Xử lý vụ án oan ở Tây Ninh - sự vô cảm và trốn tránh trách nhiệm

Văn Công Hùng Thứ tư, ngày 31/10/2018 15:38 PM (GMT+7)
Không biết tự bao giờ, sự vô cảm, thói trốn tránh trách nhiệm, thậm chí là vô lễ với dân của một số cán bộ lại nảy nở và nhởn nhơ đến thế.
Bình luận 0

Xã hội ta là xã hội của dân, do dân, vì dân, mọi người đều sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Nhưng ở Tây Ninh đang có một vụ án rất khủng khiếp từ 40 năm trước được lật lại, được nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng bên hành lang kỳ họp Quốc hội này. 4 thập kỷ trước, cả gia đình dòng tộc 8 người, có cả một quân nhân tại ngũ, bị bắt, đánh đập, nhục hình để buộc nhận tội ăn cướp. Trước đòn roi và nhục hình, họ đã phải nhận tội để rồi ra tòa kêu oan.

img

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - 1 trong 7 người bị xử oan sai giờ đã yếu, đến dự tòa phải có người dìu.

Sau hơn 3 năm thụ án, có cả những đứa trẻ con phải theo mẹ vào tù, có cả thai phụ ngồi sau song sắt..., họ được một ông viện phó kiểm sát tỉnh Tây Ninh hồi ấy “đèn giời soi xét”. Ông điều tra lại và ký quyết định hủy án, công nhận những nạn nhân này bị tra tấn, nhục hình và tất nhiên là họ vô tội.

Bài đọc nhiều cùng tác giả

Theo đoàn ĐBQH Tây Ninh, trong 8 người bị oan được thả hồi ấy, chỉ có 1 người nhận được quyết định này, còn lại 7 người được tha tù với tay trắng. Về quê, gặp lại những người từng tra tấn mình ngày trước, họ khiếp đảm đến mức lặng lẽ bỏ lại nhà cửa vườn tược trốn đi nơi khác làm ăn. Và suốt 40 năm qua, họ sống hết sức cơ cực với thân phận tù, chả có giấy tờ gì, sống dưới đáy xã hội, sống mà như đã chết...

Rồi có những người tử tế phát hiện vụ việc, cả luật sư, nhà báo, và cả ông Nguyễn Thận, với kinh nghiệm trong việc minh oan cho tử tù Huỳnh Văn Nén, xúm vào giúp gia đình này, chỉ còn lại rất ít người, đau ốm quặt quẹo, có người đi không vững, phải dìu, còn lại đa phần đã mất.

Họ liên tục làm đơn “xin cứu xét”. Và, những lá đơn ấy đều rơi vào im lặng, dù cũng có nhiều đơn gửi ra các cơ quan trung ương.

Được tư vấn, họ chọn con đường khác, là khởi kiện Viện kiểm sát tỉnh Tây Ninh ra tòa, để đòi được cái quyền có cái quyết định tha tù để họ được là... chính họ.

img

Ông giáo Nguyễn Thận bật khóc tại tòa vì quá thất vọng với bản án.

Và ở phiên tòa do tòa án huyện Gò Dầu mở, chúng ta mới thấy sự vô cảm của các nhân viên công quyền đối với thân phận "con ong cái kiến" như thế nào.

Họ là những người đến giờ vẫn còn khiếp đảm với đòn roi một thuở, vẫn sợ một phép nhân viên công vụ. Và thân phận của họ hết sức đáng thương trước tòa, thế mà vị chủ tọa phiên tòa thì không cho trình bày mà "ngắt ngang, buộc ông ngồi xuống", khi ông Dũng - một trong những nạn nhân nêu ý kiến của mình yêu cầu triệu tập viên công an đã tra tấn ông và gia đình mình đến mức không cướp mà phải cúi đầu nhận tội. Mà trưởng phòng hình sự viện kiểm sát tỉnh Tây Ninh, tham gia phiên tòa không phải với tư cách công tố là đại diện bị đơn, liên tục trả lời nạn nhân và các luật sư: "Không cần thiết phải trả lời".

Và đỉnh điểm là công văn của Viện kiểm sát tỉnh Tây Ninh do kiểm sát viên Phan Văn Vũ ký ngày 22.10 trả lời ông Nguyễn Văn Chiến - 1 trong 7 người bị oan sai nhưng khi được trả tự do không có quyết định đình chỉ điều tra, tiếp tục điệp khúc "không có căn cứ xem xét, thụ lý, giải quyết" và hết sức lạnh lùng, vô cảm từ chối với dòng chữ cuối cùng "Thông báo này chỉ thực hiện 1 lần".

Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho hay đã nhận được hồ sơ vụ việc cũng như kiến nghị từ cử tri, và đang xem xét làm văn bản kiến nghị gửi Viện KSND tối cao. Chính Phó trưởng đoàn ĐBQH Tây Ninh phải nói rằng: "Chúng tôi tiếp dân cảm thấy xót xa lắm. Chúng tôi sẽ làm hết trách nhiệm của mình, chuyển các cơ quan chức năng để thúc đẩy giải quyết nhanh vụ việc, đảm bảo quyền lợi cho người dân".

Xót xa, đáng tiếc cũng là từ của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng khi nói về vụ việc oan khuất này: "40 năm là thời gian của mấy thế hệ con người. Bản thân tôi khi tiếp cận thông tin vụ việc này cảm thấy rất đáng tiếc. Phải trả lại công bằng cho những người oan sai, để những người đã khuất được yên giấc, còn những người còn sống cũng yên tâm sống tiếp...".

Nhưng đáng tiếc, là những cán bộ xử lý vụ việc lại không có thái độ và cảm giác như thế.

Oan sai có thể xảy ra trong đời sống, những người làm oan sẽ phải trả giá (trong vụ này thì chưa), nhưng còn có thể thể tất, dù rất đau lòng và gây căm phẫn, là do trình độ thời ấy nó thế, cơ chế nó thế, vân vân và vân vân. Nhưng chính thái độ vô cảm, trốn tránh trách nhiệm của một số cán bộ đương chức có trách nhiệm xử lý vụ việc hôm nay mới gây ra làm sóng phẫn nộ trong dư luận đến như thế.

Nếu “cúi xuống” một chút chia sẻ với nỗi đau, sự mất mát không thể bù đắp của người dân, nếu thông cảm với  họ như rất nhiều những người vô danh khác thấy những mảnh đời bất hạnh trong đời sống, chìa bàn tay ra với họ, lặng lẽ quyên góp và dùng tiền, tài sản của mình giúp họ như hàng triệu người vẫn làm hàng ngày, thì có lẽ sự phẫn nộ không lên cao đến thế?

Không biết tự bao giờ, sự vô cảm, thói trốn tránh trách nhiệm, thậm chí là vô lễ với dân của một số cán bộ lại nảy nở và nhởn nhơ đến thế.

Chính sự hành xử hết sức lạnh lùng vô cảm, đến mức ông Nguyễn Thận đã phải bật khóc khi chứng kiến chủ tọa phiên tòa và Trưởng phòng Viện kiểm sát Tây Ninh hành xử trong phiên tòa đã khiến vụ này đang gây chấn động dư luận.

Những cán bộ này cần phải được xử lý nghiêm, bởi chính họ đang bôi xấu bộ máy công quyền của chúng ta hôm nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem