Xây dựng được "hàng rào" này, người nuôi gia cầm khỏi lo dịch bệnh

Trần Quang Thứ sáu, ngày 20/11/2020 06:00 AM (GMT+7)
Theo các chuyên gia chăn nuôi, chỉ cần người chăn nuôi xây dựng được "hàng rào" an toàn sinh học tốt sẽ không chỉ giúp cho gia cầm nuôi luôn khỏe mạnh, phòng tránh được dịch bệnh mà còn giúp bà con được hưởng lợi nhiều hơn so với chăn nuôi truyền thống.
Bình luận 0
Chăn nuôi an toàn sinh học - hướng đi bền vững cho ngành chăn nuôi gia cầm - Ảnh 1.

Toàn cảnh diễn đàn chăn nuôi "Sản xuất giống và an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm" tổ chức ngày 18/11 tại Vĩnh Phúc.

Nhiều kết quả tích cực

Ngày 18/11, tại Vĩnh Phúc, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp quốc (FAO), Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức diễn đàn chăn nuôi "Sản xuất giống và an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm".

Theo Cục Chăn nuôi, trong những năm qua số lượng gia cầm tăng bình quân mỗi năm trên 10%. Sản lượng thịt gia cầm hơi đạt trên 1,3 triệu tấn, trứng đạt trên 13 tỷ quả...

Để đạt được thành quả đó, theo Cục Chăn nuôi là do Việt Nam đang sở hữu một bộ giống gia cầm rất phong phú, đa dạng, có năng suất và chất lượng cao. Đồng thời, ngành chăn nuôi gia cầm của Việt Nam cũng đã và đang tiếp thu nhanh và kịp thời áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ mới hiện đại vào sản xuất con giống và gia cầm thương phẩm cho ra những sản phẩm có chất lượng và giá trị cao có tính cạnh tranh trên thị trường.

Bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, từ năm 2015, được sự hỗ trợ của FAO, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tham gia thực hiện các dự án như "Giảm thiểu rủi ro và các mối đe doạ sức khoẻ con người theo chuỗi giá trị EPT2-OSRO/VIE/402/USA".

Các hoạt động, chương trình phối hợp nhằm phát triển chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học giúp cho người chăn nuôi và cộng đồng nắm bắt thông tin và thay đổi nhận thức trong công tác phòng chống dịch bệnh cho gia cầm một cách hiệu quả nhất, đặc biệt đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm truyền lây giữa người và động vật.

Theo đó, trong thời gian này, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với FAO đã tổ chức được 26 lớp TOT cho 500 học viên là cán bộ khuyến nông, cán bộ chuyên môn của các trường đại học, cao đẳng, trong đó có trên 42 học viên đã được lựa chọn là các giảng viên nguồn về thực hành tốt và an toàn sinh học để tập huấn lại cho nông dân tại các địa phương...

Bên cạnh đó, trong chương trình hợp tác giữa Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và FAO về "Tăng cường quản lý sản xuất và ATSH trong chăn nuôi gia cầm", đã thu được kết quả rất tích cực. Chương trình đã xây dựng thành công 16 mô hình trang trại gia cầm sinh sản; Mô hình trại gia cầm thương phẩm 24 trại; Mô hình ấp trứng gia cầm: 62 cơ sở tại CầnThơ, Quảng Trị, Hà Nam, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hưng Yên.

Đơn cử như tại mô hình trại gia cầm sinh sản, chương trình đã giúp cải thiện được năng suất như tỷ lệ đẻ tăng từ 5-10%; tỷ lệ ấp nở tăng 2-7% và đặc biệt là chương trình đã giúp giảm lượng kháng sinh và chất khử trùng sử dụng từ 20-50% do giảm bệnh đường hô hấp và đường ruột...

Chăn nuôi an toàn sinh học - hướng đi bền vững cho ngành chăn nuôi gia cầm - Ảnh 3.

Ông Pawin Podutod - Cố vấn cấp cao của FAO ở Việt Nam kỳ vọng trong thời gian tới, FAO tại Việt Nam tiếp tục được hợp tác với các đối tác của Bộ NNPTNT và các đối tác tư nhân để tiếp tục nhân rộng các kết quả của chương trình nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trong chuỗi sản xuất, cung ứng gia cầm ở Việt Nam.

Mong tiếp tục hợp tác

Trao đổi với các đại biểu tại diễn đàn, ông Pawin Podutod - Cố vấn cấp cao của FAO cho hay: Trong nhiều năm qua, FAO đã hợp tác với các cơ quan liên quan của Việt Nam tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ quản lý chăn nuôi, cán bộ khuyến nông địa phương của 63 tỉnh, thành; 100 mô hình trang trại chăn nuôi, cơ sở ấp nở gia cầm thực hiện tốt an toàn sinh học.

"Các mô hình này đang là các hạt nhân tiêu biểu lan truyền thực hiện an toàn sinh học và thực hành tốt tại các địa phương" - cố vấn cấp cao của FAO khẳng định.

Ông Pawin Podutod cũng bày tỏ kỳ vọng trong thời gian tới, FAO tại Việt Nam tiếp tục được hợp tác với các đối tác của Bộ NNPTNT và các đối tác tư nhân để tiếp tục nhân rộng các kết quả của chương trình nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trong chuỗi sản xuất, cung ứng gia cầm ở Việt Nam.

Nhờ sự hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăm nuôi gà an toàn sinh học của Tổ chức FAO, anh Trần Văn Sáu ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đã tự tin hơn trong chăn nuôi gà thương phẩm.

Anh Sáu cho biết, trước đây gia đình anh thường xuyên chăn nuôi gà theo kiểu tự phát, nhỏ lẻ. Từ đầu năm 2017, anh được cán bộ FAO hỗ trợ tập huấn bài bản, chuyên nghiệp từ khâu xây dựng chuồng trại, phòng, trị bệnh cho đàn vật nuôi đến các khâu chăn nuôi an toàn sinh học.

Chăn nuôi an toàn sinh học - hướng đi bền vững cho ngành chăn nuôi gia cầm - Ảnh 4.

Các đại biểu, chuyên gia chăn nuôi thăm quan mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học của gia đình anh Trần Văn Sáu ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Sau khi có kiến thức, vợ chồng anh Sáu đã đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gà quy mô lớn hơn lên đến 6.000 gà/lứa. 

"Có kiến thức chăn nuôi gà, tôi không chỉ thấy nhàn hạ mà tỷ lệ hao hụt đầu con của trang trại giảm rõ rệt, chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao, mẫu mã gà đẹp, tiêu thụ thuận lợi hơn trước", anh Sáu tiết lộ.

Với thế mạnh là chăn nuôi gà thả đồi, trong thời gian qua, mô hình chăn nuôi gà áp dụng biện pháp an toàn sinh học, theo hướng VietGAHP của Bắc Giang đang chuyển dịch tích cực phát triển theo quy mô trang trại sản xuất hàng hóa.

Thống kê trên địa bàn tỉnh có trên 5.000 gia trại nuôi từ 500 con trở lên và trên 300 trang trại có quy mô từ 2.000 con trở lên. Nhiều hộ chăn nuôi gà thả vườn có quy mô 2.000-6.000 con/lứa. Quy mô chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại chiếm trên 20% tổng đàn gia cầm của tỉnh.

Hàng năm người chăn nuôi gà trong tỉnh Bắc Giang xuất bán khoảng trên 60% sản lượng chăn nuôi cho các tỉnh như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên… Bên cạnh việc duy trì phát huy thương hiệu gà đồi Yên Thế, tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gà giống Hiệp Hoà, gà đồi Lục Ngạn.

Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm khuyến nông Bắc Giang khẳng định: Chăn nuôi gà thả vườn đồi ở Bắc Giang ngày càng có vai trò quan trọng trong sản xuất chăn nuôi, cho giá trị khoảng trên 1.900 tỷ đồng/năm, chiếm trên 20% cơ cấu giá trị sản xuất chăn nuôi của tỉnh, góp phần tích cực trong việc ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập cho người dân.

"Dù chương trình phối hợp với FAO đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên trong thực tế hiện nay việc sản xuất và chăn nuôi tại Việt Nam, vấn đề liên kết chuỗi và hợp tác công tư còn chưa được tập trung khai thác, chưa hình thành rõ nét và chưa đi vào hoạt động hiệu quả nên giá trị chăn nuôi mang lại còn chưa cao. Do vậy, cần sự can thiệp kỹ thuật từ các chuyên gia FAO và sự đầu tư ngoài chính phủ để hỗ trợ tốt hơn".

Bà Hạ Thuý Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem