Xuất khẩu gạo từ nay đến giáp Tết Nguyên đán: Chưa thấy khả quan!

Nguyễn Phương Thứ ba, ngày 18/11/2014 07:13 AM (GMT+7)
Xuất khẩu gạo của Việt Nam tháng 10-11 đã tăng trở lại song chưa thể nói xuất khẩu gạo từ nay đến giáp Tết Nguyên đán sẽ khả quan hơn…
Bình luận 0

“Ấm” ở thị trường truyền thống…

Theo nhận định của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thị trường xuất khẩu (XK) gạo từ nay đến cuối năm có nhiều dấu hiệu tích cực và nhu cầu từ các nước nhập khẩu tăng lên. Cụ thể Philippines đang có nhu cầu nhập 500.000 tấn gạo, giao hàng đến tháng 12 và có khả năng sẽ nhập thêm. Indonesia cũng có nhu cầu nhập khẩu 400.000 - 500.000 tấn gạo từ nay đến cuối năm. Trong đó, nước này đã ký mua 175.000 tấn gạo và đang giao dịch tiếp để nhập khẩu.

imgTình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam đang phụ thuộc nhu cầu từ các nước Đông Nam Á.  T.L

 

Malaysia đang chờ thực hiện các hợp đồng đã ký và thông thường nhu cầu sẽ trở lại vào cuối năm để thực hiện kế hoạch nhập khẩu cho năm sau. Việt Nam cũng mới chỉ ký hợp đồng cung cấp cho phía Philippines 200.000 tấn gạo 25% tấm; cung cấp cho phía Indonesia 200.000 tấn gạo (trong đó 50.000 tấn gạo 5% tấm và 150.000 tấn gạo 15% tấm), giao hàng đến tháng 12. Đến thời điểm này, số lượng hợp đồng chưa được thực hiện vẫn còn nhiều, chủ yếu là XK sang Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Indonesia... Cân đối nguồn cung sản xuất trong nước đến cuối năm, Việt Nam có thể XK đạt 6,3 triệu tấn gạo (không bao gồm lượng gạo xuất qua biên giới).

Theo chuyên gia kinh tế lúa gạo Phạm Đình Bích, thị trường gạo thế giới đang có chiều hướng tích cực với nhu cầu tăng từ các nước Đông Nam Á, kết hợp với nguồn cung cấp hạn chế vào thời gian giáp vụ mùa nên giữ giá thị trường ổn định ở mức cao. Nhu cầu nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á đang quyết định xu hướng thị trường từ nay đến cuối năm.

Mặc dù hiện tại giá lúa, gạo trong nước không còn đứng ở mức cao nhưng Tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công Thương) mới đây cũng dự báo nhu cầu lúa gạo cho XK sẽ tăng vào thời điểm giáp hạt vì vụ hè thu cơ bản đã thu hoạch xong, nguồn cung cấp không còn nhiều và mức tồn kho thấp, trong khi nhu cầu XK cho các tháng cuối năm thường tăng mạnh.

Cạnh tranh sẽ gay gắt…

Mặc dù có những thuận lợi ở thị trường truyền thống nhờ nhu cầu tăng lên, song các chuyên gia cũng cảnh báo, XK gạo từ nay tới cuối năm và giáp Tết Nguyên đán sẽ bị cạnh tranh gay gắt từ các nguồn cung cấp gạo trên thế giới. Nguyên nhân là do sự quay lại thị trường của Thái Lan, dự trữ ngày càng tăng của Ấn Độ, Myanmar, Pakistan và Campuchia.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng, hiện Thái Lan vẫn đang dẫn đầu tiến độ XK gạo và hướng tới mục tiêu xuất khẩu 11 triệu tấn trong năm 2014. Bởi vậy, gạo Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt với gạo Thái Lan. Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam đang loay hoay để bán gạo dự trữ nhằm cân bằng XK trong những tháng cuối năm thì các nhà XK Thái Lan đã tập trung giành lấy các thị trường Malaysia, Indonesia, Trung Quốc, Philippines, và cả châu Phi. Thời gian tới Pakistan, Campuchia và Myanmar cũng có thể tăng cung cấp do lượng gạo sản xuất tăng. Trong khi đó, sản xuất gạo của Ấn Độ có thể thấp do lượng mưa kém, nhưng chính phủ nước này không có bất kỳ động thái nào hạn chế việc XK gạo.

Chưa kể, theo ông Nguyễn Đình Bích, việc XK gạo của ta chỉ tập trung vào các thị trường lớn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro trong thời gian tới. Tỷ trọng về lượng gạo xuất khẩu sang bốn thị trường chủ yếu khu vực châu Á gồm Trung Quốc, Philippines, Indonesia và Malaysia năm 2009 mới chỉ đạt 39%, năm 2013 đã tăng rất mạnh lên 49,7%, và 8 tháng đầu năm nay tiếp tục tăng lên 65,5%. Điều này cho thấy việc duy trì đẩy mạnh XK gạo sang những thị trường khác trước đây đã không được làm tốt. Ông Bích lưu ý, thực tế cho thấy, việc nhập khẩu gạo của Philippines và Indonesia trong mấy năm gần đây rất thất thường, khó dự báo cho XK gạo của Việt Nam.

Hiện thị trường Trung Quốc đang bị hai cường quốc xuất khẩu gạo lăm le giành giật là Thái Lan và Ấn Độ. XK gạo qua đường tiểu ngạch của ta lại đang có sự quản lý chặt chẽ nên sẽ khó có việc các doanh nghiệp, tư thương dễ dàng xuất gạo qua đường này tới đây. Đến nay, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng không thống kê được lượng gạo đã xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Thực tế, theo các nguồn phân tích, Trung Quốc không thiếu gạo mà còn thừa lương thực (gạo, lúa mì và ngô) do chính sách hỗ trợ nông dân, kích thích sản xuất nhằm bảo đảm tự túc lương thực ở mức cao, tối thiểu 95% nhu cầu (thực tế Trung Quốc đang đạt đến 98% nhu cầu và tồn kho vượt mức). Vấn đề của Trung Quốc là do chính sách trợ cấp nên giá thành quá cao so với giá nhập khẩu, từ đó kích thích hoạt động nhập khẩu của tư nhân do chênh lệch giá.

 Tại hội nghị triển khai sản xuất vụ đông xuân 2014-2015 mới đây, ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch  VFA cho biết, Thái Lan đang thu hoạch vụ chính (tháng 11). Chính phủ nước này đang triển khai nhiều biện pháp nhằm chiếm lại các thị trường truyền thống và sẵn sàng bán giá thấp cả đối với gạo tồn kho vụ cũ và gạo mới. Vì thế áp lực cạnh tranh đối với gạo Việt Nam sẽ rất gay gắt. Ngoài ra, hạn mức nhập khẩu gạo trong năm 2015 chưa được cơ quan lương thực của Philippines công bố, nhưng chắc chắn muốn bán gạo vào thị trường này các tháng đầu năm 2015, các doanh nghiệp của ta sẽ phải cạnh tranh bắt kịp động thái của các nhà xuất khẩu Thái Lan, Ấn Độ...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem