Xử cựu lãnh đạo NaviBank: “Siêu tốc” khởi tố điều tra trong 11 ngày

Lý Tín Thứ bảy, ngày 10/03/2018 17:39 PM (GMT+7)
Trong vụ án cựu lãnh đạo NaviBank bị truy tố về tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, việc khởi tố, điều tra chỉ diễn ra trong 11 ngày với 3 lần lấy cung các bị can.
Bình luận 0

Theo đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can vào ngày 20.07.2016 và đến ngày 1.8.2016 đã có kết luận điều tra. Bị cáo Phạm Thị Thu Hiền, nguyên Trưởng phòng pháp chế NaviBank, nói rằng chỉ được mời lấy cung 3 lần. Trong đó, lần thứ nhất vào ngày 23.7.2016 là ngày giao quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và 2 lần sau vào ngày 24 và 26.7.2016.

Nhưng bản kết luật điều tra được điều tra trong 11 ngày này bị các bị can khiếu nại và đến 31.10.2016, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra bản kết luận điều tra bổ sung.

img

Khởi tố điều tra vụ án một cách "siêu tốc" trong 11 ngày đã có kết luận điều tra (phần gạch đỏ). Ảnh: Lý Tín

Luật sư Nguyễn Duy Bình (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng, việc điều tra, kết luận một cách “siêu tốc” khiến vụ án này chưa được đánh giá một cách khách quan từng tình tiết, từng chứng cứ và có thể gây oan sai.

Trước đó, từ ngày 28.2, TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm đối với 10 bị cáo nguyên là cán bộ ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) về tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

10 bị cáo gồm: nguyên Tổng Giám đốc Lê Quang Trí, các nguyên Phó Tổng Giám đốc Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hùng Sơn và 6 người nguyên là trưởng các phòng ban của Navibank.

Cáo trạng cáo buộc, từ tháng 3.2010 đến tháng 9.2011, Huyền Như lấy danh nghĩa huy động vốn cho VietinBank đã gặp gỡ, trao đổi với nhiều đối tượng môi giới, đại diện các đơn vị, ngân hàng về việc nhận gửi tiền với lãi suất ưu đãi, phí môi giới cao... Ngay sau khi các đơn vị, cá nhân gửi tiền vào VietinBank, Huyền Như dùng thủ đoạn lập chứng từ, giả chữ ký của chủ tài khoản nhằm rút, chuyển tiền đi trả nợ cho cá nhân Như. Huyền Như chiếm đoạt 3.986 tỷ đồng, trong đó có 200 tỷ của NaviBank.

Các bị cáo bị cho rằng đã làm trái những quy định của Nhà nước dẫn đến việc Huyền Như chiếm đoạt được 200 tỷ đồng của NaviBank.

Tuy nhiên, đến ngày 7.3, sau khi kết thúc phần xét hỏi, HĐXX đã tạm dừng 2 ngày để yêu cầu VKSND Tối cao cung cấp thêm chứng cứ, tài liệu. Phiên xét xử dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 12.3 tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem