XKLĐ đi Hàn Quốc: Những bước dài trong hợp tác

Thứ tư, ngày 07/12/2011 06:49 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 17 và 18.12 tới đây, Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc sẽ chủ trì đợt kiểm tra tiếng Hàn năm 2011, dự kiến có khoảng 70.000 lao động tham gia.
Bình luận 0

Đây là hoạt động hợp tác lớn về nhân lực trong tiến trình dài tuyển dụng lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc.

Từ tu nghiệp sinh tới lao động

Sự bùng nổ của nền kinh tế Hàn Quốc từ những năm 1980-1990 đã khiến nước này thiếu hụt nhân công trầm trọng. Để cung cấp đủ nhân lực cho các ngành công nghiệp vừa và nhỏ, Hàn Quốc đã bắt đầu có chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài. Hiện nay hàng năm Hàn Quốc cần tiếp nhận khoảng 50.000 lao động nước ngoài để cung cấp đủ nhân lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

img
Lao động tham dự lớp giáo dục định hướng trước khi xuất cảnh tại Trung tâm Việc làm ngoài nước.

Hợp tác cung ứng và sử dụng lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc được bắt đầu từ năm 1993 và được thực hiện theo 5 hình thức: Cung ứng tu nghiệp sinh (TNS) cho các ngành: Công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp và thuỷ sản; Cung ứng thuyền viên đánh cá cho các tàu cá Hàn Quốc; Cung cấp lao động cho tập đoàn xây dựng Hàn Quốc trúng thầu ở Libya; Cung cấp lao động theo Luật Tiếp nhận lao động nước ngoài (EPS); Cung cấp lao động kỹ thuật cao.

Kể từ ngày 1.1.2007, Chương trình TNS chính thức bị huỷ bỏ vì nhiều lùm xùm xung quanh việc quản lý lao động, những lao động đã đi theo Chương trình TNS hiện đang làm việc tại Hàn Quốc sẽ được chuyển sang hình thức lao động. Tới thời điểm này, Hàn Quốc tiếp nhận lao động Việt Nam theo 3 chương trình: Lao động đi theo Chương trình Cấp phép làm việc (EPS); Lao động đi làm thuyền viên tàu cá; Lao động kỹ thuật cao (Chương trình thẻ vàng).

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo hình thức lao động chính thức được hưởng rất nhiều quyền lợi (nhất là đi theo Chương trình EPS) được quy định tại Luật Lao động Hàn Quốc như: Mức lương cơ bản được điều chỉnh tăng hàng năm, lao động được hưởng các chế độ bảo hiểm y tế, tai nạn nghề nghiệp... Hiện, mức lương cơ bản của lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đạt khoảng 1.000USD/tháng (tương đương 21 triệu đồng/tháng)

Tuy nhiên, cơ chế tuyển chọn lao động sang làm việc tại Hàn Quốc khá khắt khe: Với Chương trình EPS, người lao động phải tham dự và vượt qua được kỳ kiểm tra tiếng Hàn do Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tổ chức theo sự ủy quyền của Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc. Chỉ những người đã đạt yêu cầu qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn mới đủ điều kiện nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển. Với chương trình thẻ vàng, lao động phải có trình độ cao (đại học, trên đại học và có ít nhất 5 năm làm việc trong ngành công nghệ cao các nghề điện, điện tử, công nghệ thông tin, hàn...), có ngoại ngữ tốt....

Nhiều lao động bỏ trốn, nhiều... cò

Lao động Việt Nam nhìn chung được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc đánh giá cao về khả năng tiếp thu công việc nhanh, có đức tính cần cù, chăm chỉ... Tuy nhiên, trong quá trình làm việc tại Hàn Quốc, lao động Việt Nam cũng đã bộc lộ một số hạn chế, trong đó nổi cộm nhất là tình trạng lao động Việt Nam yêu cầu chuyển đổi nơi làm việc mà không có lý do chính đáng và tình trạng lao động bỏ trốn. Chính vì vậy, phía Hàn Quốc đã tạm dừng việc tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Hàn tháng 8.2011 theo Chương trình EPS.

Trước thực trạng này, Bộ LĐTBXH đã chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với Trung tâm Việc làm ngoài nước có văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai Đề án ngăn ngừa tình trạng cư trú bất hợp pháp và chuyển đổi nơi làm việc vì lý do không chính đáng của người lao động làm việc tại Hàn Quốc.

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, tổng số lao động Việt Nam tại Hàn Quốc làm việc theo 3 chương trình là 65.000 lao động. Tuy nhiên, số lao động bỏ trốn của ta cũng rất cao: 8.780 lao động.

Các giải pháp tổng hợp bao gồm các giải pháp về tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của người lao động, trách nhiệm của các cấp chính quyền và gia đình người lao động, các biện pháp về tuyển chọn, quản lý lao động. Biện pháp mạnh tay nhất là dừng tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra cho người lao động ởs 23 xã, phường có từ 5 người lao động trở lên đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Vì vậy, ngày 17,18.12, phía Hàn Quốc đã mở lại kỳ kiểm tra tiếng Hàn

Ngoài ra, vấn đề nổi cộm nữa là lao động bị chi phối bởi hệ thống "cò" XKLĐ dày đặc trong cả nước. Hầu hết lao động đều phải chi tiền cho "cò", từ khâu tham gia kiểm tra tiếng Hàn tới "lo cho tới khi xuất cảnh". Không ít lao động đã mất cho "cò" từ 5.000-7.000 USD, trong khi quy trình của Chương trình EPS, "cò" không thể can thiệp. Cục Quản lý lao động ngoài nước đã nhiều lần cảnh báo về vấn đề này, nhưng số nạn nhân vẫn không ngừng gia tăng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem