Xin rút

Chủ nhật, ngày 28/08/2011 06:21 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc các nhà văn, nhà thơ như Sơn Tùng, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khoa Điềm xin rút khỏi danh sách đề nghị Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2011 của Hội Nhà văn Việt Nam đang được dư luận chú ý.
Bình luận 0

Lý do xin rút của mỗi người có thể khác nhau nhưng có một điểm chung: Họ quan niệm văn chương là việc tự thân, nhà văn viết ra tác phẩm được công chúng đón nhận đã là phần thưởng cao nhất rồi. Việc vinh danh của Nhà nước là cao quý nhưng họ thấy không cần thiết nên thôi.

Đợt xét Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm nay có nhiều sự phức tạp. Trước hết là do quy chế xét duyệt nên khá nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi đã từng được Giải thưởng Nhà nước lần trước với các tác phẩm tiêu biểu của mỗi người, nay đưa lên giải cao hơn thì tác phẩm mới lại chưa đủ thời gian hoặc chưa đủ chất lượng bằng các tác phẩm đã có và đã được xét. Bản thân quy định văn nghệ sĩ phải tự kê khai thành tích tác phẩm đem nộp để xin được xét duyệt khen thưởng cũng khiến nhiều người không thích.

Trường hợp nhạc sĩ Phạm Tuyên là một thí dụ. Ông đáng được Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này nhưng do thủ tục đó nên ông không làm đơn và do vậy bị hội đồng cơ sở bỏ qua. Sau nữa là do sự xét duyệt của các hội đồng, mà chuyện căng thẳng nhất là ở Hội Nhạc sĩ Việt Nam khi liên tiếp có nhiều nhạc sĩ gửi đơn khiếu nại lên các cấp.

Những chuyện lình sình này có người bảo trong giới văn nghệ thì không nên xảy ra. Nhưng để cho hai giải thưởng cấp quốc gia này giữ được uy tín và giá trị thì phải giải quyết thỏa đáng những chuyện đã xảy ra đó.

Trong hoàn cảnh như vậy, việc xin rút tên của 3 nhà văn, nhà thơ nêu trên là một thái độ tôn trọng giải thưởng, tôn trọng công chúng, và tôn trọng mình. Một xã hội dân chủ, văn minh, hiện đại sẽ phải quen với những ứng xử của con người có quyền cá nhân và chủ động với quyền cá nhân của mình.

Ngay cả khi một giải thưởng đã được trao, người được giải vẫn có quyền và có thể từ chối, xin rút, không hẳn là để phản đối, mà vì họ thấy nó không phù hợp với mình. Như nhà văn Pháp Jean-Paul Sartre (1905-1980) đã từ chối Giải thưởng Nobel do Viện Hàn lâm Thụy Điển trao cho mình vì ông quan niệm viết văn để phục vụ xã hội, không phải để nhận giải.

Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh sắp được trao. Sẽ có những niềm vui và tiếng cười. Sẽ cũng có những ngậm ngùi, tiếc nuối. Đối với văn nghệ sĩ, giải thưởng của Nhà nước quý thật, nhưng còn quý hơn nữa là giá trị nghệ thuật và nhân văn để lại cho đời từ tác phẩm và cách sống của họ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem