Nhiều người đánh giá tiêu chí môi trường không tốn nhiều tiền thực hiện, nhưng vẫn có rất ít xã đạt đủ các chỉ tiêu về môi trường. Ông có thể cho biết vì sao tiêu chí này lại khó thực hiện như vậy?
- Khi tham gia xây dựng Bộ tiêu chí cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, chúng tôi xác định có 2 tiêu chí khó nhất, đó là thu nhập và môi trường. Đây là những tiêu chí khó thực hiện và cũng dễ biến động nhất. Chính vì thế, trong các cuộc họp rút kinh nghiệm, Thủ tướng đã chỉ đạo sửa đổi một số tiêu chí cho phù hợp, nhưng riêng 2 tiêu chí này không sửa. Vì khó, nên chúng ta phải nghĩ cách tổ chức để đầu tư đúng, hiệu quả. Khó nhưng vẫn phải làm cho bằng được, vì đây là hạnh phúc, là chất lượng cuộc sống của nhân dân. Đã có thời, người dân nông thôn ăn cỗ bên cạnh chuồng bò, hay đồng bào dân tộc nuôi lợn, gà dưới gầm nhà sàn… Ngày nay dứt khoát chúng ta không thể chấp nhận những tồn tại đó mà phải phấn đấu để được sống trong môi trường xanh, sạch, đẹp, được hít thở không khí trong lành.
Người dân Kim Bảng (Hà Nam) thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt. Ảnh:T.L
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, vấn đề môi trường nông thôn đã ở mức báo động, đó là tôi chưa nói tới an ninh nông thôn. Mặc dù đã có 26% số xã được công nhận đạt chuẩn tiêu chí môi trường, nhưng trong quá trình đánh giá, một số nơi dễ dãi với tiêu chí này, nếu tính chi li thì các xã còn phải phấn đấu nhiều mới đạt.
Nhìn chung có nơi đã xanh, sạch nhưng chưa đẹp. Từ môi trường sinh hoạt đến môi trường sản xuất, không một chỗ nào hết băn khoăn, kể cả nơi đã tổ chức xử lý rác tập trung. Hiện có 2 hình thức xử lý rác phổ biến: Một là chôn lấp, sẽ gây ô nhiễm nguồn đất, nước; hai là đốt, sẽ gây ô nhiễm không khí. Thực tế là chưa địa phương nào có giải pháp xử lý môi trường triệt để.
Để xử lý dứt điểm vấn đề môi trường nông thôn, phải trả lời được 3 câu hỏi: Ai làm, làm như thế nào và tiền ở đâu? Ngoài ra, phải cần “4 có”: Có tổ chức thu gom, xử lý theo hướng dịch vụ xã hội; có chính sách phù hợp để huy động nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp theo hướng dịch vụ công ích; có công nghệ hiện đại, xử lý triệt để, không tạo hậu quả sau xử lý; có quỹ chi cho hoạt động này”.
Ông Hồ Xuân Hùng
|
Vì sao lại như vậy? Một phần là do tập quán sản xuất, sinh hoạt của người dân. Trước đây chúng ta mất quá nhiều thời gian để làm cho đủ ăn, đủ mặc mà ít chú trọng tới môi trường sống. Nhiều gia đình vẫn để chuồng bò, chuồng lợn cạnh nhà rất mất vệ sinh. Sở dĩ người dân không dám để chuồng bò, lợn ở xa nhà là vì sợ mất trộm, an ninh nông thôn chưa được đảm bảo.
Cũng vì đặc điểm bố trí dân cư như vậy nên việc xử lý nước thải, chất thải tùy điều kiện của mỗi gia đình. Hầu như nhà nào cũng xả thải ra cống chung của làng hoặc xả thẳng vào ao, sông, hồ… Chưa kể trong sản xuất nông nghiệp, bà con lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng gây ô nhiễm nguồn nước, đất…
Có người ví nông thôn đang trở thành “bãi rác” của đô thị, các khu công nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về điều này?
- Đó là một nghịch lý. Do chúng ta chưa có công nghệ xử lý rác triệt để và hiệu quả nên hiện nay, rác thải ở các khu đô thị, khu công nghiệp đều đưa về vùng nông thôn, ngoại thành để chôn lấp, nhiều bãi rác đã bị quá tải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cũng tỏ rõ sự lo ngại với phương pháp xử lý rác này, cho rằng đây thực chất chỉ là xử lý được ô nhiễm ở chỗ này nhưng lại phát tán, gây ô nhiễm cho nơi khác, lúc khác. Tôi cũng đã đề nghị Bộ NNPTNT đề xuất lên Chính phủ ra chỉ thị về công tác bảo vệ môi trường nông thôn, đừng biến nông thôn thành nơi xả rác của thành thị, các khu công nghiệp, chế xuất…
Nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp đã có cam kết về bảo vệ môi trường, đầu tư trang thiết bị xử lý chất thải, song do chi phí xử lý chất thải cao, công tác giám sát của ngành chức năng, địa phương lại lơ là nên đã có tình trạng các cơ sở này xả thải trộm... Vì thế, tôi cho rằng “rào cản” lớn nhất trong xử lý rác thải hiện nay chính là ý thức của người dân, doanh nghiệp và cả cộng đồng. Tôi đã từng đi sau xe của một cặp vợ chồng, thấy họ xách một túi rác khá to đi từ nhà ra, đến đoạn đường vắng, họ vô tư ném túi rác xuống ngay vệ đường. Đó là vấn đề ý thức, chứ Nhà nước không thể quản hết được.
Vậy theo ông, điều cần làm ngay để gỡ “rào cản” trong thực hiện tiêu chí môi trường là gì?
- Để làm tốt tiêu chí môi trường, có nhiều chỉ tiêu cần thực hiện, nhưng tôi cho rằng vấn đề rác thải hiện bức xúc nhất nên cần xử lý trước tiên. Thứ nhất, nhanh chóng tiếp cận khoa học công nghệ, máy móc xử lý hiện đại và phải có sự hỗ trợ của Nhà nước. Tiếc rằng, Ban chỉ đạo T.Ư Chương trình xây dựng NTM chưa trình ra được cho Chính phủ chương trình căn cơ, dài hơi về xử lý môi trường. Thứ hai, cần đặc biệt đề cao vấn đề tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân. Thứ ba, phải tổ chức thu gom và trong khâu này, Nhà nước, chính quyền địa phương phải đứng ra làm “bà đỡ”.
Thứ tư, các tổ chức đoàn thể xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... phải vào cuộc tích cực nhằm nâng cao ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường của cộng đồng, vừa tuyên truyền vừa giám sát người dân, doanh nghiệp trong vấn đề xả thải./.
Xin cảm ơn ông!
Theo quy định, để xã được công nhận là xã NTM phải đạt 19 tiêu chí, trong đó, để đạt tiêu chí số 17 về môi trường phải hoàn thành 5 nội dung: Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia đạt 75%; 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.