Xót xa nhà mồ bị... “bê tông hóa”

Thứ năm, ngày 27/12/2012 08:16 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Lên miền cao Quảng Nam, nhiều người đã rất ấn tượng với nghệ thuật nhà mồ của người Cơ Tu ở các huyện miền núi Đông Giang và Tây Giang. Nhưng niềm tự hào một thời của người Cơ Tu nay đã dần biến mất...
Bình luận 0

Niềm tự hào “nhà mồ” người Cơ Tu

Ở các huyện miền núi phía tây Quảng Nam, người Cơ Tu chiếm đại đa số. Trải qua quá trình sinh sống lâu đời, họ vẫn giữ lại những di sản văn hóa truyền thống vô cùng đặc sắc, trong đó có thể kể đến việc tạo dựng nhà mồ (ping plâng). Đây là một công trình kiến trúc độc đáo của người Cơ Tu, là nơi yên nghỉ cho người đã mất, mang tín ngưỡng dân gian, phản ánh những khía cạnh xã hội, hướng về tổ tiên, nguồn cội.

 img
Một ngôi nhà mồ bê tông hóa của người Cơ Tu ở xã A Vương (Tây Giang).

Nhà mồ được dựng ở khu nghĩa địa chung hoặc của dòng họ nằm ven những bìa rừng phía tây của buôn làng. Tùy theo vị thế của gia đình mà nhà mồ to, tinh xảo hay nhỏ, đơn giản hơn. Mỗi nhà mồ ẩn chứa một bí mật về tính cách, sở thích lúc sinh thời của người đã mất. Trên mái của nhà mồ hay chạm hình đầu con trâu, con gà, là con vật tín ngưỡng của đồng bào Cơ Tu, cùng những hoa văn sặc sỡ màu sắc.

Theo ông Bling Biên - Trưởng phòng Văn hóa huyện Tây Giang, trong văn hóa của người Cơ Tu nơi đây, khi gia đình có người chết nếu muốn làm nhà mồ, quan tài và tượng gỗ thì gia đình đó phải cúng tế bằng 1 con trâu, con bò thì mới được phép thực hiện. Điều này khá tốn kém, nên nhiều gia đình đành tạm thời xây nhà mồ bằng các chất liệu khác.

Ý nghĩa tượng nhà mồ của người Cơ Tu là có người đi theo phù hộ cho người bên kia thế giới cũng như hát hò, nhảy múa cho người chết quên đi nỗi buồn, sống trọn vẹn trong những ngày vui bất tận. Người Cơ Tu quan niệm nhà mồ và quan tài của người chết luôn là một hình ảnh của ngôi nhà người sống. Họ chỉ điêu khắc, trang trí quan tài và nhà mồ cho người đã khuất khi đã làm lễ cải táng. Đây là lễ lớn quan trọng, tốn kém trong các hội lễ. Ngoài lý do tâm linh, lễ cải táng của người Cơ Tu cũng là dịp để người sống thể hiện sự giàu có hay địa vị của mình.

Tượng gỗ cũng rưng rưng...

Dọc trên cung đường Hồ Chí Minh từ xã A Vương về trung tâm huyện Tây Giang, chúng tôi bắt gặp rất nhiều nhà mồ mới của người Cơ Tu ở các xã như A Tiêng, A Vương, Bhalee, Tr'hy... Đâu đó thoáng hiện lên nỗi niềm tiếc nuối vì biết rằng nhà mồ phải được làm bằng gỗ, những tượng gỗ với nhiều trạng thái... nhưng những ngôi nhà mồ mà chúng tôi đã thấy lại được làm mới bằng bê tông cốt thép rất kiên cố, với nhiều dáng vẻ và màu sắc khác nhau. Các chi tiết điêu khắc trên gỗ lại được thay thế bằng kỹ thuật đắp nổi, tô vẽ bằng sơn và xi măng. Điều này đã làm mất đi nét văn hóa bản địa độc đáo về nhà mồ và quan tài của người Cơ Tu.

Hỏi già làng Y Ngót, ở thôn A Réc (xã A Vương), ông buồn rầu nói: "Giờ hết gỗ rồi lấy đâu làm nhà mồ, lấy đâu làm quan tài bằng gỗ nữa. Mà có gỗ đi chăng nữa thì có ai làm. Trai tráng trong làng không ai biết làm tượng gỗ, không ai biết đẽo quan tài, không ai biết gọt tượng trâu nữa rồi!".

Từ sự giao thoa văn hóa giữa miền xuôi và miền ngược, để thay thế cho ngôi nhà mồ bằng gỗ truyền thống trước đây, các chất liệu xi măng, cốt thép xây dựng một ngôi nhà mồ được người Cơ Tu sử dụng nhiều hơn, vì vừa tiện lợi, vừa tiết kiệm được kinh tế cho gia đình. Vì thế việc tìm gỗ làm nhà mồ, quan tài và tượng cũng dần mất đi trong đại bộ phận người Cơ Tu ở vùng cao xứ Quảng này.

Tôi hỏi ông Bling Biên - Trưởng phòng Văn hóa huyện Tây Giang, ông trả lời trong nỗi buồn: Những nghệ nhân biết đẽo tượng làm nhà mồ ngày càng ít, việc truyền dạy nghề trong cộng đồng cũng không nhiều. Trong khi đó, lớp trẻ Cơ Tu giờ lại không mấy mặn mà với văn hóa truyền thống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem