Sau khi Dân Việt đăng thông tin sâu róm "tấn công" trường học khiến cho 150 học sinh của Trường Mẫu giáo Bình Đông (Bình Sơn, Quảng Ngãi) phải nghỉ học, ngay trong sáng nay, bạn đọc Nguyễn Văn Nghiêm ở Bình Phước đã gửi đến tòa soạn Dân Việt bài viết chia sẻ về cách xử lý khi bị lông/gai sâu róm đâm dưới đây.
|
Sâu róm. Ảnh minh họa từ internet. |
Bị lông/gai sâu đâm sẽ gây ngứa, đau nhức dữ dội ở vùng da tiếp xúc, các triệu chứng khó chịu do nọc độc của sâu hoặc bị nổi mề đay ngứa do dị ứng da. Một loạt các sẩn xuất huyết có thể xuất hiện trong vòng 2–3 giờ và có thể tồn tại trong nhiều ngày.
Ngoài ra còn có thể bị sưng hạch lân cận và sưng cả tay chân. Những triệu chứng khác gồm nhức đầu, sốt, hạ huyết áp và co giật, diễn tiến nặng có thể tử vong.
Nếu không xử lý tại chỗ thích hợp, những lông gai sẽ đâm sâu vào da và ở lại đó gây triệu chứng kéo dài.
Cách xử lý khi bị lông sâu
- Thấy sâu róm bám, cẩn thận dùng que để lấy sâu ra, phủi sạch các lông gai thấy được. Dùng băng keo dính dán lên vùng da tiếp xúc với sâu róm để lấy sạch các lông nằm sâu, còn sót lại.
- Rửa sạch da bằng nhiều nước và xà phòng.
- Đắp lạnh để làm giảm sưng và giảm đau.
- Tránh gãi nhiều lên vết sâu đốt vì sẽ làm lông và gai đâm sâu vào trong da gây triệu chứng kéo dài sau đó.
Với trẻ nhỏ khi bị lông sâu đâm, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu trẻ vẫn ngứa dữ dội không giảm, có phản ứng nặng biểu hiện toàn thân hoặc xảy ra ở trẻ quá nhỏ.
Trường hợp nơi cư trú xuất hiện quá nhiều sâu róm thì nên cho trẻ tạm di cư đến nơi khác một thời gian vì không chỉ chạm vào sâu mới bị ngứa mà lông sâu có thể có cả trong những cơn gió thoảng qua.
Phương thức dân gian
Dân gian chữa lông sâu bằng cách dùng nắm xôi nóng để lăn lên vùng da bị lông sâu, xôi sẽ dính và nhổ lông sâu ra. Sau đó dùng nước vôi rửa (xà phòng cũng được vì chúng đều có tính kiềm).
Nguyễn Văn Nghiêm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.