Xí nghiệp, công sở kêu gọi cả F0, F1 làm việc tại nhà
Theo ghi nhận của phóng viên báo Dân Việt, nhiều ngày nay, tình trạng các doanh nghiệp thiếu lao động trở nên trầm trọng hơn vì công nhân lao động bị F0 và thuộc F1 phải cách ly đang tăng cao.
Bà Vũ Thị Hạnh - TP Công ty Thuận Phát cho biết, công ty cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự. Hiện tại con số lao động thuộc F0 và F1 của công ty đã lên tới 5%(chủ yếu là lao động phổ thông ở nhà máy Hưng Yên).
Để đối mặt với sự thiếu hụt nhân sự này, công ty có giải pháp tuyển dụng thêm nhân sự mới vừa để đáp ứng cho việc mở rộng quy mô vừa khắc phục sự thiếu hụt tạm thời của lao động bị bệnh, tuy nhiên việc tuyển dụng nhân sự lúc này cũng không hề đơn giản.
"Bản thân những lao động mới cũng đối mặt với nguy cơ mắc bệnh rất lớn. Để giữ chân lao động, công ty đã áp dụng chế độ không giảm lương với lao động mới trong thời gian thử việc. Sau thử việc lao động có nhu cầu gắn bó còn được thưởng thêm tiền từ 1-2 triệu đồng/1 người", bà Hà nói.
Tương tự tại Công ty TNHH Sakurai Việt Nam, tình trạng thiếu hụt lao động cũng xảy ra nghiêm trọng. Ông Nguyễn Hữu Quang - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sakurai Việt Nam cho biết, sau Tết Nguyên đán vừa qua, lượng F0 tại công ty được ghi nhận rất nhiều, có thời điểm F0 và F1 tại công ty lên đến khoảng 8.000 người, trong khi đó toàn công ty có hơn 12.000 công nhân lao động.
“Người lao động là F0 và F1 thì đều được nghỉ cách ly tại nhà, mọi chế độ tiền lương, thưởng vẫn được công ty chi trả bình thường. Do lượng người nghỉ quá nhiều nên không tránh khỏi những lúc bị đứt gãy chuỗi sản xuất, thậm chí, nhiều công nhân khi khỏi bệnh, quay trở lại làm việc thì năng suất cũng chưa hiệu quả như trước đó. Chúng tôi và đối tác buộc phải chấp nhận thực tế này” - ông Quang thông tin.
Đến nay đã có hơn 6.000 công nhân đi làm trở lại, khoảng 6.000 người đang nghỉ ở nhà. Dự kiến đến giữa tháng 3, công nhân mới đi làm lại bình thường.
Không chỉ tại các doanh nghiệp, tại các công sở, cơ quan của Nhà nước tình trạng vắng vẻ, thiếu hụt lao động làm việc cũng tương tự.
Trao đổi với PV Báo Dân Việt, bà Nguyễn Thị Hà - Phó chủ tịch Phường Cổ Nhuế 1 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, cơ quan đơn vị nào cũng vậy thôi, cũng phải đối diện với khó khăn do số lượng nhân viên mắc F0 hay là F1 phải cách ly.
"Chúng tôi kiến nghị Chính phủ nên bỏ quy định cách ly với các F1. Nếu có thể để doanh nghiệp chủ động tổ chức bố trí cho lao động này làm việc theo dây chuyền riêng, có theo dõi sức khỏe đảm bảo duy trì lao động sản xuất doanh nghiệp".
Đại diện Doanh nghiệp Dệt may
Bà Hà cho biết, hiện tại ở phường có 11 người bị F0, tuy nhiên số lượng bị rải rác, cách nhau nên đơn vị vẫn có thể ứng phó được. Để khắc phục khó khăn đơn vị đã đưa ra nhiều giải pháp. Theo đó, cán bộ công chức phải làm nhiều phần việc cùng lúc, ngay cả lãnh đạo phường cũng vậy. Bên cạnh đó, phường cũng tổ chức cho cán bộ, công chức làm việc xen kẽ cả trực tuyến lẫn trực tiếp hỗ trợ lẫn nhau. Thậm chí có lúc cũng phải huy động cả F0, F1 làm việc tại nhà.
"Chúng tôi bố trí cho cán bộ ở lại tại phường để tối đến tranh thủ làm việc cho kịp tiến độ. Hiện nay, số lượng F0 tăng cao gây nhiều áp lực cho việc giải quyết thủ tục hành chính nhất là việc xác nhận giấy tờ. Vì thế nhiều lúc quá tải chúng tôi đã phải huy động thêm cả đoàn thanh niên hỗ trợ", bà Hà nói thêm.
Song song với đó, phường cũng quán triệt thực hiện 5K tại công sở với cán bộ, công chức. Thực hiện "1 cung đường 2 điểm đến" để phòng chống lây nhiễm.
Khẩn tìm giải pháp tháo gỡ cho các xí nghiệp, công sở
Ngày 2/3/2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã khảo sát nắm bắt tình hình lao động trong các cơ quan doanh nghiệp. Báo cáo từ 29/38 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương cho thấy tỷ lệ lao động quay lại nơi làm việc sau Tết cao. Chỉ có Nghệ An và Bình Thuận có tỷ lệ lao động quay lại nơi làm việc thấp (hơn 70%).
Tuy nhiên, báo cáo lại cho thấy tại nhiều địa phương số công nhân lao động đang phải nghỉ việc vì thuộc diện F0, F1 (thực hiện điều trị, cách ly do dịch Covid-19) khá cao, như: Hải Phòng (trên 42.000 người), Bắc Giang (22.000 người)… nên đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc tổ chức sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ quan trên địa bàn.
Không chỉ vậy việc các doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất và thành lập mới tăng cao cũng khiến tình trạng thiếu hụt lao động thêm trầm trọng. Ví dụ như: Bình Dương thiếu hụt khoảng 90.000 lao động; Long An thiếu khoảng 51.000 lao động, Hải Phòng thiếu trên 50.000 lao động; Bắc Ninh thiếu từ 25.000 – 30.000 lao động, Hà Nội thiếu khoảng 26.000 lao động)...
Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách Pháp luật cho biết một số ngành như: dệt may, da giầy, điện tử, du lịch, nhóm lao động có trình độ (như quản lý sản xuất, văn phòng, đội ngũ có trình độ ngoại ngữ, xuất nhập khẩu….) có thể sẽ cần nhiều lao động hơn trong thời gian tới. Dự báo, sự cạnh tranh trong việc tuyển dụng lao động sẽ gia tăng trong chính các công ty, các ngành với nhau.
Trước thực trạng này, ngày 4/3, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng tổ chức hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ tình trạng thiếu hụt lao động trong cơ quan, doanh nghiệp.
Kết thúc hội nghị, đơn vị này có khuyến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần tăng cường các chính sách nhằm thu hút người lao động đến làm việc tại các vùng kinh tế trọng điểm, như: xây dựng nhà ở cho công nhân thuê giá rẻ, xây các chung cư, nhà ở xã hội để bán cho người lao động với thời hạn trả khoảng 20 năm để người lao động yên tâm làm việc…
Tổng liên đoàn cũng khuyến nghị tăng đào tạo nghề ngắn hạn, cung cấp số lượng lớn nguồn lao động cấp tốc, kịp thời cho doanh nghiệp theo yêu cầu hiện nay. Tổ chức thực hiện tốt các chương trình dạy nghề, nhất là dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn.
"Bên cạnh đó, thực hiện các chính sách dài hạn cho đối tượng lao động nhập cư. Đảm bảo cuộc sống của người lao động như: điều chỉnh lương tối lương tối thiểu vùng, tiếp tục có chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh covid-19… Đảm bảo nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách, ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội; kiểm soát sự tăng giá xăng dầu, ga, điện, bất động sản...", ông Quảng nói thêm về các giải pháp mà tổng Liên đoàn Lao động đang kiến nghị.
Các doanh nghiệp, hiệp hội sử dụng đông lao động thì khuyến nghị bỏ chế độ cách ly với F1 để đảm bảo lao động cho sản xuất tại doanh nghiệp.
Riêng đối với đơn vị nơi công sở, bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động cho rằng cần có chính sách quản lý, điều chỉnh nhân sự phù hợp. Tăng cường giải quyết thủ tục hành chính, thủ tục công bằng biện pháp trực tuyến, online. Áp dụng công nghệ thông tin, giảm sức nặng cho nhân viên.
"Đặc biệt, cần có chính sách luân phiên, tăng cường, bổ sung nhân lực tránh để xảy ra quá tải, giấy tờ bị ùn ứ nhất là với dịch vụ cấp giấy tờ cho các F0", bà Hương nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.