Xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm: Dân chủ và thượng tôn pháp luật

Thanh Xuân Chủ nhật, ngày 21/01/2018 16:13 PM (GMT+7)
"Từ vụ ông Đinh La Thăng cũng cho thấy việc thực hiện giám sát quyền lực của chúng ta rất yếu. Theo nguyên lý từ xa xưa, quyền lực không được giám sát chắc chắn sẽ bị tha hóa", Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận định khi chia sẻ với Dân Việt.
Bình luận 0

Ngày 22.1, TAND TP.Hà Nội sẽ tuyên án vụ ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và đồng phạm. Trao đổi với Dân Việt về những diễn biến của phiên tòa trong những ngày qua, nhiều người đánh giá tính dân chủ, công khai, minh bạch của nền tư pháp nước nhà ngày càng được nâng cao.

img

Ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư 

Vì đâu nên nỗi?

Ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư cho rằng, việc xử cán bộ cấp cao không phải là điều hoàn toàn mới nhưng ở vụ xét xử ông Đinh La Thăng và các đồng phạm, tính dân chủ, công khai, minh bạch đã được thể hiện rõ hơn.

“Thực tế, nhiều vụ việc trước đây chúng ta cũng đã xử các cán bộ cấp cao nhưng cũng có những thời điểm, những vụ việc chưa được công bố công khai như thế, dù Đảng cũng rất quyết tâm xử lý những cán bộ sai phạm”, ông Hùng nói.

Ông Vũ Quốc Hùng nhắc lại cụ thể một số vụ việc như vụ xử lý vi phạm trong quản lý kinh tế đối với ông Vũ Ngọc Hải, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng do liên quan tới Dự án xây dựng đường dây 500 KV.

“Dù khi đó ông Vũ Ngọc Hải là Ủy viên T.Ư Đảng và được rất nhiều người yêu mến, nhưng chúng ta cũng vẫn kiên quyết xử lý. Tình cảm là tình cảm, lý trí là lý trí, cần phải luôn rõ ràng”, ông Hùng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hùng, rất nhiều các vụ án khác như vụ xử Năm Can và đồng phạm, vụ Lã Thị Kim Oanh… chúng ta cũng “động” tới các cán bộ cấp cao, thậm chí có cả nguyên Phó Thủ tướng nhưng thời điểm đó, tính dân chủ, công khai, minh bạch chưa được phát huy rõ nét và mạnh mẽ như hiện nay, đặc biệt là qua phiên tòa xử ông Đinh La Thăng và các đồng phạm.

Với trường hợp ông Đinh La Thăng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư cho rằng: Có thể nói đây là một vụ việc gây chấn động lớn trong dư luận, thậm chí có thể nói là động trời, khi Đảng và Nhà nước đã mạnh tay xử lý cán bộ cấp cao, từng là Ủy viên Bộ Chính trị, được giao trọng trách Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh.

“Ông Đinh La Thăng được đảm nhiệm các trọng trách rất cao trong bộ máy của Đảng, Nhà nước là do ông có những năng lực, khả năng đặc biệt đáng ghi nhận. Nhưng cũng phải nói rằng có thời điểm chúng ta chưa đánh giá hết điểm yếu của ông Thăng. Qua phiên tòa này, Đảng ta cho thấy quyết tâm “không có vùng cấm trong xử lý vi phạm”, tính thượng tôn pháp luật được đề cao”, ông Hùng đánh giá.

img

Với trường hợp ông Đinh La Thăng, theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư, có thể nói đây là một vụ việc gây chấn động lớn trong dư luận (Ảnh: IT)

“Tôi mong rằng, Hội đồng xét xử sẽ thật công tâm, khoa học, trọng chứng hơn trọng cung. Cần phải có chứng cứ đầy đủ khi kết luận, tuyên án với một con người, không được vì sức ép nào khác để đảm bảo phiên tòa được diễn ra khách quan, công bằng, dân chủ nhất, đảm bảo đúng người, đúng tội. Đó cũng chính là tinh thần nhân văn của nền tư pháp mà chúng ta đang hướng tới”, ông Vũ Quốc Hùng kỳ vọng.

Ông Vũ Quốc Hùng cũng chia sẻ thêm, khi nghe ông Thăng trình bày hoàn cảnh gia đình và bản thân trong lời nói sau cùng, ông cũng có những cảm xúc nhất định. Và có thể Tòa cũng sẽ căn cứ ít nhiều vào hoàn cảnh và những cống hiến của ông Thăng để lượng hình. Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng dù làm chức cao tới đâu cũng nên phải chăm lo tốt cho gia đình mình vì đó chính là điểm tựa vững chắc nhất của mỗi người.

"Ông cha ta có câu “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” khi nói tới người làm quan ngày xưa và tôi cho tới ngày nay, nó vẫn còn nhiều giá trị. Làm cán bộ to không có nghĩa là không có thời gian chăm lo cho gia đình. Tất cả là do sự sắp xếp bố trí thời gian của anh một cách khoa học, hợp lý. Qua báo chí, có thể thấy ông Thăng là người rất gần gũi nhân dân, quần chúng, luôn sâu sát cơ sở… Nhưng phàm là người cán bộ, anh vẫn phải lưu ý khái niệm “tu thân, tề gia”, rồi mới đến “trị quốc, bình thiên hạ”. Tề gia còn chưa ổn thì khó làm được việc khác”, ông Hùng phân tích.

Qua đó, ông Vũ Quốc Hùng cũng nói tới việc học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Làm cán bộ không chỉ tự rèn giũa bản thân mà còn phải là tấm gương để cấp dưới nhìn vào mà tự rèn giũa. Rõ ràng ở vấn đề này ông Thăng đã có việc thả nổi bản thân”, ông Hùng nhìn nhận. 

Theo ông Hùng, nói về việc xét xử ông Thăng trong những ngày qua có nhiều quan điểm khác nhau, có người thì chỉ trích, có người thì ca ngợi và thậm chí sẵn sàng xin đi ở tù thay ông Thăng…

Ông Hùng cho rằng, mỗi người đều có quyền nêu quan điểm của mình về lối sống, kỹ năng sống của ông Thăng. Cũng không thể phủ nhận ông Thăng cũng có những dấu ấn khi làm ở Bộ GTVT hay ở TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, việc làm của ông Thăng là vi phạm pháp luật nên hậu quả không chỉ là tiền bạc mà quan trọng hơn là Đảng, Nhà nước bị mất đi một đội ngũ cán bộ có năng lực, kinh nghiệm trong ngành dầu khí, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

“Tôi cảm thấy đau xót vì để xảy ra vi phạm như thế. Lỗi còn do cả công tác tổ chức, kiểm tra, giám sát của chúng ta yếu kém. Nếu mọi tổ chức đều nghiêm minh và dám đấu tranh thì làm sao có thể xảy ra hậu quả nặng nề như hôm nay?”, ông Hùng nói.

img

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an)

5 cái được trong phiên tòa xử ông Thăng

Cùng chung nhận định trên, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) cho rằng, từ các phiên xét xử ông Đinh La Thăng trong những ngày qua có thể thấy 5 cái được.

Thứ nhất, phiên tòa thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng mà trực tiếp là của Bộ Chính trị và đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đó là tinh thần: Kiên quyết đẩy lùi quan liêu, tha hóa, tham nhũng trong bộ máy chính quyền. Quyết tâm này từ xưa tới nay cũng đều có trong Đảng ta nhưng từ vụ việc này mới thể hiện rõ hơn.

Thứ 2, phiên tòa của ông Đinh La Thăng và các đồng phạm cho thấy, việc xét xử được diễn ra công khai, minh bạch, so với trước đã dân chủ, tiến bộ hơn rất nhiều. Các cơ quan truyền thông đều tham gia đưa tin rất cụ thể phần tranh tụng tại phiên tòa một cách công khai, minh bạch, dân chủ đối với một phiên xét xử liên quan tới một cán bộ cấp cao. Các bị cáo được trình bầy đầy đủ, có luật sư bào chữa, được tranh luận công khai, thẳng thắn và được đưa ra quan điểm, nguyện vọng của mình. Tất cả đều cho thấy đó là tiến bộ rất lớn của các cơ quan tư pháp Việt Nam.

Thứ 3, thông qua phiên tòa này, các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội chắc chắn sẽ nhận diện rõ những sơ hở, bất cập trong toàn bộ thể chế, hệ thống quản lý kinh tế của chúng ta. Nếu hệ thống quản lý kinh tế không lỏng lẻo và đầy rẫy bất cập, sơ hở thì đã không để xảy ra vi phạm dẫn tới thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng như vậy.

Thứ 4, từ vụ ông Đinh La Thăng cũng cho thấy việc thực hiện giám sát quyền lực của chúng ta rất yếu. Theo nguyên lý từ xa xưa, quyền lực không được giám sát chắc chắn sẽ bị tha hóa.

“Ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, và mới nhất là Vũ Nhôm, dù mới ngoài 40 tuổi mà đã “tung hoành” ở Đà Nẵng không ai làm gì được. Ngoài ông Đinh La Thăng, còn có Đảng ủy, Hội đồng quản trị, thanh tra của ngành… Chẳng lẽ tất cả các tổ chức này khi đó đều chỉ là hình thức hay sao? Ngoài ra, không thể không nhắc tới trách nhiệm của cơ quan chủ quản như Bộ Công Thương các bộ ngành liên quan như Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ… đã không làm tốt công tác giám sát của mình”, tướng Cương khẳng định.

Và cuối cùng, ông Lê Văn Cương cho rằng, đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp của ta có thể nói là rất yếu kém trong việc phản biện. Hàng chục các dự án của ông Thăng có sai phạm thì ít nhiều có người trong ngành dầu khí phát hiện ra nhưng không ai dám nói, hoặc có người dám nói nhưng tiếng nói lại quá bé nhỏ, yếu ớt. Từ đó cho thấy phẩm chất hèn nhát, sợ đấu tranh của một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên trong các đơn vị của Nhà nước.

“Nếu cấp dưới vẫn cứ ngại ngần và sợ sệt, không dám đấu tranh với cấp trên khi phát hiện sai phạm, tôi chắc rằng sẽ còn nhiều vụ việc với hậu quả lớn hơn xảy đến trong tương lai”, tướng Cương chốt lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem