Xóm trọ nghèo dưới chân cầu Long Biên: Tết thật xa xỉ!
Xóm trọ nghèo dưới chân cầu Long Biên: Tết là một thứ gì đó rất xa xỉ!
Hồng Ngọc - Tạ Nguyệt
Thứ năm, ngày 27/01/2022 15:56 PM (GMT+7)
Với những người ngụ cư ở dưới chân cầu Long Biên, Tết là cái gì đó xa vời lắm, bởi lẽ chỉ cần mỗi ngày trôi qua đủ miếng cơm, manh áo đã là điều may mắn nhất cuộc đời họ.
Ngày cuối cùng của năm, gió rét kèm theo chút mưa lâm thâm, trong khi người người nườm nượp về quê đón Tết cùng gia đình thì trong con hẻm nhỏ ở Phường Phúc Xá (Quận Ba Đình, Hà Nội) lại vắng lặng như tờ.
Cuộc sống tha phương nào dám nghĩ đến Tết
Trên vỉa hè ngổn ngang đầy chai lọ và ni lông, bà Đinh Thị Hường (47 tuổi) cầm con dao sắc lẹm được cắt vát chỉ chừa lại đầu nhọn vài phân, người phụ nữ tuổi tứ tuần nhanh nhẹn gẩy nhẹ một đường, chiếc túi ni lông lập tức rách thành 2 mảnh. Bà Hường vứt gọn chiếc túi sang một bên và ném chiếc chai nhựa vào bao tải gần đó.
Làm nghề này đã được 2 năm, mỗi khi chợ tan, bà Hường lại ra vỉa hè nhặt lại túi ni lông đựng cá, rau củ đã sử dụng về sơ chế, giặt giũ, phơi khô và bán lại cho công ty tái chế. Mỗi cân ni lông sau khi sơ chế bán được khoảng 5000 đồng.
Xóm trọ nghèo dưới chân cầu Long Biên: Tết là một thứ gì đó rất xa xỉ! Video: Doãn Nhàn
Hơn hai chục năm trước, bà Hường rời quê lên thành phố xuống Hà Nội mưu sinh, nhưng thành phố đất chật người đông dường như không có chỗ dành cho bà. Bà đành bám trụ lại ở xóm ngụ cư này, làm đủ thứ việc để kiếm kế sinh nhai. Căn nhà nhỏ là nơi ở của người mẹ già và mấy đứa em của bà Hường. Gọi là nhà chứ thực chất được dựng tạm bởi những tấm gỗ thải được xin về, thêm vài mảnh tôn đậy lên gọi là có chỗ trú mưa, trú nắng.
Hằng ngày, bà bắt đầu dọn hàng ra chợ từ khoảng 3 giờ sáng, chiều tầm 1 giờ lại ra vỉa hè nhặt phế liệu, ni lông. Công việc lặp đi lặp lại không kể mưa nắng "Tôi sống nghèo khổ từ bé, học hết lớp 5 là bắt đầu ra đời bươn chải. Có việc để làm là tốt rồi nên có khổ cũng chẳng dám kêu ai".
Ban đầu, bà Hường bán trứng và hoa quả ở dốc Hàng Than, công việc cho bà thu nhập khoảng 3-4 triệu mỗi tháng. "Gọi là đủ cơm ăn không phải ngửa tay xin ai đồng nào. Còn khỏe thì làm để dành tiền lúc ốm đau nên khổ đến mấy tôi cũng phải ráng chịu!". Không chồng con, cuộc sống của bà Hường cứ trôi qua lặng lẽ như thế, tách biệt hoàn toàn với sự tấp nập, phát triển của thủ đô.
"Công việc ngày càng khó khăn, tiền ăn còn không đủ nên chẳng dám nghĩ đến Tết".
Bà Đinh Thị Hường (47 tuổi), lao động di cư tự do sống ở Long Biên (Hà Nội)
Cửa sống bắt đầu thu hẹp từ những ngày cuối tháng 3 năm ngoái, khi dịch bệnh bắt đầu khó khống chế, hàng quán đóng cửa và dừng mọi dịch vụ không thiết yếu. Rau và trứng không bán được, bà Hường đành chuyển sang nghề nhặt ni lông nhằm kiếm bát cháo qua ngày. Chính vì thế, thu nhập của bà cũng giảm đi một phần.
Sắp đến Tết, bà cũng chẳng mong được về quê. Đã mấy năm nay, bà quen đón Tết ở cái xóm ngụ cư này. "Tiền ăn còn không đủ nên chẳng dám nghĩ đến Tết".
Không chỉ có bà Hường, nhiều người ở xóm ngụ cư này cũng không về quê, không phải vì không có tiền hay không có người thân mà họ bị cuộc sống mưu sinh cuốn đi. Chị Nguyễn Thu Hòa (36 tuổi, quê Hà Nam) là một trường hợp như thế. Mưu sinh ở Hà Nội cũng được gần chục năm, vợ chồng chị Hòa cùng 3 người con sống bám ở đây bằng xưởng bánh mì nhỏ.
So với những người ở đây thì thu nhập của nhà chị Hòa được xem là ổn định, thế nhưng dịch bệnh đến, đại lý giảm một nửa số hàng hóa nhập vào, thu nhập của gia đình chị cũng vì thế mà bấp bênh. Dịch bệnh khiến nhiều lao động di cư lâm vào cảnh éo le, khiến họ có quê mà chẳng dám về. Hà Nam cách đó chưa đầy 50km, nhưng gia đình chị Hòa cũng không có ý định về quê đón Tết. Chị bảo sợ mang bệnh về cho người nhà nhưng phần nhiều vì "ở đây còn túc tắc kiếm ra tiền, chứ về quê biết lấy gì mà ăn".
Chưa bao giờ được đón Tết trọn vẹn
Cách chỗ ở của bà Hường tầm 100m là túp lều được dựng lên tạm bợ, chắp vá bằng đủ thứ vải bạt, mền cũ và áp phích quảng cáo. Túp lều rộng chừng 5m2, là nơi ở của 3 người già và 5 con chó. Thấy có người lạ đàn chó ùa ra sủa inh ỏi, từ trong lều vợ chồng bà Lê Thị Bích (64 tuổi. quê Hưng Yên) vội vàng ló mặt nhìn ra.
Vợ chồng bà Bích sống cùng cô em gái tên Lan (52 tuổi) ở đây đã được vài chục năm, từ bao giờ bà cũng chẳng nhớ rõ. 3 người già sống với nhau trong căn lều ọp ẹp, đồ đạc trong nhà chẳng có gì đáng giá, giường ngủ được ghép lại bằng vài tấm ván, manh chiếu rách nát và vài chiếc chăn được người ta cho để giữ ấm. Xoong nồi và vài chiếc muôi sắt được bày la liệt dưới nền đất hoặc treo trên thân cây - điểm tựa duy nhất cũng được coi là nơi chắc chắn nhất của túp lều. Hằng ngày để có nước sinh hoạt, bà Bích lại phải mang thùng sang nhà bên cạnh xin nước về dùng. Không điện, không nước sinh hoạt, di cư từ quê lên đây, vợ chồng bà Bích không còn hộ khẩu ở quê cũ và cũng chẳng được thừa nhận ở nơi mới.
Hằng ngày, vợ chồng bà Bích và bà Lan đi nhặt ve chai, công việc thường bắt đầu từ lúc tối muộn và kết thúc vào lúc 1-2 giờ sáng. Có những hôm 3 người đi xuyên đêm, phế liệu nhặt được đem bán cho hàng đồng nát vào sáng sớm, thu nhập cũng được 50.000 - 70000 đồng/ ngày. Số tiền ấy đủ cho gia đình 3 người nhà bà Bích đong gạo ăn hàng ngày "Đủ nắm gạo ăn và mấy mớ rau, chứ thịt thì chưa bao giờ nghĩ đến."
Tết Nguyên Đán cận kề, thế nhưng trong tâm trí của những người như bà Bích, Tết là cái gì đó xa vời lắm. Chưa bao giờ bà có tiền sắm Tết, và cũng chưa bao giờ bà được đón một cái Tết trọn vẹn: "Tết của người ta chứ Tết của mình đâu. Thi thoảng có đoàn thiện nguyện đến cho chiếc bánh chưng thì mới biết đến cái mùi Tết".
Ngoài kia, dòng người vẫn cứ đi, mang theo bao niềm hy vọng được về nhà đoàn tụ, sum vầy cùng gia đình, nhưng những người ở xóm ngụ cư này vẫn cứ lặng lẽ sống tách biệt hoàn toàn với nhịp sống hối hả ấy. "Bao giờ mới được đón một cái Tết trọn vẹn?". Với những người như bà Hường, bà Bích hay bà Lan, đó mãi là câu hỏi chẳng thể nào giải đáp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.