Cuối cùng, những hoài nghi bỏ lọt tội phạm đưa và nhận hối lộ trong vụ nâng điểm thi tốt nghiệp THPT ở Sơn La của dư luận bước đầu được giải tỏa: Chủ tọa phiên tòa tuyên, trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung.
Mặt khác, những gì diễn biến ở phiên tòa đang xét xử ở Hà Giang và Sơn La đã cho thấy rõ hơn, những khoảng tối trong vụ án này là rất lớn.
Trước hết, phải nói ngay rằng, những dấu hiệu “mua bán điểm thi” trong 3 vụ án ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang là rất rõ. Nhưng ngoài việc Cơ quan điều tra vụ án ở Hòa Bình khởi tố hai đối tượng về tội đưa và nhận hối lộ, còn lại có tới cả trăm đối tượng trong 3 vụ án này có dấu hiệu thoát tội đưa và nhận hối lộ khiến dư luận dậy sóng, băn khoăn.
Cựu Phó giám đốc Sở GD ĐT Hà Giang Phạm Văn Khuông là đối tượng duy nhất nhờ nâng điểm cho con bị khởi tố.
Tại Hà Giang, nhằm làm rõ sự phi lý trong nội dung trả lời của nhân chứng (đối tượng có con là thí sinh được nâng điểm - NV), chủ tọa phiên tòa chỉ cần một câu hỏi đã làm rõ thêm thực tế: "Không chỉ riêng chị mà rất nhiều người nhờ các bị cáo xem điểm nhưng lại thành nâng điểm? Có mâu thuẫn không? Đây là một điều rất vô lý…".
Vậy mà, “điều rất vô lý” này đã diễn ra hơn cả năm qua, đặc biệt, diễn biến này xảy ra ở cả 3 vụ án này. Do đó, dư luận đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ: Có hay không uẩn khúc của cái điều “rất vô lý” này?
Ở hai vụ án tại Hà Giang và Sơn La trong quá trình điều tra, xét xử chưa có đối tượng nào bị khởi tố về tội đưa, nhận hối lộ dù dấu hiệu rất rõ, nhưng diễn biến ở hai phiên tòa là rất khác nhau. Chủ tọa phiên tòa ở Sơn La đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung, còn phiên tòa ở Hà Giang vẫn diễn ra bình thường.
Hà Giang là nơi có số thí sinh, số bài thi được nâng điểm nhiều hơn hẳn so với Sơn La, Hòa Bình, nhưng đây cũng nơi số đối tượng bị khởi tố ít nhất (Hà Giang có 5 bị cáo, trong khi Sơn La là 8 và Hòa Bình là 15).
Trong kết luận điều tra ở 3 vụ án này, Hòa Bình không chỉ là nơi có nhiều đối tượng bị khởi tố nhất, mà cũng là nơi duy nhất có các bị can bị khởi tố về tội đưa và nhận hối lộ. Cũng cần phải lưu ý một điều, vụ án ở Hòa Bình là nơi duy nhất được Cơ quan Điều tra an ninh của Bộ Công an thụ lý.
Đặc biệt, việc nguyên Phó trưởng phòng PA03 Công an Sơn La Nguyễn Minh Khoa không có mặt ở nơi cư trú khi bị yêu cầu dẫn giải đến tòa với tư cách nhân chứng khiến dư luận càng hoài nghi về tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật.
HĐXX của Tòa án Nhân dân tỉnh Sơn La đã ra quyết định trả lại hồ sơ vụ án để làm rõ tội Đưa nhận hối lộ, Môi giới hối lộ.
Trong khi đó, nhiều lời khai của các bị cáo, các nhân chứng cho thấy, ông Khoa đã nhờ 2 thuộc cấp và bị cáo Lò Văn Huynh để nâng điểm cho 5 thí sinh và đã hối lộ cho bị cáo Huynh 1 tỷ đồng. Với chứng cứ, lời khai như vậy, lẽ nào cựu sĩ quan Khoa chỉ là nhân chứng?
Dù là với động cơ gì đi nữa, những hành vi “cảm ơn” từ hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng của các nhân chứng như ông Khoa, lẽ nào vẫn chưa phải là hành vi đưa và nhận hối lộ?
Rất tình cờ, liên quan đến tội đưa và nhận hối lộ, cùng với thời gian xét xử các vụ án gian lận điểm thi, TAND cấp cao tại TP.HCM đã xử phiên phúc thẩm vụ án mua bán “logo xe vua" có liên quan đến nhiều cảnh sát giao thông (CSGT), thanh tra giao thông (TTGT) trên địa bàn liên tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, mặc dù các bị cáo bị kết tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ khai rõ việc hối lộ cho 79 đối tượng trong lực lượng CSGT, TTGT, nhưng chỉ vì các đối tượng này không thừa nhận, nên tất cả đều thoát tội !?
Thế nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, Viện Kiểm sát khẳng định, lời khai của các bị cáo là có căn cứ, các bị cáo xác định được thời gian, không gian đưa hối lộ, các bị cáo cũng nhận diện được một số CSGT, TTGT nhận hối lộ. Do đó, VKS kiến nghị HĐXX kiến nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Viện KSND Tối cao điều tra làm rõ những CSGT, TTGT nhận hối lộ trong vụ án này.
Dư luận mong rằng, đó là bài học rất lớn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong các vụ án nâng điểm hiện tại: Đừng để lọt người, lọt tội, đặc biệt trong đó có tội đưa và nhận hối lộ.
Cuối cùng, câu hỏi rất lớn khiến dư luận vẫn băn khoăn: Trong số các vị phụ huynh có con được nâng điểm thi, không ít các vị là lãnh đạo tỉnh, ngoài nguyên Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hà Giang Triệu Tài Vinh, qua xét xử lộ thêm danh tính một số vị như bà Chúng Thị Chiên - Phó chủ tịch HĐND, ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đều nhắn tin nhờ “xem điểm” để được “nâng điểm”…
Thậm chí, ông Trần Đức Quý đã nhắn tin “Ok” khi bị cáo Huynh nhắn tin cầu cứu trước nguy cơ bị lộ.
Đó là chưa kể đến khá nhiều vị lãnh đạo các sở, ban ngành của 3 tỉnh này cũng có liên quan ít nhiều. Vậy nhưng, các vị này vẫn “bình chân như vại”. Không thể hiểu nổi sự vô lý này (?)
Điều đáng nói nữa là, để xảy ra các vụ án cực kỳ nghiêm trọng, gây ảnh hưởng rất xấu đến an ninh trật tự, làm mất niềm tin nghiêm trọng vào sự nghiêm minh của pháp luật, nhưng không hiểu sao, chưa thấy vị lãnh đạo nào của các địa phương trên trên bị khởi tố về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.