Xót thương cô trò lớp 5 dệt chiếu thuê kiếm tiền mua thuốc cho ba mẹ

Thứ bảy, ngày 31/08/2013 08:20 AM (GMT+7)
Mới 6 tuổi, cô bé Nguyễn Minh Thư (SN 2003) đã biết phụ ba, phụ mẹ dệt chiếu kiếm tiền. Đến năm 2008, ba Thư mắc bệnh suy thận mãn tính, hai năm sau, mẹ em phát hiện bị ung thư vú cần phải xạ trị.
Bình luận 0
Từ đó, cô học trò nghèo phải một buổi đi học, buổi cắm cúi dệt chiếu cùng em gái để lo thuốc thang cho ba, mẹ. Vất vả nhiều, đói rách cũng không ít, nhưng Thư chưa bao giờ từ bỏ giấc mơ đến trường.

Nghèo còn gặp eo

Ghé qua ấp 2, xã Long Định, huyện Cần Đước, Long An hỏi nhà chị em Minh Thư - Minh Trang (SN 2004, em gái Minh Thư - PV) thì ai cũng biết. Nhà Thư nằm khuất sau mấy rặng tre, quạnh quẽ. Mà nói nhà Thư cũng chưa đúng, lâu nay, gia đình em chẳng có đất đai, nhà cửa gì nên tá túc trong nhà bà Huỳnh Thị Đẹt (bà nội của Thư).
Khi tôi đến, Thư đang lúi húi dệt chiếu với bà nội trong cái chòi nhỏ cạnh nhà. Cô bé có gương mặt bầu bĩnh, rất kiệm lời, nhưng cách nói, cách nghĩ của em thì có vẻ chín chắn hơn tuổi lên 10 rất nhiều. Thư cho biết, em dệt chiếu bất cứ lúc nào rảnh.
Trong lúc dệt chiếu, thấy ba mệt nên Trang xoa bóp chân cho ba
Trong lúc dệt chiếu, thấy ba mệt nên Trang xoa bóp chân cho ba
Khung dệt, sợi đay, cần gỗ trở thành những người bạn thân thiết của em. Bà Đẹt giải thích: “Nhà tôi nhỏ, tối om, lại rất nóng nên ba, mẹ Thư cất cái chòi này, vừa đặt khung dệt vừa ngủ nghỉ tại đây luôn. Nhà con bé chẳng có gì ngoài cái giường cũ kê và chiếc tivi có giá trị nhất. Cơm nước thì tới bữa tôi nấu mang ra, cũng có khi hàng xóm ghé cho con cá, mớ rau, gói bánh. Thi thoảng, những lúc khỏe thì mẹ Thư cũng ngồi dệt được, nhưng độ này con dâu tôi yếu lắm nên phần lớn công việc đều do Thư làm. Tôi và bé Trang chỉ phụ thêm cho nó”.

Ba Thư là anh Nguyễn Quang Minh (SN 1968), mẹ là chị Nguyễn Thị Phỉ (SN 1964) đều xuất thân từ những gia đình nông dân nghèo. Chị học hết lớp 5, anh vừa qua lớp 6 là nghỉ. Chị mồ côi cha khi mới 14 tuổi, anh sớm phải bươn chải lo cho gia đình. Có lẽ, vì cùng bước ra từ rơm rạ, ruộng đồng với nhiều nhọc nhằn nên anh, chị dễ cảm thông, yêu thương nhau hết mực. Nên duyên chồng vợ, anh Minh, chị Phỉ chẳng có gì ngoài tình yêu và hai bàn tay trắng. Ngày, anh chạy máy cày thuê, đêm rọi đèn đi bắt cá về bán.

Thương chồng vất vả, chị Phỉ cũng chạy đôn chạy đáo làm mướn khắp làng trên xóm dưới. Chị Phỉ nhớ lại: “Hồi đó, nghèo mà vui. Hai vợ chồng tính dành dụm tiền, ráng cất cho được cái nhà đặng sinh con thì ra riêng, có chỗ che mưa che nắng. Năm 2003, 2004, bé Thư, Trang lần lượt chào đời, tôi rất mừng. Hai vợ chồng tôi dang dở việc học rồi nên thường dặn nhau, khó khăn cỡ nào cũng lo cho con ăn học tới nơi tới chốn. Nào ngờ, năm 2008, anh Minh ngã bệnh. Cái ước mơ cất căn nhà nhỏ đành gác lại. Có khi đến hết đời tôi cũng không thấy được căn nhà của chính mình”. Nói rồi, chị Phỉ đưa tay áo lên quệt nước mắt. Ngồi cạnh vợ, anh Minh khẽ thở dài.

Năm 2008, nhận thấy sức khỏe của chồng giảm sút rõ rệt, chị Phỉ gom góp tiền để anh Minh đi khám. Kết quả là Minh bị suy thận mãn tính, chạy thận liên tục cho đến hết đời khiến hai vợ chồng chết điếng. Từ đó đến nay, cứ 3 buổi/tuần, anh Minh đón xe buýt lên Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM chạy thận.

Chồng bệnh, chị Phỉ trở thành trụ cột trong nhà. Năm 2010, tai họa một lần nữa ập xuống gia đình nhỏ khi chị Phỉ được chẩn đoán bị ung thư vú. Chị Phỉ nói, giọng run run: “Đã nghèo còn gặp lắm cái eo. Nghe bác sĩ nói mà tai tôi cứ như ù đi. Tôi lên Bệnh viện Ung bướu TP.HCM điều trị suốt, bệnh viện cứ như là nhà. Sức khỏe tôi giảm sút rõ rệt. Nhưng tôi còn ráng chịu đựng được chứ anh Minh thì không thể bỏ chạy thận. Tôi thương bé Thư, mới tí tuổi đầu đã gánh quá nhiều trách nhiệm với gia đình”.

Giấc mơ lặng thầm

Thấy vợ chồng chị Phỉ nấn ná bên khung dệt dù đang giờ cơm trưa, tôi bảo anh, chị cứ tự nhiên dọn cơm ăn. Chị cười, nói như phân bua: “Mỗi ngày, cả nhà chỉ ăn một bữa tối thôi. Sáng và trưa thì cứ quơ đại, có gì ăn nấy hoặc nhịn luôn chứ không dám nấu cơm”. Nghe mẹ nói, bé Trang góp chuyện: “Con với chị Thư nhịn đói quen rồi. Giờ ăn bữa tối thôi đã thấy no cả ngày. Ba con hay mệt trong người. Có bữa, tận 1, 2 giờ sáng mà ba còn trằn trọc, thở dốc. Hai chị em con hay thay phiên nhau xoa bóp chân tay để ba đỡ đau. Đêm nào cũng vậy, chờ đến khi thấy ba, mẹ ngủ thì hai chị em mới dám ngủ”.
Dù khó khăn, vất vả nhưng hai chị em Minh Thư, Minh Trang (từ trái qua) đều ngoan và học giỏi
Dù khó khăn, vất vả nhưng hai chị em Minh Thư, Minh Trang (từ trái qua) đều ngoan và học giỏi
Trước đây, gia đình Thư có 8 sào ruộng. Từ khi ba, mẹ em đổ bệnh, đất ruộng phải bán. Không còn đất canh tác cũng không đủ sức đi làm thuê nữa, chị Phỉ chuyển hẳn sang nghề dệt chiếu. Tuy nhiên, với căn bệnh hiểm nghèo đang mang trong người, chị chẳng thể ngồi lâu mà dệt. Chị Phỉ thổ lộ: “Ở Long Định này, trẻ con chừng 7, 8 tuổi đã biết dệt chiếu rồi. Ngày xưa, tôi nhìn mẹ, bà làm là học theo chứ chẳng ai dạy. Sau này, bé Thư cũng vậy. Có lẽ vì sinh ra trong cảnh nghèo, gia đình lại có truyền thống dệt chiếu nên cháu tự học rất nhanh.

Tôi nhớ, hồi Thư 4, 5 tuổi, cháu đã ngồi chống cằm nhìn bà nội dệt. Có người thấy vậy thì đùa rằng, mai mốt, con bé này thành thợ dệt chứ chẳng chơi. Tôi gạt ngang, nhất định cho cháu Thư đi học đặng có cái chữ, sau kiếm công việc ổn định làm chứ theo nghề dệt hoài rồi cả đời cũng chỉ quẩn quanh trong nhà như bà, như mẹ. Nói vậy mà bước chẳng qua, đến giờ, cháu Thư thành thợ dệt thật. Từ dập khung gỗ đến chọn, kéo sợi, con bé đều làm hết”.

Để có tiền chạy thận cho ba, mua thuốc cho mẹ Thư, các cô chú, cậu dì của em mỗi tháng góp chút ít. Còn ăn uống, lối xóm bà con thương tình, người cho lon gạo, con cá, người cho mắm, muối. Phần mình, Thư một buổi đi học, buổi dệt chiếu. Mỗi ngày, hai chị em Thư làm chừng 2 đôi chiếu thô, chủ yếu lấy công làm lời 20.000 đồng/ngày. Hôm nào chị Phỉ khỏe thì dệt nhiều hơn một tí. Không có thời gian rảnh, Thư tranh thủ giờ giải lao trên lớp để học bài, làm bài tập. Thư bộc bạch: “Con phải làm gương cho em Trang. Thấy con lo học, lo làm, em ấy cũng phụ con chứ không ham chơi. Con không cần ăn ngon, mặc đẹp, chỉ mong ba, mẹ con khỏe, vui là đủ rồi”.

Gần đây, ngoài bệnh thận, anh Minh còn bị đau phổi. Hôm tôi ghé thăm, anh ngồi được một lúc thì muốn ngã, bé Trang phải dìu ba đến võng nằm. Gương mặt anh Minh phù nề, xanh xao, hơi thở nặng nhọc. Tháng này không có tiền , anh đành bỏ hết mấy cử chạy thận nên giờ mệt, khó thở.

Loay hoay với mớ giấy tờ, bệnh án của chồng, chị Phỉ nghẹn giọng: “Tôi biết, bệnh anh Minh phải chạy thận đến hết đời. Có cái gì giá trị, tôi bán cả rồi. Đợt này không có tiền, nhìn anh càng lúc càng xanh xao, héo hắt mà tôi ngầm trách mình bất lực. Phải chi tôi khỏe thì dù lên rừng, xuống biển gì tôi cũng đi, miễn làm có tiền lo cho chồng, con thì tôi không nề hà cực khổ. Đằng này, tôi cũng bệnh. Mà cái bệnh của tôi một khi chuyển sang di căn chắc phải buông luôn, tiền đâu mà chữa nữa”.

Minh Thư đang học lớp 5, Minh Trang lớp 4 ở Trường tiểu học Long Định. 4 năm liền, Thư đều là học sinh giỏi. Ở trường, thầy cô, bạn bè, ai cũng quý, ở xóm ai cũng thương. Hỏi ước mơ, Thư thả cần gỗ, trầm ngâm hồi lâu rồi nói, giọng dứt khoát: “Con mơ ước trở thành cô giáo. Con sẽ vừa học, vừa làm, lớn lên con thi trường sư phạm.

Quan trọng bây giờ là con phải làm và làm thiệt nhiều mới có tiền để ba chạy thận, mẹ mua thuốc uống. Con mong được thấy ba đi lại dễ dàng, mỉm cười vui vẻ”. Đang ôm bó đay trong người, Minh Trang cũng lí nhí: “Con sẽ học dệt chiếu thành thục như chị Thư, con muốn phụ làm những việc nặng để chị bớt khổ. Con chưa biết lớn lên thi trường gì nữa, nhưng chắc chắn là con không bỏ học đâu”.

Trao đổi về hoàn cảnh của Minh Thư, ông Phạm Văn Xi, trưởng ấp 2, xã Long Định cho biết: “Gia đình cháu Thư thuộc diện hộ nghèo của xã. Vào những đợt lễ, tết hay có quà hỗ trợ hộ nghèo, chúng tôi đều đề xuất cho gia đình cháu. Dù còn nhỏ nhưng Thư rất ngoan, lễ phép và chăm chỉ. Bà con trong ấp thương Thư và luôn mong cháu mạnh mẽ, kiên cường để cùng ba mẹ vượt qua giai đoạn khó khăn này”.
Mọi sự giúp đỡ gia đình Minh Thư xin gửi về theo địa chỉ: Chị Nguyễn Thị Phỉ, ấp 2, xã Long Định, huyện Cần Đước, tỉnh Long An hoặc điện thoại: 01633 086 899.
Nhật Ly (Dòng Đời) (Nhật Ly (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem