Trợ lực để phát triển nghề nuôi chim yến: Rủi ro xây nhà dụ yến tự phát (Bài 2)

Trần Khánh Thứ năm, ngày 04/07/2024 07:18 AM (GMT+7)
Thiếu quy hoạch vùng nuôi, xây dựng nhà nuôi yến tự phát, chưa được đăng ký mã số nhà yến để xuất khẩu yến sào... khiến việc khai thác "mỏ vàng trắng" vẫn còn đầy rủi ro.
Bình luận 0

Yến sào Cần Giờ đi trước nhưng về sau

Với diện tích rừng ngập mặn lớn, môi trường trong lành và khí hậu ôn hoà, huyện Cần Giờ (TP.HCM) là ngôi nhà tự nhiên lý tưởng, mang đến nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào và chất lượng cho chim yến phát triển.

Thế nhưng đến nay, quy định vùng nuôi chim yến đang xây dựng, vẫn chưa ban hành. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, phần lớn nhà nuôi chim yến làm theo hướng xin phép xây dựng nhà ở rồi tự chuyển công năng sang nhà nuôi yến.

Một nhà nuôi chim yến ở huyện Cần Giờ. Ảnh: Trần Khánh

Một nhà nuôi chim yến ở huyện Cần Giờ. Ảnh: Trần Khánh

Huyện Cần Giờ có khoảng 545 nhà yến. Trong đó, số nhà yến chuyên dụng chỉ chiếm 23,1%; còn lại 76,9% nhà nuôi yến kết hợp với nhà ở. Việc xây dựng tự phát thời gian qua gây mất trật tự trong xây dựng, ảnh hưởng chung đến mỹ quan đô thị.

Tiêu chuẩn Việt Nam, Quy chuẩn kỹ thuật về nuôi chim yến; quy định mẫu chuẩn về nhà chuyên dụng nuôi chim yến hiện chưa có cũng gây khó khăn trong công tác quản lý tại địa phương.

Nghề nuôi chim yến và khai thác tổ yến ở Cần Giờ đã bắt đầu từ năm 2008. Có thể nói, Cần Giờ đi trước nhưng về sau so với nhiều tỉnh thành bởi việc xây dựng thương hiệu yến sào Cần Giờ chưa thật sự mang tính đặc trưng.

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, Cần Giờ quên mất câu chuyện xây dựng thương hiệu riêng. Vì thế, dù được đánh giá có hàm lượng dinh dưỡng cao nhưng ít người biết đến yến Cần Giờ.

Một trong những thách thức của ngành nuôi yến Cần Giờ hiện nay là phần lớn chỉ sản xuất và bán tổ yến thô, sơ chế qua các thương nhân, hoặc bán trực tiếp tại chỗ. Trong khi đó, giá trị của việc bán những sản phẩm yến chế biến sâu cao gấp 10-13 lần so với việc bán yến thô.

Thị trường tiêu thụ yến Cần Giờ chủ yếu là trong nước, chưa tiếp cận được thị trường xuất khẩu nước nước ngoài. Ảnh: Trần Khánh

Thị trường tiêu thụ yến Cần Giờ chủ yếu là trong nước, chưa tiếp cận được thị trường xuất khẩu. Ảnh: Trần Khánh

Việc xuất bán sản phẩm còn ở dạng nhỏ lẻ, tiêu thụ chủ yếu vẫn là trong nước, chưa có thương hiệu lớn trên thị trường nên giá trị sản phẩm thu về chưa cao.

Theo Sở NNPTNT TP.Hồ Chí Minh, thành phố đang triển khai Nghị định thư về xuất khẩu tổ yến từ Việt Nam sang Trung Quốc; và đang chờ Bộ NNPTNT có hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, thủ tục để có thể đưa sản phẩm tổ yến của Việt Nam ra nước ngoài.

Sở NNPTNT TP.HCM đề xuất Bộ NNPTNT sớm ban hành hướng dẫn về đăng ký và cấp mã số cơ sở nuôi chim yến để người nuôi chim yến có thể hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục xuất khẩu tổ yến.

Chờ đợi hướng dẫn đăng ký mã số nhà yến

Nghề nuôi yến với số lượng nhà yến ở tỉnh Long An phát triển rất nhanh qua các năm gần đây. Năm 2020, tỉnh Long An có 533 nhà yến. Đến cuối năm 2023, tổng số nhà yến đã tăng lên 1.174 nhà, cao gấp đôi so với năm 2020. Với tổng đàn ước hơn 300.240 con, sản lượng tổ yến thu hoạch hằng năm khoảng 3 tấn/năm. 

Bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Long An cho biết, tỉnh có khả năng tham gia xuất khẩu sản phẩm từ yến là rất cao. Tuy nhiên, Long An chưa có doanh nghiệp nào được cấp phép xuất khẩu đối với các sản phẩm từ yến. Các nhà yến trong tỉnh chủ yếu bán sản phẩm ở thị trường nội địa; hoặc liên kết, bán nguyên liệu cho các doanh nghiệp khác xuất khẩu sang Trung Quốc.

Sản phẩm yến sào của một doanh nghiệp tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Trần Khánh

Sản phẩm yến sào của một doanh nghiệp tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Trần Khánh

Tỉnh Ninh Thuận có 594 nhà nuôi chim yến. Sản lượng tổ yến năm 2023 đạt khoảng 3.050 tấn, tăng 3% so cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, nghề chăn nuôi gia cầm nói chung tại Ninh Thuận chủ yếu là nhỏ lẻ. Ninh Thuận cũng chưa có doanh nghiệp đủ mạnh tham gia việc xuất khẩu sản phẩm động vật.

Thêm nữa, việc xuất khẩu chính ngạch tổ yến cần thực hiện đúng theo yêu cầu của các nước nhập khẩu. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận, các tổ chức tham gia xuất khẩu triển khai còn gặp nhiều khó khăn về các hồ sơ, thủ tục pháp lý, và các điều kiện cơ sở nhằm đáp ứng theo yêu cầu quy định.

Tỉnh Tiền Giang có 1.720 nhà yến, hiện đứng hàng thứ 3 cả nước, chỉ sau Kiên Giang và Bình Định. Tổ yến là sản phẩm chủ lực của tỉnh với sản lượng tổ yến bình quân hàng năm khoảng 19 tấn.

Các cơ sở nuôi yến tập trung chủ yếu tại các huyện, thị ở phía Đông. Gần đây, các cơ sở nuôi chim yến phát triển nhanh tại các huyện phía Tây. Tuy nhiên, số lượng cơ sở nuôi chim yến có khai thác tổ yến ở khu vực này chỉ đạt hơn 50%.

Tỉnh Tiền Giang có 1.720 nhà yến, hiện đứng hàng thứ 3 cả nước. Ảnh: Trần Khánh

Tỉnh Tiền Giang có 1.720 nhà yến, hiện đứng hàng thứ 3 cả nước. Ảnh: Trần Khánh

UBND tỉnh đã phê duyệt đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp tỉnh năm 2024-2025. Đề tài nhằm xây dựng giải pháp kỹ thuật để nâng cấp sản phẩm tổ yến, đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu chính ngạch sản sang thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tiền Giang cho biết, khó khăn hiện nay là vẫn chưa có văn bản hướng dẫn về đăng ký mã số nhà yến. Vì thế, Tiền Giang đề nghị Bộ NNPTNT sớm có hướng dẫn về đăng ký mã số nhà yến, tạo điều kiện để phục vụ công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem