Xuân Bắc: Sự lảng tránh làm hại sân khấu kịch

Thứ bảy, ngày 04/08/2012 06:20 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vừa trở về từ Huế - nơi lần đầu nhận giải Đạo diễn trẻ xuất sắc nhất, Xuân Bắc đã chia sẻ với Dân Việt rất nhiều suy nghĩ tâm huyết về sân khấu kịch hôm nay.
Bình luận 0

Khi biết mình là người duy nhất được nhận giải cá nhân cho vị trí đạo diễn tại Liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2012 tại Huế hôm 28.7 vừa rồi, anh có bất ngờ không?

img

- Nếu Ban giám khảo trao cho tôi giải Đạo diễn xuất sắc nhất thì tôi sẽ rất bất ngờ, nhưng đây là giải Đạo diễn trẻ xuất sắc nhất nên nói chung, tôi cũng không bị “sốc”. Tôi nghĩ Ban giám khảo ở liên hoan lần này đã có một cách nhìn nhận rất cởi mở, rất mới và khích lệ tinh thần sáng tạo của anh em nghệ sĩ.

Với việc trao giải cho vở “Chúa nhẫn và những chiến binh vũ trụ” mà tôi làm đạo diễn, liên hoan đã công nhận một điều: kịch cho thiếu nhi là kịch thực sự, bình đẳng với “kịch người lớn”, có vị trí xứng đáng.

“Tôi nghĩ đừng bao giờ lảng tránh hiện thực cuộc sống. Cũng như khi khán giả đang quan tâm đến chuyện A, chúng ta không dám diễn về A mà cứ đi vòng vòng B, C, D... Thế thì mục đích của vở diễn là để làm gì?”- nghệ sĩ Xuân Bắc.

Nhiều người ngạc nhiên bảo, Xuân Bắc học đạo diễn từ bao giờ mà nay lại được giải?

- Ồ, thế thì tôi cũng ngạc nhiên không kém họ, bởi tôi quan niệm trường học ở bất cứ nơi đâu trong cuộc sống chứ không phải chỉ đơn giản là một nơi để cấp bằng cho bạn. Tôi học từ cuộc sống, từ những đạo diễn bậc thầy mà tôi từng tiếp xúc như NSND Doãn Hoàng Giang, hay các đạo diễn tài danh khác như NSND Lê Hùng, đạo diễn Lê Đức Tiến, Bùi Thạc Chuyên, Đỗ Thanh Hải, Quốc Trọng... hay các bậc đàn anh trong nghề như NSƯT Chí Trung, NSƯT Anh Tú... Ngoài ra, tôi nghĩ mình đã chuẩn bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về nghệ thuật sân khấu để cho công việc này.

Qua đợt liên hoan lần này, có ý kiến cho rằng tương lai của sân khấu vẫn chưa sáng rõ hơn, hết liên hoan, mọi thứ lại trở về như cũ với một câu hỏi “làm sao để sân khấu kịch lấy lại vị thế của mình”. Anh nghĩ thế nào về điều này?

- Với câu hỏi làm sao để kịch trở lại thời hoàng kim, tôi không có câu trả lời, bởi đã có rất nhiều hội thảo với những nhà quản lý, những đạo diễn hàng đầu tham gia mà vẫn chưa tìm ra đáp án. Tôi nghĩ không thể một sớm một chiều mà giải quyết được, nhưng cái mà tôi thấy rõ nhất là hình như sân khấu kịch phía Bắc đang rất thiếu tính mục đích, hoặc nếu có tính mục đích thì lại thiếu sự phù hợp với thời đại.

Chẳng hạn đang trong thời điểm tất cả mọi người quan tâm tới Olympic thì mình lại mang chuyện nhân giống cây trồng ra để nói, thế thì ai người ta muốn xem mình diễn đây? Một cố tật nữa là bản thân trong mỗi vở diễn đã có sẵn bài học rồi, nó thể hiện ở vẻ đẹp của nghệ thuật và tính nhân văn trong tư tưởng, chúng ta không cần có “bài học trong bài học” nữa.

Một câu chuyện khá nóng trước và trong liên hoan là sự khác nhau một trời một vực giữa các nhà hát công lập và kịch xã hội hóa, bản thân vở diễn của anh cũng là một vở xã hội hóa, anh có thể nói gì về điều này?

- Tôi chỉ nói ngắn gọn thôi: Khi nhặt được tiền thì bạn tiêu pha kiểu khác, còn với những đồng tiền tự tay mình kiếm được, bạn sẽ tiêu kiểu khác.

Vậy có phải anh ủng hộ chủ trương chúng ta nên xã hội hóa hoàn toàn sân khấu kịch?

- Xã hội hóa hay không là đường lối của các nhà quản lý, chắc chắn họ phải cân nhắc rất kỹ rồi nên tôi không dám bàn đến, mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau thì chúng ta phải có những loại hình hoạt động khác nhau.

Việc xã hội hóa bản thân tôi không thể quyết định được, cũng không dám khẳng định nếu xã hội hóa thì kịch sẽ hay hơn, sẽ thoát khỏi tình trạng hiện nay nhưng hiện giờ, tôi cũng chẳng thấy có cách nào hay hơn là cách đó. Tuy nhiên tôi nghĩ, dù có xã hội hóa tất tần tật thì chúng ta cũng không thể buông lỏng quản lý, nếu không sẽ lợi bất cập hại.

Trong liên hoan, anh ấn tượng nhất với vở diễn nào của đồng nghiệp?

- Có nhiều vở tôi ấn tượng, nhưng nhất thì có lẽ là vở “Làm...” của sân khấu kịch Phú Nhuận mặc dù cái tên làm tôi thấy… tức anh ách. Tôi được biết chủ trương đổi tên vở diễn “Làm đĩ” thành “Làm…” không phải của NSND Hồng Vân, mà có một sự chỉ đạo. Tôi thấy khó hiểu vô cùng, đó là một vở kịch chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Vũ Trọng Phụng và đã có chỗ đứng từ nhiều thập kỷ nay.

Tại sao chúng ta phải né tránh chữ “đĩ” trong tên tác phẩm, nó có gì tội lỗi không? Hoàn toàn không, chính những sự lảng tránh như vậy đang làm hại sân khấu kịch bởi chỉ có một từ rất đơn giản chúng ta cũng không dám gọi. Tôi có nói vui với chị Hồng Vân, chị nên đổi tên vở thành “Đì lãm”- chuyển thể từ tác phẩm “Làm đĩ”, thế là chẳng mếch lòng ai.

Khi Tự Long được nhận danh hiệu NSƯT, nhiều người cũng thấy tiếc cho anh vì anh vắng mặt trong danh sách, anh chưa đủ huy chương hay sao?

- Từ trước tới nay, tôi chưa nghĩ tới chuyện làm hồ sơ, thống kê số huy chương, giải thưởng, bằng khen để xin xét tặng danh hiệu. Không phải tôi chê danh hiệu, danh hiệu rất đáng trân trọng, Tự Long hết sức xứng đáng với danh hiệu này, chỉ có điều tôi nghĩ là chưa đến lúc để mình làm việc đó.

Tôi giờ đang không làm vì danh hiệu, giải thưởng, mà đang làm nghệ thuật để kiếm tiền nuôi con, mua ba lô cặp sách, mua sữa cho chúng. Tất nhiên, đến một lúc nào đó, tôi sẽ nghĩ tới chuyện làm hồ sơ xin xét tặng danh hiệu cho mình, nhưng lúc ấy, quy chế xét tặng danh hiệu nó phải khác so với bây giờ.

Sau đây, anh sẽ tiếp tục làm kịch cho thiếu nhi, mặc dù không phải lúc nào anh cũng thắng?

- Đúng là về khía cạnh kinh tế, làm kịch cho thiếu nhi không phải lúc nào cũng thắng, nhưng tôi vẫn quyết tâm làm, và sẽ làm mãi. Tôi làm để thỏa mãn khát vọng làm nghề của mình, vì trẻ con đang quá thiếu chỗ chơi. Và sâu xa hơn, tôi làm để khoảng 20 năm nữa, chúng ta sẽ có một thế hệ khán giả trẻ hiểu kịch, yêu kịch và biết xem kịch. 20 năm nay, ở miền Bắc, chúng ta đã bị đứt quãng một thế hệ khán giả ấy, và tôi cũng chẳng dám đổ lỗi cho ai.

Xin cảm ơn anh!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem