Xử phạt xe không giấy tờ gốc: Tất cả công bằng trước pháp luật

Hòa Nguyễn Thứ năm, ngày 13/07/2017 19:00 PM (GMT+7)
Lực lượng CSGT khẳng định xử phạt với những tài xế không xuất trình được bản gốc giấy đăng ký xe. Trong khi đó, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải đang phải sử dụng đăng ký xe có xác nhận của ngân hàng vì đã thế chấp trước đó. Sự việc đang khiến dư luận tranh cãi trong nhiều ngày qua.
Bình luận 0

Ngày 31.5.2017, Bộ Công an ký công văn số 2916 cho biết, cơ quan này khẳng định việc xử phạt vi phạm hành chính với những tài xế không xuất trình được bản gốc giấy đăng ký xe là chính xác.

Cũng theo công văn này, lực lượng chức năng không chấp nhận dùng bản sao giấy đăng ký xe có công chứng/chứng thực và xác nhận của ngân hàng.

Thông tin này đã khiến cho lái xe và nhiều doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực vận tải vô cùng hoang mang, lo lắng.

“99% xe taxi Thành Công sử dụng đăng ký của ngân hàng”

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Khương Duy – Giám đốc điều hành Công ty CP taxi Thành Công cho biết, việc lực lượng CSGT xử phạt lái xe không xuất trình được giấy tờ gốc đăng ký xe tạo ra một bất cập đối với doanh nghiệp cũng như là lái xe.

Ông Duy cho biết, hiện tại, trên địa bàn TP.Hà Nội, Công ty taxi Thành Công đang có 800 xe ô tô đang hoạt động kinh doanh (cả 4 chỗ và 7 chỗ).

img

img

Một chiếc giấy đăng ký xe sao lưu từ bản chính được ngân hàng xác nhận bản chính đang giữ tại ngân hàng của Công ty taxi Thành Công. (Ảnh: Hòa Nguyễn)

“Chúng tôi đang thế chấp khoảng 500 xe ô tô với ngân hàng. Thực tế nếu kể cả không thế chấp, chúng tôi cũng gửi giấy tờ gốc đăng ký xe ở bên ngân hàng. Vì nếu để lái xe sử dụng đăng ký khi kinh doanh sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Một là rủi do về việc đặt, cầm cố, thế chấp xe. Hai là thất lạc đăng ký, cái này quan trọng nhất. Thành thử ra 99% xe của Thành Công đều sử dụng đăng ký của ngân hàng để tránh những rủi ro trên” – ông Nguyễn Khương Duy nói.

Theo ông Duy, Công ty taxi Thành Công đã hoạt động 10 năm nay, ngay từ ban đầu cũng có phải vay vốn từ phía ngân hàng. Sau khi vay thì thế chấp tài sản bằng phương tiện xe trên và từ thời điểm đó đến nay, công ty này đều sử dụng giấy đăng ký đó.

Ông Duy cũng cho biết, trong thời gian vừa qua, thực tế phương tiện của công ty taxi Thành Công đã bị kiểm tra về giấy tờ gốc đăng ký xe. Một số lái xe đã phản ánh, mặc dù chưa bị xử lý bằng văn bản nhưng vị lãnh đạo này cảm thấy rất lo lắng.

img

Ông Nguyễn Khương Duy – Giám đốc điều hành Công ty CP Taxi Thành Công cho biết, công ty vẫn sử dụng giấy tờ đăng ký xe bản sao được ngân hàng xác nhận từ 10 năm nay. (Ảnh: H.N)

Ông Duy đề nghị, dưới góc độ quản lý doanh nghiệp, tôi mong cơ quan chức năng có một hướng dẫn cụ thể để hướng dẫn các đơn vị kinh doanh kinh doanh đúng theo quy định của pháp luật. 

"Dưới góc độ cá nhân, từ trước đến nay việc sử dụng đăng ký do ngân hàng cấp vẫn đang hoạt động bình thường, điều này cũng tạo cho doanh nghiệp dễ hơn trong công tác quản lý, kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước đưa ra những chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đơn vị kinh doanh” – Giám đốc điều hành Công ty CP taxi Thành Công kiến nghị.

Doanh nghiệp “bó tay”

Cũng đang phải thế chấp nhiều xe ô tô tại ngân hàng, ông Trịnh Hữu Hợi – Phó Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ và vận tải Tuấn Phương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, doanh nghiệp sẽ chẳng có cách nào khác là chờ sự thống nhất từ các cơ quan chức năng có liên quan.

“Phía doanh nghiệp thì không có cách gì để giải quyết hơn cả, bắt buộc giữa công an và ngân hàng phải có sự thống nhất” – ông Hợi nói.

img

img

Một bản sao giấy đăng ký xe được ngân hàng xác nhận của Công ty Tuấn Phương

Ông Hợi thông tin, hiện tại Công ty dịch vụ và vận tải Tuấn Phương đang có 17 xe ô tô và đang thế chấp ở ngân hàng 7 chiếc.

Với việc công an xử phạt lái xe không mang giấy tờ gốc của đăng ký xe, Phó Giám đốc Công ty dịch vụ và vận tải Tuấn Phương cho biết doanh nghiệp này sẽ gặp nhiều khó khăn, thiệt hại.

“Nếu lái xe bị phạt là đã thiệt hại, ảnh hưởng đến công việc của doanh nghiệp rồi. CSGT có thể thu xe, hoặc phạt thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến hành khách, công việc, doanh thu của doanh nghiệp” – ông Hợi nói.

img

Ông Trịnh Hữu Hợi – Phó Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ và vận tải Tuấn Phương cho biết, doanh nghiệp đang nóng lòng chờ sự thống nhất của các cơ quan chức năng. (Ảnh: H.N)

Vị Phó giám đốc này cũng cho biết, công ty của ông đã có vài trường hợp bị kiểm tra giấy tờ gốc đăng ký xe. Các trường hợp này đã được lực lượng chức năng nhắc nhở, chưa xử phạt.

“Chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng làm thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi hoạt động trên đường. bởi tất cả xe cộ đều đã thế chấp ngân hàng” – ông Hợi bày tỏ quan điểm.

Trước đó, ngày 24.5.2017, Ngân hàng Nhà nước cũng ra văn bản số 3851 gửi các tổ chức  tín dụng. Theo đó, các ngân hàng sau khi làm hợp đồng vay, thế chấp tài sản phải giao lại bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông, căn cứ Nghị định 163/2006 (được sửa đổi bởi Nghị định 11/2012). 

Quy định này đồng nghĩa với việc từ năm 2012 các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng, sau khi cho khách hàng vay và làm các thủ tục thế chấp xong phải trao trả cho người thế chấp giấy đăng ký xe bản gốc.

Tất cả phải công bằng trước pháp luật

Trao đổi với Dân Việt về vấn đề trên, luật sư Vũ Thái Hà – Công ty Luật TNHH You Me cho biết, mọi lái xe buộc phải tuân thủ quy định của pháp luật về giấy tờ cần phải mang theo khi tham gia giao thông.

Theo luật sư Hà, lực lượng CSGT xử phạt lái xe khi không mang theo Giấy đăng ký xe là căn cứ theo quy định của luật giao thông đường bộ và đúng quy định.

“Việc xử phạt người lái xe không mang theo giấy đăng ký xe là đúng quy định của pháp luật về giao thông đường bộ. Mọi lái xe buộc phải tuân thủ quy định của pháp luật về giấy tờ cần phải mang theo khi tham gia giao thông.

Không thể có sự phân biệt giữa xe thế chấp ngân hàng thì người lái xe được quyền mang giấy tờ phô tô có dấu của ngân hàng, còn đối với xe không thế chấp thì phải mang giấy tờ gốc” – vị luật sư nói.

Cũng theo vị luật sư của Công ty Luật TNHH You Me, mỗi bên, nhìn từ góc độ bảo vệ quyền lợi của mình, sẽ có cách lý giải và lập luận riêng. Tuy nhiên, ông Hà cho rằng, việc ngân hàng giữ giấy tờ đăng ký xe của người thế chấp là không đúng quy định của pháp luật và việc này là không cần thiết.

“Khoản 6 Điều 323 Bộ luật dân sự 2015 quy định bên nhận thế chấp có quyền giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác và Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22.2.2012, trong trường hợp tài sản thế chấp phương tiện giao thông, người thế chấp được quyền giữ giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực” – luật sư Hà dẫn chứng.

Về việc ngân hàng giữ đăng ký xe của chủ phương tiện vay thế chấp, luật sư Vũ Thái Hà phân tích, việc ngân hàng cho vay giữ giấy tờ đăng ký cũng không phải là biện pháp đảm bảo cho việc thanh toán khoản vay và đảm bảo tài sản thế chấp không bị tẩu tán.

Việc cho vay có thế chấp được thực hiện theo loại hình giao dịch bảo đảm. Tài sản đã thế chấp không thể được chuyển nhượng và trong trường hợp dùng các thủ đoạn gian dối để chuyển nhượng, giao dịch chuyển nhượng này cũng không có giá trị pháp luật.

“Để giải quyết tình trạng này, các ngân hàng cho vay phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật và công văn số 3851/NHNN-PC của Ngân hàng Nhà nước ngày 24 tháng 05 năm 2017 về việc về việc khách hàng thế chấp phương tiện giao thông.

Bên cạnh đó, người đi vay cũng nên cân nhắc việc vay hay không vay của những ngân hàng có yêu cầu người vay phải để ngân hàng cho vay giữ giấy tờ đăng ký phương tiện của mình để tránh việc vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ” – ông Hà nêu quan điểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem