Vậy con số này ở Việt Nam hiện nay là bao nhiêu? Chưa có con số thống kê chính thức và chính xác. Nhưng một thực trạng dễ thấy là lao động trẻ em ở Việt Nam hiện nay có trên khắp nước, tập trung nhất ở những đô thị lớn, và càng ngày con số là không giảm, nếu không muốn nói là tăng.
Từ nhiều năm trước, ở một số địa phương ở miền Trung đã có phong trào “hồi gia” với những trẻ em phải vào các đô thị lớn như TP.HCM kiếm sống. Đó là một phong trào tích cực, tuy nhiên lại không lâu bền.
Sau một thời gian kêu gọi và tổ chức đưa được một số trẻ em vào TP.HCM kiếm sống trở về quê nhà thì số trẻ em mới “lên đường” vào TP.HCM lại đông hơn, và cứ thế, “ kêu được một em về nhà thì ba em khác lại ra đi” như lời một cán bộ chuyên trách về trẻ em thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ngãi.
Thỉnh thoảng, trên các báo vẫn đăng những phóng sự kèm hình ảnh về lao động trẻ em ở nhiều địa phương. Hết “báo động đỏ” rồi “giơ thẻ đỏ” với nạn lao động trẻ em, nhưng vấn nạn này vẫn không hề suy giảm độ căng thẳng.
Có những trẻ em mới 10-14 tuổi phải thồ gạch, lại có những trẻ em cùng tuổi đó phải đãi vàng trên các dòng sông với bao nguy hiểm và nặng nhọc. Còn đủ loại lao động khác không kém nặng nhọc và không kể hết tên mà trẻ em Việt Nam đang phải làm, nhưng giải pháp căn cơ cho nạn bóc lột sức lao động trẻ em thì vẫn chưa thấy.
Cuộc họp thượng đỉnh Liên Hợp Quốc đang diễn ra tại New York (Mỹ) nhằm tổng kết những “mục tiêu thiên niên kỷ” được đặt ra từ 10 năm nay, trong đó đặc biệt nêu tình trạng lao động trẻ em trên thế giới vẫn chưa được xoá bỏ.
Việt Nam là một trong những nước đang phát triển đạt được nhiều thành tựu trong những “mục tiêu thiên niên kỷ” này, nhưng với vấn nạn lao động trẻ em, chúng ta vẫn còn làm chưa được nhiều để giảm thiểu, tiến tới xoá bỏ tình trạng này.
Kinh tế nước ta đang phát triển khá ổn định, nhưng số hộ nghèo trong cả nước, những hộ nông dân vùng sâu vùng xa vùng dân tộc thiểu số gặp khó khăn trong đời sống vẫn còn rất nhiều. Đó là nơi thường xuyên “cung cấp” lao động trẻ em cho đủ các thị trường và phi thị trường lao động...
Xoá bỏ nạn lao động trẻ em là việc phải làm, nhưng không hề dễ. Bởi căn nguyên của nó nằm ở cái nghèo. Khi không xoá bỏ được tận gốc cái nghèo trên cả nước, thì chưa thể xoá bỏ được nạn lao động trẻ em.
Thanh Thảo
Vui lòng nhập nội dung bình luận.