Sau khi vị đại diện Viện KS trình bày xong bản cáo trạng, HĐXX tiến hành thẩm vấn bị cáo Vũ Đức Thuận - nguyên Tổng giám đốc PVC.
Trước khi Vũ Đức Thuận khai, hai bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh bị đưa sang phòng cách ly.
Theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Vũ Đức Thuận là người ký hợp đồng EPC số 33 trái quy định để nhận tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỷ đồng trái quy định và tham gia quyết định việc sử dụng gần 1.116 tỷ đồng tiền tạm ứng trên.
Khi HĐXX hỏi về số tiền tạm ứng thế nào, bị cáo Thuận nói không nhớ, bị cáo đã khai tại cơ quan điều tra.
“Việc sử dụng số tiền tạm ứng thế nào?”, thẩm phán Trương Việt Toàn hỏi.
“Thời điểm đó PVC khó khăn tài chính, cần trả gốc, lãi ngân hàng và chuyển tiền cho các dự án khác của PVC”, bị cáo Thuận nói và cho biết mỗi lần nhận tiền tạm ứng, Kế toán trưởng báo cáo xin ý kiến HĐQT, Tổng giám đốc. HĐQT và Tổng giám đốc của PVC đồng ý dùng khoản tiền đó trả nợ gốc và lãi ngân hàng, rồi đầu tư vào các đơn vị khác của PVC.
Bị cáo Vũ Đức Thuận khai trước tòa.
Vẫn theo bị cáo Thuận, trong khoản tiền nhận tạm ứng, PVC có sử dụng trực tiếp vào dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 khoảng 200 tỷ đồng cho các đơn vị thi công thực hiện.
“Tại sao lại sử dụng tiền sai mục đích?”, thẩm phán Trương Việt Toàn hỏi tiếp. Bị cáo Thuận đáp: “Do áp lực trả nợ ngân hàng, lúc đó đã đến thời hạn phải trả nợ”.
Thẩm phán Toàn hỏi tiếp việc góp vốn vào các đơn vị khác có thông qua HĐQT không, có được sự chỉ đạo trực tiếp từ Trịnh Xuân Thanh không? Bị cáo Thuận trả lời: “Có”.
“Quá trình làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo biết lỗi, bị cáo đã khai”, bị cáo Thuận nói.
Sau bị cáo Thuận, trả lời trước tòa, bị cáo Nguyễn Ngọc Quý - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT của PVC - cũng nói sau này mới biết việc chi khoản tiền tạm ứng như thế là sai.
Bị cáo Nguyễn Mạnh Tiến - nguyên Phó Tổng giám đốc PVC - trả lời trước tòa cũng nói việc xin tiền tạm ứng để thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 nhưng lãnh đạo PVC thời điểm đó lại sử dụng vào việc khác là sai. “Đến nay bị cáo nhận thức hành vi đó là sai, góp phần vào thiệt hại tài sản của Nhà nước”, bị cáo Tiến nói.
Vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) có 22 bị cáo.
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, bị cáo Đinh La Thăng trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định.
Sau đó, bị cáo Đinh La Thăng chỉ đạo cấp dưới tại PVN căn cứ hợp đồng này tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỷ đồng cho PVC để các bị can tại PVC sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng sai mục đích, trái quy định gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số hơn gần 120 tỷ đồng.
Với hành vi nêu trên, bị cáo Đinh La Thăng bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo khoản 3 Điều 165 Bộ luật Hình sự. Tội phạm và hình phạt được quy định: Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Trong quá trình điều tra, ông Thăng thừa nhận có sai phạm trong việc chỉ đạo thực hiện dự án với tư cách là người đứng đầu PVN. Đồng phạm với bị cáo Thăng về hành vi này có 13 bị cáo.
Cáo trạng của Viện KSND Tối cao cũng xác định, Trịnh Xuân Thanh đã đề ra chủ trương cùng bị cáo Vũ Đức Thuận chỉ đạo Nguyễn Anh Minh - nguyên Phó Tổng giám đốc PVC và Lương Văn Hòa - nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch thuộc PVC lập khống hồ sơ rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân, trong đó Trịnh Xuân Thanh được ăn chia 4 tỷ đồng. Bị cáo Thanh cũng phải chịu trách nhiệm cùng Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh, Bùi Mạnh Hiển trong việc sử dụng chung khoản tiền 1,5 tỷ đồng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.