Xem “Những bức thư từ Sơn Mỹ”: Tình yêu hàn gắn nỗi đau

Thứ hai, ngày 16/05/2011 14:13 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tối qua (15.5), bộ phim "Những bức thư từ Sơn Mỹ" của đạo diễn Lê Dân được trình chiếu tại Hà Nội. Chỉ dài 87 phút, nhưng “Những bức thư từ Sơn Mỹ” để lại xúc động cho người xem.
Bình luận 0

Phim được kể dựa trên hành trình sám hối có thật của William Calley - viên trung úy Mỹ từng chỉ huy vụ thảm sát 504 thường dân vô tội ở Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) vào năm 1968.

img
Cảnh trong bộ phim "Những bức thư từ Sơn Mỹ".

Quá khứ không ngủ yên

Trong phim, William Calley- nhân vật chính được đổi tên là Peter Cage. Cage quyết định trở lại VN sau 42 năm lương tâm dằn vặt và thú tội với đồng bào Sơn Mỹ.

Trở lại vùng quê đau thương Sơn Mỹ, Cage ở nhà nhân vật Hạnh (diễn viên Giáng My). Hàng đêm, Cage gửi email về Mỹ cho vợ là Mary kể về những đổi thay của đất nước VN, sức sống mãnh liệt của người dân Sơn Mỹ hôm nay.

Ở đoạn kết phim, Cage đã thu hết can đảm để thú nhận ông chính là một trong 3 sĩ quan từng chỉ huy cuộc hành quân gây nên vụ thảm sát tại thôn Mỹ Lai vào buổi sáng 16.3.1968 và ông cúi đầu nói lời tạ lỗi, cầu mong nhân dân Sơn Mỹ tha thứ: "42 năm qua, không một ngày nào trôi qua mà tôi không cảm thấy hối hận vì những gì đã xảy ra tại Mỹ Lai...".

Không giống như cách kể của một bộ phim tài liệu nổi tiếng cũng về đề tài này là "Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai", phim “Những bức thư từ Sơn Mỹ” được kể dựa vào 2 chuyện tình.

Mối tình thứ nhất là của Cage, thể hiện qua sự chia sẻ chân thành trong những bức thư từ Sơn Mỹ mà ông gửi email về cho vợ, dốc hết nỗi niềm của mình. Những bức thư của mối tình này tạo thành đường dây dẫn chuyện của phim.

Mối tình thứ hai là của Hạnh- một cô gái bị nhiễm chất độc da cam muốn người yêu mình đi lấy vợ khác. Nhưng rồi hai người vẫn vượt qua tất cả để đến được với nhau...

Người thật đóng phim

Trong "Những bức thư từ Sơn Mỹ", một lần nữa những tình tiết của vụ thảm sát trong quá khứ được dàn dựng lại, khốc liệt và tang thương, nhưng xen lẫn với hiện tại là hình ảnh sám hối của trung úy Peter Cage trước ánh nhìn từ bi của đức Phật, đã tạo cho người xem nhiều xúc cảm sâu sắc.

Trong suốt thời gian Peter ở tại Sơn Mỹ, Hạnh đã giúp ông gắn kết với người dân. Cùng lúc đó, với sự hối lỗi chân thành của mình, Peter đã âm thầm gửi bức tranh của cậu bé Lạc tham gia cuộc thi vẽ tranh quốc tế thiếu nhi và đạt được giải thưởng lớn, giúp người dân Sơn Mỹ dọn dẹp sửa chữa lại nhà cửa sau cơn bão lớn... Chính Peter đã giúp Hạnh hàn gắn mối tình đẹp với Long khi chị muốn chia tay do mặc cảm với việc mình không thể sinh con bởi ảnh hưởng của chất độc da cam.

Bộ phim được khởi quay từ tháng 1.2010. Nhân vật trung úy Peter Cage do Gerrard Saub, một người Pháp đang sống và làm việc tại VN đảm nhận. "Những bức thư từ Sơn Mỹ" từng tham dự Liên hoan Phim Cannes năm 2010.

Đạo diễn Lê Dân cho biết, ngoài 2 nhân vật chính là Peter Cage và Hạnh là do các diễn viên vào vai, khán giả xem phim sẽ thấy rất bất ngờ với những vai diễn do "người thật" ngoài đời đảm nhiệm vì họ không hề diễn xuất mà đang thể hiện chính mình.

Đó là ông Phạm Thành Công vào vai chính mình là Giám đốc Khu chứng tích Sơn Mỹ, như bé Lạc vào vai em bé tàn tật hoặc ông Nguyễn Hoàng Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vào vai lãnh đạo tỉnh và rất nhiều người dân địa phương vào vai quần chúng.

Ông nói: "Những diễn viên "tại chỗ" này đều có số phận gắn với vụ thảm sát Sơn Mỹ, nên họ chỉ cần "diễn" như chính những gì mà họ đã và đang sống”.

Khát vọng hòa bình được phim kể bằng những hình ảnh tươi đẹp: Mảnh trời xanh, những ruộng lúa mướt xanh, những lứa đôi mơ đến ngày hạnh phúc, một bức tranh được em bé vẽ bằng 2 cánh tay thiếu hụt, một củ khoai lấm cát vừa móc lên trao cho người lính Mỹ... Yêu mến cuộc sống yên bình hôm nay, khán giả sẽ càng mong những đau thương của quá khứ đừng bao giờ lặp lại...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem