Xóm 9 hộ, 17 liệt sĩ và 9 bà mẹ Việt Nam Anh hùng

Huyền Trang Thứ sáu, ngày 25/07/2014 06:25 AM (GMT+7)
Xóm nhỏ Chín Chủ nằm ở ngã ba sông La Thọ và Cổ Cò (nay thuộc thôn Đông Hồ, xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) chỉ có 9 hộ dân sinh sống, nhưng có đến 17 liệt sĩ, 7 thương binh và 9 mẹ Việt Nam Anh hùng. Theo Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Nam, tính theo hộ dân, xóm có tỷ lệ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng nhiều nhất cả nước. 
Bình luận 0

Những người mẹ anh hùng

Toàn thôn Đông Hồ có 151 liệt sĩ, 31 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH), riêng xóm Chín Chủ, 100% số hộ có công với cách mạng. Chúng tôi tìm đến người mẹ VNAH cuối cùng còn sống tại xóm Chín Chủ - mẹ Nguyễn Thị Giao, nay đã 94 tuổi. Mẹ vẫn đi lại, nói chuyện với hàng xóm. Nước da mẹ vẫn hồng hào nhưng trong ánh mắt sâu thẳm vẫn chứa đựng những nỗi đau không thể nào nguôi ngoai - nỗi đau của người mẹ 5 lần tiễn con ra trận, nhưng chỉ có 1 người quay về (thương binh Lê Việt Hùng).

 Ngoài những người con hy sinh vì Tổ quốc, chồng mẹ cũng tham gia cách mạng và bản thân mẹ cũng năm lần, bảy lượt bị địch bắt bớ tù đày, bị tra tấn khủng khiếp. Dù nhiều lần đối diện với cái chết nhưng mẹ chưa một lần ngã lòng, thối chí với cách mạng.

Tâm sự với PV NTNN - Dân Việt, mẹ nói nhiều về những đứa con đã thành liệt sĩ. Sâu đậm trong lòng mẹ là người con gái đầu lòng Lê Thị Khá. Khá mới 14 tuổi đã gia nhập du kích xã, trong một trận đánh, Khá đã hy sinh. Từ đây bắt đầu những ngày tháng, mẹ lần lượt tiễn những đứa con lên đường và họ cứ ra đi mãi mãi. Các anh Lê Văn Thông, Lê Văn Hồng, Lê Văn Hay đã chào mẹ ra đi và trở về bằng giấy báo tử. Chỉ có người con cuối cùng, anh Lê Viết Hùng, sống sót nhưng không lành lặn, trở về. Mẹ Giao nghẹn ngào: “Chúng mất còn nhỏ quá, chưa đứa nào có vợ, có chồng cả. Lần lượt từng đứa một, đứa nào ra trận cũng chỉ nói: Con đi nghe mẹ, rồi cứ thế đi luôn…”.

“Thời đó, cả xóm Chín Chủ nhà nào cũng vậy, ai cũng một lòng với cách mạng, cũng hy sinh người thân cho cách mạng. Trong một xóm như vậy, nỗi đau của tôi không có gì cá biệt” – mẹ nói. Những năm tháng ác liệt đó, ban ngày, mẹ nuôi bộ đội dưới hầm; ban đêm, một mình mẹ lại lặn lội chèo ghe đưa bộ đội qua sông.

Nhiều hộ của xóm Chín Chủ có đến 2-3 bà mẹ VNAH, như hộ bà Phan Thị Mai (thương binh ¾). Nhà bà Mai có đến 2 người là mẹ VNAH, là mẹ Nguyễn Thị Hoài - bà nội của bà Mai, và mẹ Nguyễn Thị Cúc - mẹ chồng của bà Mai. Cả nhà bà Mai đều tham gia cách mạng và có đến 4 liệt sĩ, 1 thương binh.

Tình xưa, nghĩa nay…

Xóm Chín Chủ từng là nơi dừng chân chỉ đạo phong trào của Mặt trận 4, Đặc khu ủy, Quận ủy quận 1 Đà Nẵng… là điểm kết nối đường dây liên lạc vùng A, B, C Điện Bàn. Chính vì thế, ngụy quân, ngụy quyền, lính Mỹ đánh phá ngày đêm, cày xới, càn quét, bắt bớ, tra tấn, gây nên bao cảnh đau thương. Cũng vì tình yêu nước, ý chí căm thù giặc, mà từ phụ nữ đến trẻ em trong xóm đều là chiến sĩ cách mạng.



Bà Đinh Thị Liễu - 
Phó trưởng Phòng Người có công Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Nam
   
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 1.604 mẹ Việt Nam Anh hùng (trong đó 902 mẹ được truy tặng, 702 mẹ được phong tặng). Thực hiện Nghị định 56/2013 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, qua rà soát trên địa bàn tỉnh còn 8.000 mẹ thuộc diện được phong tặng, truy tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó 1.200 mẹ còn sống. Các mẹ còn sống hiện đều được chăm sóc chu đáo”. 
Bà Nguyễn Thị Tân - nguyên Phó ban Binh vận xã Điện Thắng (Điện Bàn), cho biết: “Những người mẹ, người chị ở xóm Chín Chủ đã không quản bị tra tấn, tù đày, chết chóc, một lòng giúp cách mạng. Những người mẹ ở xóm Chín Chủ không khác gì mẹ ruột của những cán bộ như chúng tôi thời đó. Tôi ấn tượng nhất là dù bị quân địch bắn phá, đốt sạch, phải sống dưới hầm, nhưng cứ mỗi tối, các mẹ xóm Chín Chủ lại bật hầm lên, lấy ghe đưa bộ đội qua sông, xong việc lại nhấn ghe chìm xuống nước để địch không phát hiện”.

 

Những bà mẹ kiên cường đã sinh ra những đứa con dũng cảm. Những đứa trẻ trong xóm từ 10- 15 tuổi lập thành đội “du kích chăn trâu”. Đội gồm 7 em. Bà Lê Thị Lượng (81 tuổi) - nguyên Phó Hội Phụ nữ kiêm an ninh xã Điện Hòa nói: “Trẻ con mà mưu cao lắm, chúng còn cứu cả mấy anh bộ đội chẳng may bị thương khi gặp hàng rào điện tử” – bà Lượng nhớ lại.

Sau ngày giải phóng, 9 hộ dân đã di dời đến nơi ở mới nhưng cũng thuộc thôn Đông Hồ. Từ năm 1994, các bà mẹ trong xóm đều được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH và được chăm sóc, nuôi dưỡng theo chế độ. Năm 2013, Khu di tích cách mạng xóm Chín Chủ được khởi công xây dựng, trên nền đất thuộc xóm Chín Chủ xưa. Đến ngày 27.7.2013 thì hoàn thành. Công trình được sự hỗ trợ của Thành ủy, UBND TP.Đà Nẵng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ chỉ huy quân sự TP.Đà Nẵng, cảng Đà Nẵng.

“9 hộ dân ngày trước bây giờ đã thành nhiều hộ, đáng mừng là tất cả đều có cuộc sống ổn định, chỉ có 1 hộ cận nghèo. Chúng tôi luôn quan tâm đến đời sống các hộ, nhất là hộ cận nghèo. Xét về chính sách, 100% số hộ người có công được hưởng trợ cấp hàng tháng nên cuộc sống tương đối ổn định. Tuy nhiên, để cho bà con có được cuộc sống tốt hơn, chúng tôi mong được cấp trên quan tâm xây dựng một con đường dẫn vào xóm Chín Chủ, vào khu tưởng niệm. Hiện nay, con đường vào đây lầy lội, cầu ván ọp ẹp. Ngoài ra, có con đường đàng hoàng, bà con đi làm đồng cũng đỡ vất vả” – ông Lê Văn Nuôi, Trưởng thôn Đông Hồ, chia sẻ.

  Thời chiến tranh, xóm Chín Chủ rộng chỉ 0,5km2 nhưng bị bao vây bởi 10 đồn địch. Xóm gồm 9 hộ: Hộ ông Lê Huynh (tên thường gọi Hương Biều), Lê Mới, Lê Trọng Lan, Đào Lực, Trần Thị Lưỡng, Lê Rựa, Lê Tặc, Lê Tế (Sáu Thúy), Trần Toán. 9 gia đình đều nuôi giấu cán bộ cách mạng, du kích, với hàng chục hầm bí mật quanh lũy tre ven sông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem