Làng Bảo Hà thuộc xã Đồng Minh huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Đây là một làng cổ có nghề truyền thống tạc tượng và múa rối. Sản phẩm chủ yếu của làng là đồ thờ như: tượng, tượng truyền thần, nhang án, hoành phi, câu đối, cửa võng, tranh ảnh sơn mài…
Các nghệ nhân của làng vẫn duy trì và phát triển nghề, tuy nhiên ngày nay được trợ giúp bởi máy móc nên thời gian hoàn thành tác phẩm cũng ngắn hơn, giá thành nhờ đó cũng được giảm hơn.
Trong miếu Bảo Hà thuộc làng nghề là một pho tượng kỳ lạ vì có thể ngồi xuống, đứng lên như người thật. Không giống như các pho tượng khác, bức tượng thờ Đức Linh Lang Đại vương tạc cao bằng người thực, nét mặt vẽ đẹp, khôi ngô, đầu đội vương miện, mình mang quần lụa, áo đào trong tư thế ngồi trên ngai, tay cầm văn tự . Bức tượng này là sự sáng tạo "độc nhất vô nhị" của tổ tiên, là sự kết hợp tài tình giữa nghệ thuật tạc tượng và nghệ thuật múa rối.
Những nghệ nhân xưa đã sử dụng cách chuyển động trong múa rối để thổi hồn vào bức tượng để trở nên kỳ lạ, huyền bí. Chính vì vậy, đây được xem là bức tượng độc đáo, hiếm gặp trong số những bức tượng hiện có ở Việt Nam.
Miếu Bảo Hà thuộc ba thôn Bảo Động, Hà Cầu, Mai An của xã Đồng Minh còn có tên là Tam xã thượng đẳng từ. Người dân địa phương quen gọi là miếu Cả nhằm khẳng định vai trò đứng đầu của nó trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng. Miếu thờ Linh Lang đại vương và ông tổ của nghề tạc tượng là Nguyễn Công Huệ.
Du khách đến đây ai cũng muốn tìm hiểu về pho tượng kỳ bí và chiếc giếng bán nguyệt bên trong miếu. Nhà nước công nhận miếu Bảo Hà là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1991.
Người có công sáng lập truyền dạy nghề cho dân làng Đồng Minh, Vĩnh Bảo là cụ Nguyễn Công Huệ. Tương truyền, khi giặc Minh đô hộ nước ta, cụ đã cùng một số thanh niên trai tráng bị bắt đi phục dịch và đưa sang Quan Xưởng ở Trung Quốc làm việc. Trong thời gian đó, cụ đã chú tâm học nghề chạm khắc, sơn mài và châm cứu. Đến đời Lê Nhân Tông (1443- 1459), cụ Huệ trở về và dạy nghề tạc tượng cho dân làng. Mọi người suy tôn cụ là ông tổ nghề tạc tượng và được thờ tại miếu Bảo Hà.
Trong miếu không những có pho tượng Linh Lang đại vương độc đáo mà còn có giếng bán nguyệt cũng rất thú vị. Giếng nằm trong miếu ngay phía trước của pho tượng. Điều thú vị của pho tượng là khi thả bưởi xuống, bưởi sẽ trôi ra con sông Vĩnh Chinh (nay là sông Hóa) cách đấy 1km. Hiện nay con sông đã bị lấp nên bưởi chỉ có thể trôi cách đấy khoảng 400m - 500m.
Người dân thường phơi gỗ ngay đường làng. Loại gỗ ở làng hay dùng là gỗ mít, đây là loại gỗ rắn, chất gỗ dai, toàn lõi, bao nhiêu năm không hề mối mọt.
Ông Đỗ Văn Bưởng (64 tuổi), người đã có 20 năm làm tượng gỗ truyền thần từ ảnh.
Đặc biệt, nếu như trước đây các xưởng chỉ đục khắc tượng Phật thì ngày nay họ còn nhận truyền thần từ ảnh làm tượng người. Nhiều gia đình muốn làm tượng tổ tiên hay các cụ ông, cụ bà có thể đến đây đặt hàng. Mỗi bức tượng truyền thần cao 30 - 60cm có giá khoảng từ 3 đến 4,5 triệu đồng, thời gian làm thường là 10 ngày hoặc hơn tùy theo thời tiết.
Bằng đôi tay khéo léo của mình, các nghệ nhân làng Bảo Hà yêu mến và gắn bó với nghề truyền thống, song họ còn biết sáng tạo để phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao của nhiều đối tượng khách hàng.
Bằng bí kíp gia truyền từ nhiều thế hệ kết hợp với sự tỉ mỉ, tài hoa những nghệ nhân làng Bảo Hà đã "thổi hồn" vào từng pho tượng gỗ, khiến những bức tượng được truyền thần sống động như đang hiện hữu.
Ông Thọ 60 tuổi (bên phải) một người làm nghề tạc tượng thâm niên ở làng. Hiện ông đang dạy nghề cho nhiều người và có ba xưởng tạc tượng trong thôn, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.
Những tác phẩm tạc tượng do nghệ nhân Bảo Hà làm ra mang phong cách nghệ thuật riêng và rất độc đáo. Không chỉ lấp lánh màu son, thếp bạc, dù đã trải hàng trăm năm, mà vẫn còn giữ được cái "hồn".
(Theo VnExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.