Xét tặng danh hiệu nghệ sỹ cho NSƯT Minh Vương: Không nên cứng nhắc!

Thứ sáu, ngày 13/07/2018 19:35 PM (GMT+7)
Mấy ngày qua, việc NSƯT Minh Vương, NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Giang Châu “trượt” khỏi đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT năm 2018 của Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước khiến dư luận xôn xao. Không ít người cho rằng, quy trình xét tặng danh hiệu vẫn khá “cứng nhắc”, khiến nhiều nghệ sĩ tên tuổi, có nhiều đóng góp, được công chúng yêu mến thiệt thòi.
Bình luận 0

img

NSƯT Minh Vương, Thanh Tuấn "trượt" khỏi đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT năm 2018 của Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước

Mỗi kỳ xét tặng lại có chuyện

Hiện nay, theo quy định xét tặng mới không còn 2 từ “đặc cách”, chính vì vậy, nhiều năm gần đây, mỗi mùa xét tặng danh hiệu lại xảy ra không ít lùm xùm. Gần đây nhất là trường hợp xét tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực văn học nghệ thuật khiến dư luận lên tiếng vì nhà thơ Thu Bồn, Xuân Quỳnh… có đóng góp lớn cho văn học nghệ thuật nước nhà, nhưng hồ sơ bị loại khỏi danh sách xét tặng vì không có giải thưởng khiến gia đình nghệ sĩ và công chúng bức xúc. Nó phần nào cho thấy những hạn chế trong quy định xét tặng chưa sát với thực tiễn, vẫn để “lọt” những người có cống hiến thật sự. 

Trở lại trường hợp ba NSƯT: Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu “trượt” khỏi đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT năm 2018 của Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước do không đủ số Huy chương theo quy định. Theo quy định hiện hành, đối với những trường hợp không đủ số huy chương thì vẫn còn “cửa” nữa đó là đạt 90% phiếu bầu của Hội đồng các cấp thì sẽ được xét. 

img

NSƯT Trần Ngọc Hạnh là trường hợp duy nhất thiếu huy chương và đủ số phiếu bầu.

Tuy nhiên, lần xét tặng năm 2018 ở Hội đồng cấp Nhà nước, chỉ có NSƯT Trần Ngọc Hạnh là trường hợp thiếu huy chương và đủ phiếu bầu, còn 3 nghệ sĩ cải lương của TP Hồ Chí Minh nêu trên lại không đạt do không đủ phiếu. Điều này khiến những người yêu cải lương bức xúc về kết quả của Hội đồng.

Trên mạng xã hội, rất nhiều nghệ sĩ và công chúng bày tỏ sự tiếc nuối, tâm tư dành cho các trường hợp này, đặc biệt là với nghệ sĩ cải lương kỳ cựu Minh Vương. Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Quang Vinh cũng cho rằng, dù Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước làm không sai, nhưng cần có những quy định phù hợp, linh hoạt hơn với hoàn cảnh thực tế, đặc biệt là đối với các môn nghệ thuật truyền thống.

Linh hoạt để tránh thiệt thòi cho nghệ sĩ

Trước vấn đề này, trong cuộc họp sơ kết tháng của Bộ VH,TT&DL, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: “Sau khi nhận được ý kiến phản hồi, chúng tôi nghiên cứu và mời Hội đồng để báo cáo về những ý kiến phản hồi liên quan tới các trường hợp xét tặng cụ thể. Trên cơ sở đó nghiên cứu và xem xét nghiêm túc để có đề xuất phù hợp”.

Theo quan điểm của lãnh đạo Bộ VH,TT&DL, quy định của Nhà nước là thế nhưng đây là vấn đề liên quan tới nghệ sĩ vì thế cần phải giải quyết vướng mắc sao cho vừa bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, nhưng cũng linh hoạt nhìn nhận những điều cứng nhắc, chưa phù hợp với cuộc sống thì đề xuất sửa đổi. Bộ sẽ nghiêm túc tiếp nhận ý kiến, đóng góp, kiến nghị của nhân dân, nghệ sĩ… trên cơ sở đó đề xuất phương án phù hợp.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, với trường hợp các nghệ sĩ cải lương Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu, Bộ VH,TT&DL sẽ xem xét, xin ý kiến Hội đồng chuyên ngành Nhà nước, nếu cần thiết sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, Bộ VH,TT&DL đang lấy ý kiến về việc sửa đổi 3 nghị định quan trọng, trong đó có Nghị định 89 về công tác xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”. Bộ VH,TT&DL sẽ nghiên cứu, tham mưu để nghị định sửa đổi được ban hành với các nội dung, quy định rõ ràng, có nhiều quy định mới, tạo điều kiện thuận lợi nhiều hơn cho các nghệ sĩ và phù hợp với tình hình thực tiễn. 

Hoàng Lân (Hà Nội Mới)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem