Xét xử đại án Hà Văn Thắm: Sẽ triệu tập gần 600 đương sự liên quan

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 24/02/2017 15:16 PM (GMT+7)
Đầu tuần tới (ngày 27.2), Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội sẽ đưa đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) ra xét xử sơ thẩm. Theo dự kiến, sẽ có gần 600 đương sự liên quan đến đại án này được triệu tập để làm rõ những sai phạm của nguyên Chủ tịch Hà Văn Thắm và 47 đồng phạm gây thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng...
Bình luận 0

img

Nếu so sánh với Đại án Ngân hàng Xây dựng (VNCB) đã được Tòa án Nhân dân TP.HCM xét xử vào cuối năm 2016 vừa qua, số tiền mà cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm và đồng phạm gây ra thất thoát cho nhà nước chỉ gần 2.000 tỷ đồng; Tuy nhiên, quy mô của vụ án lại lớn hơn rất nhiều khi số người bị truy tố lên tới 48 bị cáo (vụ Đại án VNCB chỉ có 36 bị cáo). Số luật sư bào chữa cho các bị cáo trong vụ án này cũng có hơn 40 người (chưa kể luật sư bảo vệ cho các đương sự liên quan), cao gấp đôi so với đại án VNCB (20 luật sư bào chữa).

Đặc biệt, đại án xét xử cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm và đồng phạm sẽ triệu tập gần 600 đương sự liên quan để làm rõ hành vi sai phạm của 48 bị cáo gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Ngân hàng này.

Cần nói thêm về cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm - Khởi nghiệp từ năm 1993 với nhiều vị trí, đến năm 2012, cái tên “đại gia” Hà Văn Thắm khá nổi tiếng trên sàn chứng khoán khi tiến lên vị trí thứ 8 trong danh sách những người giàu nhất lúc bấy giờ với tổng tài sản quy đổi từ cổ phiếu OGC trị giá hơn 1.800 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cũng cũng cho thấy, trong khoảng thời gian từ 2010 đến tháng 11.2014, dù nắm giữ 62,79% cổ phần tại OceanBank nhưng Hà Văn Thắm đã có hàng loạt hành vi sai phạm gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến ngân hàng này. Cụ thể, với việc lập công ty để thâu tóm các hoạt động của OceanBank, Hà Văn Thắm và đồng bọn đã khiến cho nợ xấu của nhà băng này thời điểm 31.3.2014 là gần 15.000 tỷ đồng, chiếm 49,84% tổng dư nợ toàn hệ thống của Ocean Bank; lỗ gần 10.200 tỷ đồng, bằng 249,63% vốn chủ sở hữu (âm vốn chủ sở hữu gần 2,5 lần)…

Được xác định là người chủ mưu, có thủ đoạn tinh vi cùng sự tiếp tay của nhiều người dẫn đến hậu quả là gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện các chính sách tài chính - tiền tệ.  Ông Hà Văn Thắm bị đề nghị truy tố về 3 tội: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; với mức án lên tới 30 năm tù.

Ngoài Hà Văn Thắm bị truy tố, còn có cựu Tổng giám đốc Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn. Ông Sơn cũng là đại diện góp vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại ngân hàng này. 46 bị cáo còn lại chủ yếu là lãnh đạo tại hội sở ngân hàng và lãnh đạo các chi nhánh, phòng giao dịch của Oceanbank trên toàn hệ thống, lãnh đạo Công ty BSC...

Ở một diễn biến khác, liên quan đến việc ông Hà Văn Thắm bị bắt, một loạt các mã chứng khoán liên quan đến Tập đoàn Đại Dương đều... “rớt giá thê thảm”.

Chẳng hạn, CTCP Tập đoàn Đại Dương (mã OGC) hiện chỉ còn được giao dịch ở mức giá 1.460 đồng/CP và đang bị đưa vào diện cảnh báo dù có thời điểm cổ phiếu này được giao dịch với mức giá gần 35.000 đồng/CP; nguyên nhân khiến OGC bị đưa vào diện cảnh báo hiện nay là do lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ 6 tháng đầu năm và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại 30.6.2016 là số âm. Trong khi đó, tính đến hết quý 4.2016, OGC tiếp tục ghi nhận thêm khoản lỗ ròng 727 tỷ đồng, nâng khoản lỗ lũy kế lên 2.482 tỷ đồng.

Tương tự, cổ phiếu của CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (mã OCH) cũng liên tục giảm giá do kinh doanh lỗ, lợi nhuận âm. Hiện OCH đang được giao dịch với giá 5.000 đồng/CP nhưng lượng giao dịch rất ít, có phiên thậm chí không có giao dịch. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem