Xây dựng Nông thôn mới ở Điện Trung: Dân giàu lên, xã thêm đẹp

Đại nghĩa Thứ bảy, ngày 10/12/2016 07:15 AM (GMT+7)
Xã Điện Trung thuộc vùng đất Gò Nổi (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) - một miền quê bao đời bị cách trở về giao thông, thường xuyên bị thiệt hại bởi thiên tai, bão lụt và nguồn sống của người dân phụ thuộc nông nghiệp là chính. Thế những, với cách làm nông thôn mới (NTM) hay và hiệu quả, Điện Trung đã nhanh chóng về đích trước một năm.
Bình luận 0

Cuộc “cách mạng” ở nông thôn

Từ Quốc lộ 1A, theo tuyến đường tỉnh 610B chúng tôi đi về vùng Gò Nổi của thị xã Điện Bàn. Tuyến 610B qua Điện Trung bây giờ được trải nhựa phẳng lì, hai bên đường nhiều ngôi nhà mới kiên cố, tường rào cổng ngõ được chỉnh trang thẳng tắp. Chợ Điện Trung cũng được xây dựng mới khang trang đã giúp cho bà con nhân dân buôn bán thuận lợi hơn.

img

Hiện nay, 100% đường trục xã, liên xã và đường thôn xóm đã được trải nhựa và bê tông hóa.   Ảnh: Đ.N

Ông Trần Tình - Chủ tịch UBND xã Điện Trung cho biết, từ năm 2011 đến nay, xã đã huy động hàng chục tỷ đồng mỗi năm để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong đó, nhân dân đóng góp gần 15 tỷ đồng, ngoài ra bà con còn hiến hơn 30.000m2 đất, di dời tường rào cổng ngõ để mở rộng giao thông nông thôn. Đặc biệt, từ nguồn vốn của Chương trình NTM, xã đã chú trọng đầu tư giao thông nội đồng, kênh mương, điện để thủy lợi hóa đất màu (xây dựng mới 11,5km đường dây diện thủy lợi hóa đất màu). Xã cũng  tập trung đầu tư giao thông nông thôn, trường học đạt chuẩn, chợ mới khang trang, khu trung tâm… Hiện nay, 100% đường trục xã, liên xã và đường thôn xóm đã được trải nhựa và bê tông hóa, giúp cho người dân đi lại rất thuận lợi và không còn cảnh lầy lội như trước đây nữa. Nhờ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nên đã phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi diện mạo của quê hương, thúc đẩy sản xuất phát triển và nâng cao đời sống nhân dân.

Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân đầu người tại Điện Trung chỉ mới 14,5 triệu đồng, thì cuối năm 2014 đã tăng lên trên 22 triệu đồng và hiện nay mức thu nhập cao hơn gấp đôi so với trước. Tỷ lệ hộ nghèo từ 10,22% năm 2010 giảm còn 3,03% vào cuối năm 2014.

“Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu trọng tâm của xây dựng NTM, vì vậy, trong những năm qua, chính quyền địa phương đã tập trung chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng, con vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao như cây ớt, đậu các loại, dưa hấu, lúa giống, bắp lai, bò lai, lợn nạc… Một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ bước đầu phát triển mạnh. Đặc biệt, tại các vùng đất màu biền, màu thổ được thủy lợi hóa góp phần tăng số lần canh tác trên đơn vị diện tích. Nhờ đó, giá trị thu nhập bình quân canh tác/ha/năm từ 80 triệu đồng (năm 2010) nay tăng lên 150 triệu đồng/ha/năm, nhiều hộ gia đình có thu nhập hàng năm  từ 200 - 300 triệu đồng...” – ông Tình chia sẻ.

Nâng chất các tiêu chí

Trao đổi với NTNN, ông Trần Tình cho hay, việc tập trung phát triển kinh tế đã giúp cho thu nhập tăng, chất lượng cuộc sống và điều kiện sinh hoạt của nhân dân nâng cao đáng kể. “Với nhiều cách làm hay, sáng tạo cùng sự tham gia đóng góp của người dân, Điện Trung đã về đích cuối năm 2014 và trước thời hạn một năm. Thành quả xây dựng NTM mà địa phương có được như ngày hôm nay chủ yếu từ sự nỗ lực vượt khó, phát huy nội lực và tinh thần đồng thuận, đoàn kết của nhân dân...” – ông Tình nói.

 Theo ông Tình, đạt chuẩn NTM đã khó, nhưng việc giữ vững và nâng chất các tiêu chí càng khó khăn hơn rất nhiều. Vì thế, trong những năm tới, Điện Trung sẽ tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy phát triển mạnh dịch vụ và ngành nghề nông thôn, gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của một xã NTM phát triển. Đặc biệt phải làm sao nâng mức thu nhập của người nông dân và ổn định, bền vững…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem