Xử gian lận điểm thi ở Sơn La: Đề nghị làm rõ vai trò cựu Giám đốc Sở GDĐT Hoàng Tiến Đức
Xử gian lận điểm thi ở Sơn La: Đề nghị làm rõ vai trò cựu Giám đốc Sở GDĐT Hoàng Tiến Đức
PV Tây Bắc
Thứ hai, ngày 25/05/2020 21:43 PM (GMT+7)
Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Xuân Yến yêu cầu đại diện Viện Kiểm sát (VKS) làm rõ động cơ, mục đích, vai trò của ông Hoàng Tiến Đức, nguyên Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Sơn La.
Luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh (bào chữa cho bị cáo Trần Xuân Yến – cựu Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Sơn La) nêu quan điểm, cho rằng, hành vi nâng điểm hay xem điểm chưa được cơ quan ANĐT đấu tranh đến cùng?
Tại phiên tòa, luật sư nêu lý do tại sao lại không đối chất giữa ông Hoàng Tiến Đức – nguyên Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Sơn La và bị cáo Yến để trả lời như thế nào đối với 8 trường hợp ông Đức nhờ bị cáo Yến nâng điểm hay xem điểm. Việc này ở đây không được làm rõ.
Theo đó, luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh chỉ ra rằng ông Đức có lợi dụng chức vụ quyền hạn để đưa danh sách 8 thí sinh cho bị cáo Yến, để bị cáo Yến đưa cho bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GDĐT tỉnh Sơn La).
Luật sư đặt câu hỏi: "Nếu ông Đức không phụ trách, không có vai trò gì thì tôi không tranh luận. Nhưng ở đây ông Đức là cấp trên của bị cáo Yến. Việc truy tố với bị cáo Yến phải xem xét lại lời khai của ông Đức, bởi ông Đức nhờ 8 trường hợp mà lại không bị sao?".
Luật sư tiếp tục đặt ra 2 trường hợp: Nếu hành vi là nâng điểm sao ông Đức chịu trách nhiệm chính về vấn đề này. Việc nhờ bị cáo Yến nâng điểm cho các thí sinh thì trách nhiệm của ông Đức đến đâu và trong quá trình điều tra đối với ông Đức như thế nào. Nếu hành vi là nhờ xem điểm mà phù hợp với lời khai của bị cáo Yến và ông Đức trong quá trình điều tra và lời khai thì như thế nào?
Luật sư Thanh cho rằng với những người am hiểu về pháp luật, luật sư muốn tranh luận với đại diện VKS việc này xem động cơ, mục đích của ông Đức như thế nào?
Tiếp tục phiên bào chữa cho bị cáo Yến, luật sư cho rằng Cơ quan ANĐT, Công an tỉnh Sơn La đã vận dụng nguyên tắc suy đoán vô tội theo Điều 13, Bộ Luật Tố tụng hình sự để cho rằng ông Đức không có trách nhiệm. Vậy, nếu ông Đức không đủ căn cứ kết tội mà trong khi đó ông Đức nhờ ông Yến nâng hay xem điểm 8 trường hợp, ông Nguyễn Ngọc Hà (Trưởng phòng Giáo dục trung học phổ thông, Sở GDĐT tỉnh Sơn La) 2 trường hợp, ông Phan Ngọc Sơn (Chánh thanh tra Sở GDĐT tỉnh Sơn La) 1 trường hợp và bị cáo Yến 2 trường hợp. Ông Đức, ông Hà, ông Sơn đều ở trong nhóm trung gian. Còn lại 2 trường hợp của ông Yến lại quy kết vào tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
"Giai đoạn đó, ông Đức đang là Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Sơn La. Vậy, ông Đức có lợi dụng, chức vụ quyền hạn để đưa ra danh sách 8 thí sinh này cho bị cáo Yến? Tôi đề nghị VKS làm rõ việc này. Vai trò của ông Đức được đánh giá như thế nào. Ông Đức với vai trò là người làm chứng, tuy nhiên cơ quan điều tra chưa làm rõ trách nhiệm của ông Hoàng Tiến Đức là nhờ xem điểm hay nâng điểm. Cơ quan điều tra chưa làm rõ đến cùng", luật sư nêu quan điểm.
Đối đáp lại với phần bào chữa của các luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Xuân Yến, đại diện VKS lập luận là đang thực hiện đúng quy định tại Điều 308, Bộ Luật Tố tụng hình sự công bố lời khai trong giai đoạn điều tra tuy tố đó là công bố lời khai.
Lời khai của bị cáo Yến mâu thuẫn với lời khai tại Cơ quan ANĐT thì kiểm sát viên đã viện dẫn Khoản 2, Điều 308, Bộ Luật Tố tụng hình sự và công bố lời khai của bị cáo trong giai đoạn điều tra là có căn cứ đúng với quy định của pháp luật.
Về nội dung liên quan đến việc cáo buộc bị cáo Trần Xuân Yến theo cáo trạng đã quy kết bị cáo về hành vi phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Đại diện VKS dẫn chứng, việc quy kết hành vi phạm tội của bị cáo đưa danh sách 13 thí sinh, tại sao những người khác như ông Hoàng Tiến Đức có nhiều trường hợp lại không sao?
Nội dung này, cáo trạng của VKS không cáo buộc hành vi phạm tội của bị cáo Trần Xuân Yến, mà xem đây là tình tiết trong vụ án và là nguyên nhân dẫn đến các hành vi phạm tội tiếp theo của bị cáo. Cáo buộc của VKS đối với bị cáo Trần Xuân Yến ở đây đó là việc vai trò của bị cáo là Tổ trưởng Tổ chấm thi trắc nghiệm.
Bị cáo Yến có nhiệm vụ công bố quyết định về việc thực hiện chấm thi trắc nghiệm, quyết định về thành lập Tổ chấm thi, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm và giám sát việc thực hiện các hành vi trong tổ xử lý bài thi trắc nghiệm, chịu trách nhiệm về việc chấm thi trắc nghiệm.
Trên cơ sở đó, VKS lập luận trong quá trình điều tra lời khai của bị cáo Trần Xuân Yến khai nhận rất phù hợp. VKS chỉ lấy giai đoạn đầu lời khai của bị cáo làm căn cứ để quy kết bị cáo Trần Xuân Yến là dựa trên cơ sở lời khai ban đầu của bị cáo phù hợp với tất cả hồ sơ cơ quan điều tra thu thập trong quá trình điều tra. Đó là lời khai của các bị cáo khác, lời khai của các bị cáo khác phù hợp với lời khai của Trần Xuân Yến, lời khai của bị cáo Nga, Cầm Thị Bun Sọn (cựu Phó Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GDĐT tỉnh Sơn La, Đặng Hữu Thủy (cựu Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu).
Đại diện VKS viện dẫn một loạt các bản cung và bản tự khai của bị cáo Yến khai rất rõ, bị cáo nắm rõ quy trình xử lý bài thi trắc nghiệm theo quy định của Bộ GDĐT và việc sửa bài thi trắc nghiệm từ khâu cắt mở niêm phong đến khi niêm phong lại bài thi.
Đối đáp lại VKS, bị cáo Trần Xuân Yến cho rằng các nội dung kiểm sát viên trích dẫn đều là lời khai trước khi bị cáo bị khởi tố. Lúc này tinh thần của bị cáo hoảng loạn trong thời gian bị cáo bị ép cung tại cơ quan ANĐT và việc giải thích quy trình chấm thi này là do một người khác giải thích cho cơ quan ANĐT.
Bị cáo Yến cũng nói trong giai đoạn khởi tố, không tiến hành lấy lời khai về quy trình cho đến khi kết thúc điều tra. Bản thân bị cáo đã có ý kiến với cơ quan điều tra cho bị cáo giải thích về quy trình nhưng điều tra viên cho rằng căn cứ vào quy chế của Bộ GDĐT.
Bị cáo Trần Xuân Yến tiếp tục yêu cầu đại diện VKS quy kết tội danh cho bị cáo căn cứ vào văn bản nào, điều khoản nào?
Sáng mai (26/5), phiên tòa tiếp tục với phần đối đáp của đại diện VKS với các bị cáo và lời bào chữa của luật sư tham gia bào chữa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.