. Nguyên nhân là do đời sống của người dân đã được nâng cao nên môn chơi “quý tộc” này cũng ngày càng phổ biến và cung đang không đáp ứng được nhu cầu của người chơi golf. Do đó, rất nhiều địa phương đã và đang mong muốn được tiếp tục đầu tư thêm sân golf nên nếu như Bộ KHĐT “mở cửa” cho các địa phương tự quyết định như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời báo chí mới đây thì chắc chắn số lượng sân golf trên toàn quốc có thể sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.