“Xé rào” xuống giống vụ đông xuân muộn, nông dân một huyện ở Sóc Trăng thiệt hại 1.000ha lúa

Hoàng Hạnh Thứ hai, ngày 15/04/2024 15:38 PM (GMT+7)
Dù được ngành chức năng khuyến cáo không nên gieo sạ vụ đông xuân muộn do lo sợ ảnh hưởng bởi hạn mặn hàng năm song nhiều nông dân ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng vẫn “xé rào” xuống giống và đang đối mặt với thiệt hại lớn.
Bình luận 0

Ngành nông nghiệp huyện Long Phú cho biết, dù được cảnh báo từ trước về tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra sớm, nhưng nhiều nông dân ở địa phương vẫn bất chấp khuyến cáo xuống giống vụ lúa đông xuân muộn vì vụ mùa trước đó bà con trúng mùa, trúng giá.

Tình trạng hạn hán, nhiễm mặn ở nhiều tỉnh vùng ĐBSCL nói chung và Sóc Trăng nói riêng đang diễn ra rất nhanh, ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất của hàng nghìn hộ nông dân.

“Xé rào” xuống giống vụ đông xuân muộn, nông dân một huyện ở Sóc Trăng thiệt hại 1.000ha lúa- Ảnh 1.

“Xé rào” xuống giống vụ đông xuân muộn, nông dân một huyện ở Sóc Trăng thiệt hại 1.000ha lúa- Ảnh 2.

Những cánh đồng lúa của bà con nông dân ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng đang chết dần do hạn mặn, thiếu nguồn nước ngọt bơm vào ruộng lúa, người sản xuất gần như trắng tay trong vụ lúa đông xuân muộn này. Ảnh: Tầm An

Đến huyện Long Phú những ngày này rất dễ để tìm thấy những con kênh khô nước, nứt nẻ, hay những cánh đồng lúa đứng chờ chết.

Là hộ quyết định gieo sạ lúa vụ 3 để đón giá lên cao, ông Phạm Văn Tài (ngụ thị trấn Long Phú) đang đau đáu lo cho cánh đồng lúa của gia đình. Vụ mùa này, ông Tài đầu tư bạc triệu để xuống giống trên diện tích 1ha đất của gia đình, nhưng giờ đây, đồng lúa nhà ông đang đứng trước nguy cơ mất trắng.

“Xé rào” xuống giống vụ đông xuân muộn, nông dân một huyện ở Sóc Trăng thiệt hại 1.000ha lúa- Ảnh 3.

Ở một số khu vực, cây lúa đứng giữa cái nắng nóng, trong khi đồng ruộng khô khốc. Để cứu lúa, nhiều người liều mình bơm nguồn nước nhiễm mặn từ sông lên ruộng nhưng chỉ làm cho diện tích lúa nhà mình chết nhanh thêm. Ảnh: Tâm An

"Hiện, lúa đang trong giai đoạn trổ đòng, cần phải giữ đủ nước trong ruộng, nhưng khoảng 2 tháng nay nguồn nước bị nhiễm phèn mặn không thể bơm vào ruộng lúa", ông Tài nói và cho biết, đã có khoảng 3.000m2 lúa của ông đã chết khô, diện tích còn lại cũng bị ảnh khoảng 50%.

Cùng chung tình cảnh với ông Tài, ông Lý Quyền có đám ruộng hơn 1,5ha ở gần đó cũng đứng ngồi không yên khi cây lúa chết dần hay lép hạt vì thiếu nguồn nước ngọt.

Đứng nhìn ruộng lúa nhà mình, ông Quyền chua chát nói, mấy chục năm trong nghề, ông chưa lần nào thất bại như vụ lúa này. "Thấy giá lúa lên cao nên tôi mạnh dạn đầu tư trên 50 triệu đồng để xuống giống, nhưng không ngờ công sức giờ đây như đổ sông đổ biển", ông Quyền nói.

“Xé rào” xuống giống vụ đông xuân muộn, nông dân một huyện ở Sóc Trăng thiệt hại 1.000ha lúa- Ảnh 4.

Những con kênh nội đồng khô nứt nẻ, nên 6.000ha lúa vụ 3 của người dân ở huyện Long Phú đang có hơn 1.000ha bị ảnh hưởng, trong đó mất trắng hàng chục ha. Ảnh: Tâm An

Bà con nông dân cho biết, do thiếu nguồn nước ngọt hơn tháng nay nên những hộ đã gieo sạ phải túc trực ngoài đồng, canh nguồn nước để bơm vào ruộng lúa. "3/10ha lúa của tôi đã mất trắng, số còn lại cũng đang "èo uột" úa lá, rễ từ màu trắng dần chuyển sang đen rồi chết dần", lão nông Lê Văn Hết ngậm ngùi.

Ông Lâm Văn Vũ, Trưởng phòng NNPTNT huyện Long Phú cho biết, rút kinh nghiệm từ sau vụ mùa 2015-2016 khi địa phương bị ảnh hưởng nặng bởi hạn mặn, năm nay ngành nông nghiệp huyện không có chủ trương xuống giống lúa vụ 3.

"Theo thống kê, ở vụ lúa đông xuân muộn, toàn huyện xuống giống hơn 6.000ha, khoảng một tháng nữa mới thu hoạch xong. Nhưng chỉ mới nửa đầu tháng 4 đã có hơn 1.000ha bị ảnh hưởng (mất trắng hơn 37ha) do ảnh hưởng của hạn mặn", ông Vũ nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem