Xét xử vụ sập cầu Ghềnh: Tòa bất ngờ trả hồ sơ để điều tra lại

Hữu Ký Thứ ba, ngày 14/11/2017 12:57 PM (GMT+7)
Sau khi kết thúc phần xét hỏi, HĐXX hội ý và thông báo trả hồ sơ để điều tra bổ sung, bởi có nhiều điều liên quan đến vụ án cần làm rõ nhưng không thể bổ sung được tại phiên tòa.
Bình luận 0

Sáng 14.11, TAND TP.Biên Hòa (Đồng Nai) mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Trần Văn Giang (SN 1981, ngụ xã Ngọc Tố, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) và Phan Thế Thượng (SN 1954, ngụ P.An Bình, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) về tội Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy và tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông thủy, gây sập cầu Đồng Nai lớn (cầu Ghềnh) vào đầu năm 2016.

img

Hai bị cáo tại tòa.

Sau phần xét hỏi, HĐXX đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung lại vụ án bởi có nhiều vấn đề chưa được làm rõ, mà tại phiên tòa không thể bổ sung được. Cụ thể, HĐXX yêu cầu làm rõ việc giám định lại giá trị của cầu Ghềnh để làm căn cứ bồi thường thiệt hại, làm rõ yêu cầu bồi thường thiệt hại của 3 nạn nhân bị thương trong vụ sập cầu…

Đặc biệt, HĐXX yêu cầu cơ quan tố tụng làm rõ yêu cầu bồi thường thiệt hại từ các nguyên đơn. Bởi trong vụ này Tổng công ty đường sắt Việt Nam yêu cầu bồi thường hơn 21 tỷ đồng nhưng phần thiệt hại lại thuộc về các công ty con trực thuộc Tổng công ty. Tòa cho rằng các công ty đều là những pháp nhân nên cần phải có những yêu cầu độc lập.

Trước đó, luật sư bào chữa cho các bị cáo tập trung hỏi nhiều câu hỏi liên quan đến kết quả giám định thiệt hại để có cơ sở đưa ra mức bồi thường. Các luật sư cho rằng, yêu cầu bồi thường thiệt hại của ngành đường sắt đưa ra chưa có căn cứ bởi cầu Ghềnh được xây dựng từ năm 1904, hiện đã hết giá trị sử dụng, do đó biên giảm giám định thiệt hại chưa được rõ ràng mà là do ngành đường sắt tự đưa ra. Liên quan vấn đề này, Sở Tài chính Đồng Nai cũng đã có văn bản yêu cầu Bộ Tài chính giám định giá trị thực tế của cầu Ghềnh nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận nào.

Trong khi đó trả lời tại tòa, đại diện nguyên đơn dân sự (Tổng công ty đường sắt Việt Nam) không giải đáp được một số vấn đề liên quan đến giám định cây cầu, việc duy tu, bổ dưỡng cầu và xây dựng các trụ chống va.

img

Luật sư đề nghị hoãn phiên tòa để điều tra bổ sung.

Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) bào chữa cho bị cáo Phan Thế Thượng đề nghị hoãn phiên tòa để điều tra bổ sung. Luật sư cho rằng chưa làm rõ kết luận giám định liên quan đến phần thiệt hại về tài sản với tổng thiệt hại gần 22 tỷ đồng, đồng thời tòa không không triệu tập người giám định để giải thích kết luận giám định, đây là thiếu sót nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sự thật khách quan của vụ án.

Trong vụ này có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Tại bút lục 78, 85, 92 cho thấy chân trụ cầu Ghềnh trước và sau khi bị sập xuống sông đều không có trụ chống va. Như vậy cho thấy các trụ chống va tại cầu Ghềnh không được quản lý, không tuân thủ theo quy định pháp luật. “Nếu các trụ chân cầu đều có trụ chống va thì không dẫn đến sụp đổ cầu. Hậu quả này cho thấy có dấu hiệu hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, luật sư nêu.

Luật sư Đức nêu trong các năm 2013, 2015 ngành đường sắt đều bỏ ra hơn 11 tỷ để duy tu, bảo dưỡng cầu, nhưng đại diện ngành đường sắt không giải thích được làm hạng mục nào, cũng không trả lời được vì sao không làm trụ chống va ở cầu Ghềnh, rõ ràng là ngành đường sắt thiếu trách nhiệm. “Nếu ngành đường sắt có trách nhiệm thì đã không xảy ra vụ án này”, luật sư Đức nhấn mạnh.

Luật sư cũng cho rằng việc trả hồ sơ này là hợp lý, bởi tại tòa xuất hiện tình tiết mới là ngành đường sắt chỉ yêu cầu chủ xà lan bồi thường, không yêu cầu lái tàu kéo (bị cáo Giang) bồi thường. Do xà lan này có mua bảo hiểm, nên trong phần bồi thường thiệt hại cần phải triệu tập đơn vị bảo hiểm để làm rõ vấn đề liên quan đến bồi thường.

Theo cáo trạng của VKSND TP.Biên Hòa, khoảng 8h ngày 19.3.2016, Phan Thế Thượng biết rõ tàu kéo số hiệu SG-3745 không đảm bảo an toàn kỹ thuật, không bố trí định biên thuyền viên theo quy định, Trần Văn Giang không có bằng thuyền trưởng nhưng vẫn giao cho Giang điều khiển đầu kéo đẩy xà lan SG-5984 chở cát từ sông Cổ Chiên (Trà Vinh) đến sông Đồng Nai (Đồng Nai). Đến khoảng 11h30 ngày 20.3, Giang điều khiển tàu kéo số hiệu SG-3745 đẩy sà lan SG-5984 chở cát đến khu vực cầu Đồng Nai lớn (Cầu Ghềnh) thuộc địa phận TP.Biên Hòa. Khi đi qua cầu Ghềnh sà lan mang số hiệu SG -5984 đã va chạm với mặt ngoài trụ cầu số 2 – cầu Ghềnh làm cầu bị đổ sập xuống sông Đồng Nai.

Vụ tai nạn không gây thiệt hại về người nhưng gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cho Tổng công ty đường sắt Việt Nam do tuyến đường sắt Bắc Nam bị tê liệt trong thời gian dài. Tổng thiệt hại về tài sản trị giá gần 22 tỷ đồng, bao gồm: Giá trị thiệt hại cầu Ghềnh; thiệt hại hệ thống dây cáp thông tin, viễn thông liên lạc đường sắt; chi phí thuê toa xe; chi phí hành khách chuyển tải Sóng Thần – Biên Hòa; chi phí hành khách chuyển tải chiều Biên Hòa - Sóng Thần.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem