Xin đừng “ưu tiên khổ sở” cho nữ giới
Đại biểu (ĐB) Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) nêu thực tế việc tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch cán bộ có những văn bản “kể cả của Đảng, Nhà nước, Quốc hội” thể hiện nữ kém nam 5 tuổi, trong khi cả nam và nữ cùng tốt nghiệp đại học như nhau, nữ thì còn hơn 10 năm thực hiện thiên chức của phụ nữ là chăm sóc và nuôi con nhỏ.
Tuy nhiên, đến tuổi 40, quy định về tuyển dụng, chuyển đổi, về đào tạo quy hoạch thì quy định là nam không quá 45 và nữ không quá 40, như vậy là mất cơ hội của chị em phụ nữ.
|
Nhiều ĐBQH nữ tiếp tục đề nghị được kéo dài tuổi lao đông. |
Bà đề nghị cơ quan chức năng cần đọc lại Công ước CEDAW, văn kiện mà Việt Nam đã ký kết từ năm 1992 để đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động.
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) sau khi “kính thưa các đại biểu nam” đã đề nghị xin đừng ưu ái cho nữ giới như bây giờ. Nào là 8.3, nào là 20.10, nhưng 55 tuổi đã “ưu tiên cho về hưu”. So với nam giới, nữ giới về hưu mất đứt 2 bậc lương, lại là những bậc lương cao nhất.
Bà An than, giờ giá cả lên cao quá rồi, lương nữ giới về hưu thấp hơn lương nam giới vừa không công bằng vừa không đủ sống. Bà An cho đây là một sự “ưu tiên khổ sở”, là một ưu tiên khiến sự phát triển của phụ nữ thành hình chóp.
Nữ ĐB nổi tiếng nói thẳng này cho rằng: Quyền lao động là quyền của mọi người. Luật cần đặt vấn đề quyền lao động phải bình đẳng như nhau. Bà kêu gọi QH cần có tư duy khác, cần đánh giá lại để đảm bảo bình đẳng giới, để người phụ nữ không bị thiệt thòi.
Giảm giờ làm thêm
Trong dự thảo luật lần này, có tới 3 phương án quy định giờ làm thêm mà cao nhất lên tới 360 giờ mỗi năm. ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho biết đã có những người lao động (NLĐ) làm thêm tới gần 400 giờ nhưng không được thanh toán tiền thừa giờ. ĐB Võ Ngọc Thứ (Kiên Giang) còn đưa ra con số khó tin hơn: Có lao động làm thêm thậm chí tới 700 giờ/năm.
Nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Cù Thị Hậu với tư cách 45 năm làm công nhân và công đoàn yêu cầu bỏ phương án 360 giờ làm thêm/năm. Theo tính toán của bà, NLĐ đã phải làm việc 48 giờ/tuần, như vậy một năm đã làm tăng 52 ngày, nếu làm 360 giờ/năm tương đương với 45 ngày, như vậy NLĐ đã làm tăng thêm so với quy định của Nhà nước là 97 ngày/năm.
ĐB Đặng Ngọc Tùng mong muốn Chính phủ đưa ra mức lương tối thiểu làm sao sát với thực tế hơn, đáp ứng nhu cầu của NLĐ và thực tế của cuộc sống”. Ông Tùng thẳng thắn: “Mức lương tối thiểu mà Chính phủ đưa ra mới chỉ phù hợp thực tế được 60%. Đề nghị sắp tới, Chính phủ cố gắng đưa ra mức lương tối thiểu phù hợp hơn vì nó rất quan trọng trong quan hệ lao động ở các doanh nghiệp”.
Để so sánh, bà Hậu đưa ra số ngày nghỉ mỗi năm của cán bộ, công chức lên tới 104 ngày và NLĐ đã làm thêm giờ hết 97 ngày. Như vậy 1 năm NLĐ chỉ được nghỉ 7 ngày. “Mục tiêu của chúng ta là nâng cao năng suất lao động, tay nghề để từ đó NLĐ có thể giảm giờ làm chứ không phải tăng thêm giờ làm như thế này” - bà nhấn mạnh.
ĐBQH, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Đặng Ngọc Tùng dẫn lời Bác Hồ dạy: “Chúng ta phải bình đẳng”, vì thế: “Không có lý do gì NLĐ làm việc một tuần là 48 giờ trong khi chúng ta làm luật cho chúng ta, cho cán bộ công chức lại chỉ làm có 40 giờ thôi”.
Ông Tùng đề nghị cần nghiên cứu để Luật Lao động sửa đổi lần này phải giảm giờ làm xuống 40 giờ/tuần, để NLĐ có điều kiện nâng cao trình độ học vấn, tay nghề và hưởng thụ cuộc sống.
Anh Đào
Vui lòng nhập nội dung bình luận.