Xóa bỏ rào cản trong bào chữa

Ngọc Lương Thứ ba, ngày 26/05/2015 07:35 AM (GMT+7)
Dự kiến ngày 27.5 Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Một trong những đề xuất được cho là đột phá trong cải cách tư pháp đó là việc bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư (LS), thay vào đó LS chỉ cần đăng ký tham gia tố tụng.
Bình luận 0

Đủ thứ rào cản

Cho đến nay LS Trịnh Anh Dũng (Đoàn LS TP.Hà Nội) vẫn nhớ như in vụ việc ông nhận bảo vệ cho bị can Lê Văn Bình - người bị khởi tố về tội buôn lậu. Khi được gia đình bị can mời bào chữa, tháng 10.2012, ông đến cơ quan thụ lý vụ án là Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46 - Bộ Công an) để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa.

img
LS không chỉ gỡ tội mà còn góp phần làm sáng tỏ vụ án. Ảnh: L.K
Dù luật quy định là 3 ngày sẽ báo kết quả nhưng LS Dũng chờ mãi mà không được thông báo là có cấp giấy hay không. Sự việc gây bức xúc đến mức Đoàn LS TP.Hà Nội và Liên đoàn LS Việt Nam (LĐLSVN) đã phải gửi công văn tới Bộ trưởng Bộ Công an và lãnh đạo C46 đề nghị chỉ đạo xem xét việc cấp giấy, tạo điều kiện cho luật sư hành nghề theo luật nhưng không có kết quả (?).

Ở vụ án thu hồi trái phép 25,5ha đất tại phường Đồng Tâm, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc được tòa xử tháng 6.2012, trong khi bào chữa cho bị cáo Nguyễn Ngọc Quyền, LS Trần Đình Triển đã đưa đĩa ghi âm cho tòa để tố cáo hành vi của Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc cản trở bị can thuê người bào chữa. Cụ thể vị Phó Viện trưởng đã khuyên gia đình bị can không nên thuê LS bào chữa. Theo LS Triển, vị này đã nói rằng cứ thành khẩn khai nhận sẽ được giảm nhẹ tội, còn thuê LS án sẽ cao hơn.

TS-LS Phan Trung Hoài - Phó Chủ tịch LĐLSVN cho biết, chỉ riêng khoảng 5 năm qua, Văn phòng LS Phan Trung Hoài (TP.HCM) đã có 20 trường hợp cơ quan điều tra gửi văn bản từ chối cấp chứng nhận bào chữa cho LS với lý do là bị can từ chối quyền bào chữa. "Tuy nhiên LS lại không được tiếp xúc bị can để xem thực hư thế nào. Điều đáng nói là trong 20 vụ việc kể trên, sau khi kết thúc điều tra tất cả đều quay trở lại nhờ LS trợ giúp" - ông Hoài cho hay.

Cũng theo LS Hoài, trong nhiệm kỳ 2009 -2014, tổng cộng có hơn 220 đơn yêu cầu bảo vệ quyền lợi LS mà LĐLSVN và đoàn LS các tỉnh phải thụ lý, can thiệp, giải quyết tháo gỡ, trong đó tập trung chủ yếu là thủ tục và thời hạn cấp giấy chứng nhận người bào chữa hoặc bị từ chối cấp giấy không có lý do rõ ràng và không được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tham gia tố tụng.

Gỡ bỏ để tạo đột phá

Quan điểm

TS- LS Phan Trung Hoài
 Người bào chữa được tạo điều kiện tham gia vụ án ngay từ đầu là một trong những biện pháp hạn chế oan sai, vì bản chất là có thêm người thứ ba chứng kiến việc hỏi cung bị can. Cần nhận thức rằng, việc người bào chữa tham gia tố tụng không chỉ để thực hiện việc bào chữa, gỡ tội cho bị can, bị cáo mà còn góp phần cùng các cơ quan tiến hành tố tụng xác định sự thật vụ án, tìm đến chân lý khách quan của vụ việc. Hoạt động này cũng xác lập một kênh giám sát đối với các cơ quan tư pháp”. 
Là người có nhiều năm hoạt động bào chữa, LS Ngô Ngọc Thủy (Đoàn LS TP.Hà Nội) cho biết: Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2003, trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, toà án phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do.

"Luật quy định vậy nhưng tôi và nhiều đồng nghiệp khi tham gia vụ án đều được cấp giấy chứng nhận khá muộn. Không ít vụ án khi đến giai đoạn sắp ra kết luận điều tra, LS mới được cấp giấy chứng nhận để tham gia vụ án. Tất cả đã làm hết, hồ sơ đã hoàn tất, LS tham gia chỉ là hình thức, vậy còn làm sáng tỏ được gì nữa?” – LS Ngô Ngọc Thủy giãi bày.

 

Còn Phó Trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Doãn Khánh cho rằng, quy định hiện hành về việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa vô hình trung đã cản trở quyền bào chữa. Theo ông Khánh, nên quy định LS chỉ cần đăng ký là có thể tham gia vụ án.

“Cơ quan điều tra không làm khó LS thì mới tránh được oan sai, ép cung và dùng nhục hình và đảm bảo được quyền im lặng của nghi can cho đến khi LS vào cuộc. Trường hợp nghi can không có người bào chữa thì Nhà nước phải cử người bào chữa tham gia ngay từ đầu hoặc trong quá trình xét xử" - ông Khánh bày tỏ.

Theo TS-LS Phan Trung Hoài, những năm qua cho thấy việc cấp giấy chứng nhận bào chữa chính là rào cản lớn nhất hạn chế sự tham gia của người bào chữa, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đặt trong vòng tố tụng.

"Trong các báo cáo đánh giá thực trạng hành nghề LS và kiến nghị gửi Ban soạn thảo BLTTHS (sửa đổi) cũng như tại các cuộc gặp với Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, LĐLSVN đều nêu quan điểm đề nghị bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa đối với diện chủ thể người bào chữa là LS" - ông Hoài cho hay.

Theo ông Hoài, nếu tháo gỡ được vấn đề này, BLTTHS không chỉ khẳng định quyền Hiến định của các chủ thể được hưởng quyền bào chữa, đề cao địa vị pháp lý của người bào chữa, mà còn mở ra những giải pháp mang tính đột phá nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong cách thức yêu cầu và bảo đảm thực hiện quyền bào chữa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem