Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, thị trường lúa gạo trong nước hiện có phần yên ắng, giá lúa cao khiến doanh nghiệp khó mua vào, việc tìm kiếm thêm các hợp đồng mới do đó cũng khó khăn hơn.
Bà Trần Thu Ba, đại diện Doanh nghiệp tư nhân Tấn Tài (huyện Cái Bè, Tiền Giang) thông tin, gần 2 tuần qua, sau kì dự thầu 250.000 tấn gạo không thành công tại Philippines hồi 22.5 vừa qua, thị trường lúa gạo trong nước bắt đầu có dấu hiệu chững lại.
Việc mua bán giữa các doanh nghiệp, nhà máy xay xát và nông dân bán lúa ra cũng có phần chậm lại. Trong khi đó, giá lúa, gạo đã giảm từ 200 – 250 đồng/kg, tùy loại. Cụ thể, nếu lúa tươi IR50404 hồi cuối tháng 5 được thương lái mua với giá 5.850 đồng/kg thì nay, giá tại ruộng chỉ còn khoảng 5.500 – 5.600 đồng/kg.
Giá lúa gạo vụ hè thu hiện đã giảm 200 - 250 đồng/kg, tùy loại.
Tại doanh nghiệp tư nhân Tấn Tài, gạo thơm nguyên liệu thu hoạch trong vụ đông xuân được mua với giá 9.600 – 9.700 đồng/kg, giảm 100 – 200 đồng/kg so với 10 ngày trước. Còn đối với gạo thường, hạt dài, đẹp từ vụ đông xuân cũng chỉ còn ở mức giá 9.000 đồng/kg trong khi giá gạo hè thu chỉ có giá 8.500 – 8.600 đồng/kg.
“Gạo đông xuân hiện còn rất ít, chỉ một số hộ có điều kiện, khả năng tạm trữ thì nay họ sẽ bán ra, giá có cao hơn chút đỉnh nhưng bù lại, hao hụt và chi phí bảo quản cũng bằng huề. Trong khi gạo hè thu chất lượng không bằng gạo đông xuân nên giá luôn thấp hơn”, bà Ba nhận định.
Còn với gạo thành phẩm 5% loại gạo thơm, hiện có giá khoảng 12.000 đồng/kg, gạo hạt dài có giá dao động từ 10.600 – 11.000 đồng/kg, tùy thuộc vào công nghệ xay xát và đánh bóng sản phẩm…
Bà Ba cũng nhận định, dù giá gạo có giảm hơn so với hồi cuối tháng 5 nhưng đây vẫn là mức giá cao khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc mua bán và tìm kiếm thêm các hợp đồng mới. Hoạt động kinh doanh lúa gạo trong nước do đó cũng có phần chững lại.
Còn theo ông Phạm Thái Bình, Giám đốc CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, giá lúa gạo ở mức cao trong khi nguồn vốn của doanh nghiệp hiện không được mạnh đã dẫn tới tình trạng tranh nhau bán ra. Mục đích là để thu hồi vốn, đáo nợ ngân hàng hoặc trả tiền lúa cho nông dân.
Dẫn chứng cho tình trạng này, ông Bình ví dụ, vừa rồi, có 3 doanh nghiệp Việt Nam cùng tham gia đấu thầu 1 gói thầu của Hàn Quốc với mức 70.000 tấn gạo lức Japonica. Nếu có đủ vốn, doanh nghiệp có thể đấu giá lên tới 750 USD/tấn gạo, hoặc ít nhất phải đạt 700 USD/tấn.
Trong khi nhiều ý kiến cho rằng, tiềm lực tài chính của doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện còn yếu khiến áp lực bán ra càng lớn hơn. Ảnh: Thuận Hải
Tuy nhiên, do áp lực thời gian, buộc lòng ông Bình phải bỏ thầu 10.000 tấn gạo với giá bán 684 USD/tấn. Mục đích phải trúng thầu đợt này để đến ngày 30.6 giao gạo cho xong, tháng 7 có tiền chuyển về để trả nợ ngân hàng và giải quyết công việc đã lên lịch. Các doanh nghiệp khác có thể bỏ thầu thấp hơn nữa chỉ vào khoảng 630 USD/tấn!
“Chúng tôi không phải doanh nghiệp quá yếu nhưng trong một thời gian ngắn, gói thầu trị giá khoảng 130 tỷ đồng cũng khiến chúng tôi phải canh cánh lo âu, xoay sở để có tiền. Các doanh nghiệp nhỏ hơn thì càng khó khăn hơn nữa”, ông Bình phân tích.
Theo ông Bình, nếu các doanh nghiệp không tranh nhau bán hàng mà để lúa lại, chỉ sau khoảng 2-3 tháng nữa, giá gạo xuất khẩu có thể tăng tới 30USD - 40USD/tấn gạo. Lúc này, nếu doanh nghiệp trúng thầu được với giá cao hơn, lợi nhuận thu về sẽ tăng và giá mua vào của nông dân lúc này cũng sẽ khá hơn nữa.
“Việt Nam có đủ các yếu tố để phát triển ngành hàng lúa gạo nhưng tiềm lực tài chính của doanh nghiệp thì còn khá yếu, nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ để doanh nghiệp vay đủ nguồn vốn họ cần, với mức lãi như bình thường là cũng đã tốt lắm rồi, không cần ưu đãi về lãi suất”, ông Bình cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.