Xử lý thế nào khi người khác mượn xe rồi vi phạm luật giao thông

Theo Lao Động Thứ bảy, ngày 25/03/2023 10:27 AM (GMT+7)
Trong cuộc sống hằng ngày, có rất nhiều trường hợp cá nhân cho bạn bè hoặc người thân mượn xe và gây ra tai nạn giao thông hoặc gây thiệt hại cho người khác. Vậy trường hợp cho người khác mượn xe gây tai nạn thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại hay trách nhiệm về xử phạt vi phạm hành chính sẽ thuộc về ai?
Bình luận 0

Theo luật sư Nguyễn Đức Toàn (Đoàn Luật sự Hà Nội), có hai nguyên nhân chính dẫn tới việc gây tai nạn giao thông đó là do lỗi của người điều khiển hoặc do lỗi kỹ thuật của xe.

Trường hợp tai nạn do lỗi kỹ thuật của phương tiện: Theo Khoản 1 Điều 601 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, phương tiện giao thông vận tải cơ giới được xếp vào nhóm nguồn nguy hiểm cao độ. Theo đó, chủ sở hữu phương tiện giao thông phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định.


Xử lý thế nào khi người khác mượn xe rồi vi phạm luật giao thông - Ảnh 1.

Một vụ tai nạn giao thông. Ảnh minh hoạ: Hữu Chánh


Nếu phương tiện đang đi trên đường mà xảy ra sự cố như mất phanh, nổ lốp… mà gây tai nạn thì thiệt hại xảy ra được xác định là do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Theo đó, chủ xe sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Khoản 2 Điều này như sau:

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Như vậy, nếu người mượn xe gây tai nạn thì người này phải có trách nhiệm bồi thường. Chủ xe chỉ phải bồi thường nếu các bên có thỏa thuận về việc chủ xe sẽ chịu trách nhiệm ngay cả khi đã giao xe cho người khác sử dụng mà gây tai nạn.

Trường hợp xảy ra tai nạn do hành vi vi phạm luật giao thông của người lái xe thì người này sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015:

Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Nếu tai nạn xảy ra do lỗi của người điều khiển phương tiện thì người này có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại. Chủ xe cho mượn phương tiện không phải bồi thường.

Theo đó, người nào giao xe cho người khác mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác về điều khiển phương tiện gây thiệt hại cho người khác sẽ bị áp dụng các hình phạt sau:

Phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm, nếu làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% - 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100 - dưới 500 triệu đồng.

Phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồnghoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu làm chết 2 người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% - 200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu - dưới 1,5 tỷ đồng.

Phạt tù từ 2 đến 7 năm nếu làm chết từ 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem