Phát triển đồng bộ GTNTTheo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), tính từ năm 2008 đến năm 2012, đã có 46.796 tỷ đồng vốn được huy động xây dựng GTNT, bên cạnh nguồn vốn do T.Ư hỗ trợ, ngân sách địa phương, cần phải nói đến một nguồn lực đóng góp khá lớn từ người dân với gần 10.000 tỷ đồng nhân dân (18,1%). Bên cạnh đóng góp về vật chất của cải, người dân đã đóng góp 165,4 triệu ngày công lao động xây dựng GTNT.
Xây dựng đường nông thôn ở xã Đại Đồng, huyện Yên Bình (Yên Bái).
Bằng nguồn kinh phí huy động tổng lực, các địa phương trong cả nước đã xây dựng mới được 15.185km đường; sửa chữa nâng cấp 74.329km đường; làm hàng ngàn cầu bê tông cốt thép, cầu liên hợp, cầu treo, cầu gỗ thay thế nhiều cầu khỉ xuống cấp. Bộ GTVT cho biết, năm 2013 dự kiến các tỉnh sẽ huy động khoảng 17.540 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường GTNT.
Đánh giá về chủ trương xây dựng GTNT, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết: “Đây là chủ trương đúng đắn được nhân dân đồng tình hưởng ứng phát triển thành phong trào sâu rộng. Kết quả to lớn thu được đã góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày một đổi mới. Đến nay hệ thống GTNT đã có bước phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng, góp phần thay đổi diện mạo GTNT Việt Nam. Đường sá thuận lợi đã góp phần giảm giá thành sản phẩm, thu hút được nhiều nhà đầu tư về khu vực nông thôn góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân có thêm thu nhập, đời sống dần được nâng cao”.
Cần hơn 8.000 tỷ đồng nữaKết quả thực hiện xây dựng GTNT giai đoạn 2008 - 2012 tuy có bước phát triển đáng kể, tuy nhiên theo Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) Trần Đức Hải cho biết: “Hệ thống hạ tầng GTNT nhìn chung còn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nói chung và phát triển nông nghiệp, nông thôn nói riêng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo. Số xã chưa có đường ô tô vẫn còn 149 xã với nhu cầu vốn đầu tư khoảng 8.035 tỷ đồng. Nhiều tuyến quốc lộ, đường tỉnh chưa được nâng cấp, nhiều dự án phải đình hoãn, đi lại hết sức khó khăn, không đảm bảo ATGT. Các tuyến quốc lộ chính quy mô nhỏ và đang bị xuống cấp gây ùn tắc và gia tăng TNGT. Các tuyến đường sắt lạc hậu, chưa được nâng cấp. Hệ thống sân bay, cảng biển, nhất là tại các địa phương quy mô nhỏ bé, công nghệ lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu đi lại và hàng hóa thông qua...”.
"T.Ư tăng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước, phát hành trái phiếu Chính phủ, có chính sách thu hút và kêu gọi đa dạng nguồn vốn ODA để ưu tiên đầu tư xây dựng phát triển mạng lưới GTNT. Bộ GTVT đang đề xuất xây dựng cơ chế quản lý, đầu tư và thu hút các loại nguồn vốn để phát huy hiệu quả đầu tư”. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng
|
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá: Sau 5 năm triển khai Nghị quyết T.Ư 7 khóa X, chúng ta đã đạt được những thành quả to lớn. Việc phát huy phong trào xây dựng GTNT đã được các địa phương triển khai rất nhanh và sâu rộng. Phong trào này trở thành phong trào của toàn dân, hầu hết các tỉnh đã làm tốt công tác vận động toàn dân tham gia xây dựng GTNT, huy động được nguồn lực hết sức to lớn từ nhân dân.
Điều này chứng tỏ phong trào xây dựng GTNT là hướng đi đúng đắn thiết thực được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Mặc dù vậy, theo Phó Thủ tướng, hệ thống hạ tầng giao thông nói chung so với yêu cầu vẫn còn yếu kém, đây vừa là điểm nghẽn và cũng là điểm có thể tạo đột phá để phát triển. Do vậy, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, Bộ Giao thông Vận tải cùng các địa phương cần có nhiều giải pháp sử dụng tốt nguồn lực hiện có, đồng thời nghiên cứu chính sách huy động nguồn vốn ngoài ngân sách, nhất là hình thức hợp tác công tư (PPP). Cùng với đó, qua sơ kết rút ra những điểm chung nhất từ các xã điển hình, xây dựng mô hình, bài học kinh nghiệm để nhân rộng ra cả nước. Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cần có hình thức ghi nhận tôn vinh những người dân có đóng góp lớn cho phong trào xây dựng nông thôn mới nói chung và làm đường giao thông nông thôn nói riêng.
Đình Thắng (Đình Thắng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.