Xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia: Thúc đẩy tư duy trọng nghề thay vì trọng bằng cấp

Nguyệt Tạ Thứ bảy, ngày 19/12/2020 06:00 AM (GMT+7)
Mỗi một nghề sẽ có những kỹ năng, tiêu chuẩn khác nhau. Việc ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ năng cho từng nghề sẽ giúp doanh nghiệp có căn cứ đánh giá, cơ sở để tuyển dụng. Thay vì tuyển dụng dựa trên bằng cấp, doanh nghiệp có thể tuyển dụng trên kỹ năng... Đây là xu hướng mới tại Việt Nam, khu vực và thế giới.
Bình luận 0

Quyết định thành công cách mạng 4.0

Theo các chuyên gia lao động việc làm, xu thế dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam khiến nhu cầu về lao động có kỹ năng nghề sẽ tăng rất nhanh. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có sự chuẩn bị nhanh chóng, kịp thời về nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới. Để làm được điều này cần phải xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề nhằm chuẩn hóa lực lượng lao động.

Xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia: Thúc đẩy tư duy trọng nghề thay vì trọng bằng cấp  - Ảnh 1.

Ban hành quy định năng lực cơ bản của lao động sẽ thay đổi tư duy tuyển dụng trọng bằng cấp hiện tại. Ảnh: Công ty May Nam Thái Nguyên. Ảnh: T.A

"Việc xây dựng thống nhất các đơn vị năng lực cơ bản sẽ tạo điều kiện cho công tác chuẩn hóa và công nhận trình độ kỹ năng nghề cơ bản của người lao động, tiết kiệm được chi phí xây dựng, thẩm định tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia theo quy định hiện hành".

Ông Vũ Chí Trường

Để đón đầu xu hướng này, vừa qua Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (GDNN) đã lấy ý kiến tham vấn các bên nhằm xây dựng các đơn vị năng lực cơ bản trong tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia.

Ông Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục GDNN) cho biết,Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Trong tình hình việc làm thế giới đang chịu tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, biến đổi khí hậu, dịch bệnh… người lao động rất cần những kỹ năng, năng lực cơ bản, nền tảng để thích nghi và có sức đề kháng cao với những yếu tố bất định, bất ngờ, bất an, diễn biến nhanh chóng, khó dự đoán, khó dự báo của lĩnh vực việc làm.

Trong đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khuyến khích việc công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa vào kỹ năng nghề. Vấn đề đặt ra cho công tác chuẩn hóa kỹ năng nghề cho người lao động, góp phần quan trọng trong việc thay đổi tư duy tuyển dụng dựa trên năng lực nghề nghiệp thực tế thay vì dựa vào bằng cấp.

Hiện nay, Tổng cục GDNN đã và đang phối hợp với các bộ chủ trì tổ chức xây dựng, thẩm định tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia để trình Bộ trưởng Bộ LĐTBXH ban hành, công bố.

Phục vụ đào tạo, đánh giá lao động

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lao động cho rằng việc ban hành 6 đơn vị năng lực cơ bản trong tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia là cơ hội để chuẩn hóa lao động Việt Nam, tiệm cận với khung trình độ khu vực ASEAN và thế giới.

Ông Đào Vũ Nguyên - Giám đốc Tập đoàn Đầu tư xây dựng Hòa Bình cho rằng khi đã xác định được năng lực cơ bản rồi thì việc đào tạo sẽ phải làm dưới dạng module, từ đó xác định được tiêu chuẩn cần của người lao động. Bộ tiêu chuẩn năng lực cơ bản ban hành sẽ được làm hệ quy chiếu để đào tạo cho người lao động.

Ông Nguyễn Chí Trường cho rằng, ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề sẽ ảnh hưởng tới nhiều các bên liên quan, kéo theo sự thay đổi của doanh nghiệp, của người lao động. Việc tuyển dụng dựa trên kỹ năng sẽ thay đổi nhận thức, xu hướng của xã hội về tư duy trọng trọng kỹ thuật thay cho trọng bằng cấp như hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II TP.HCM cũng đánh giá cao vai trò của xây dựng kỹ năng nghề quốc gia: "Việc ban hành bộ tiêu chuẩn cơ bản như là kim chỉ nam để các trường lấy đó làm tiêu chuẩn cho việc đào tạo lao động. Nhà trường cũng phải đưa ra giải pháp cốt lõi trong đào tạo theo hướng để đạt được mục tiêu về bộ tiêu chuẩn kỹ năng cơ bản đó".

Theo bà Hằng, hiện nay cũng có những thách thức lớn trong việc ứng dụng các năng lực cơ bản. Đầu tiên đó chính là thói quen lao động không cần kỹ năng, tiếp đó là nhận thức, tư duy và cách sử dụng lao động của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn tư duy sử dụng lao động phổ thông để trả lương thấp. "Nếu ban hành được tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia thì những điều này sẽ không còn. Đây là cơ hội để tăng năng suất lao động, góp phần đưa Việt Nam tiến lên" - bà Hằng khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem