Nuôi loài chim tiền tỷ, nhiều nông dân ở Bình Phước, TP.HCM trở thành tỷ phú
Trợ lực để phát triển nghề nuôi chim yến: Muôn kiểu khai thác "mỏ vàng trắng" (Bài 1)
Trần Khánh
Thứ tư, ngày 03/07/2024 12:54 PM (GMT+7)
Nghề nuôi yến được ví như khai thác "mỏ vàng trắng" bởi mang lại nguồn thu nhập rất tốt cho hộ nuôi. Chính vì vậy, nhiều cá nhân, tổ chức tìm mọi cách đào "mỏ vàng trắng" này.
LTS. Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc được ký kết giữa Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ NNPTNT Việt Nam đã mở ra cơ hội lớn cho nghề nuôi yến. Cuối năm 2023, những lô tổ yến đầu tiên của Việt Nam đã được xuất khẩu sang Trung Quốc theo Nghị định thư này.
Để phát huy hiệu quả nghề nuôi yến, các tổ chức, cá nhân gây nuôi, xuất khẩu tổ yến đã và đang nhận được nhiều hỗ trợ thuận lợi từ các sở ngành địa phương. Tuy nhiên, việc chưa đồng nhất về cơ chế quản lý vẫn tạo ra nhiều rủi ro tiềm ẩn cho ngành yến sào Việt Nam. Từ thực tế này, báo điện tử Dân Việt khởi đăng loạt bài: "Trợ lực để phát triển nghề nuôi chim yến" nhằm ghi nhận những đề xuất, giải pháp nhằm phát triển bền vững nghề nuôi chim yến ở Việt Nam.
Xây dựng cộng đồng yến sào Bình Phước
Ông Trần Văn Vinh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Phước cho biết, địa phương có điều kiện thuận lợi cho đàn chim yến phát triển. Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.400 nhà dẫn dụ nuôi chim yến, với tổng đàn hơn 400.000 con. Sản lượng khai thác trung bình của mỗi nhà yến khoảng 4kg/tháng.
Tuy nhiên, hoạt động nuôi chim yến ở Bình Phước theo kiểu tự phát khiến cho yến sào Bình Phước phát triển không bền vững. Tháng 4 vừa qua, Hội Nông dân tỉnh và Hiệp hội Yến sào Việt Nam thực hiện chương trình phối hợp hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình nuôi chim yến và ngành công nghiệp yến sào.
Điểm nhấn trong chương trình là việc ra mắt Câu lạc bộ Nông dân nuôi chim yến. Câu lạc bộ được thành lập trên cơ sở tập hợp các cá nhân, tổ chức gây nuôi, kinh doanh sản phẩm từ chim yến; hướng tới xây dựng thương hiệu yến Bình Phước không pha trộn, đảm bảo chất lượng tốt cung cấp ra thị trường.
Ông Trần Tuấn Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân nuôi chim yến cho biết, để hướng tới mục tiêu xuất khẩu thì nguồn lực của một người là không đủ.
Câu lạc bộ sẽ xúc tiến cho hội viên tham quan các nhà máy và các công ty đã được cấp mã code xuất khẩu. Từ đó, Câu lạc bộ phối hợp với công ty cấp lại mã định danh cho từng hộ nuôi yến. Hai bên sẽ ký biên bản ghi nhớ để công ty mua lại tổ yến từ nông dân nuôi yến.
Bước đầu, Câu lạc bộ có 45 thành viên. "Đây sẽ là mái nhà chung của các hộ nuôi yến, các HTX và doanh nghiệp, hướng tới 1 cộng đồng yến sào Bình Phước", ông Tuấn Anh nói.
Trong chuyến khảo sát, xúc tiến thương mại nông sản Bình Phước mới đây, Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đánh giá cao tiềm năng của ngành yến sào Việt Nam nói chung, và tỉnh Bình Phước nói riêng.
Ông Wu Shao Wei – Chủ tịch Hiệp hội xuất nhập khẩu tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) cho biết, chuyến đi này sẽ giúp mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu cho yến sào Bình Phước trong thời gian tới.
Hiệp hội cũng góp ý, nông dân nuôi yến và các doanh nghiệp cần chuẩn hóa quy trình chế biến, cải tiến bao bì sản phẩm để không chỉ cung ứng cho thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.
Nghề nuôi yến góp phần phát triển kinh tế nông thôn
Từ năm 2012, bà Tăng Thị Hằng là người tiên phong đưa mô hình nuôi chim yến về huyện Phú Giáo (Bình Dương). Lúc đầu, nhiều người can ngăn vì không tin tưởng vào hiệu quả mô hình này. Bà vẫn quyết tâm đi các nơi học hỏi kinh nghiệm nuôi chim yến.
Bà Hằng mua lại một căn nhà cấp 4 để cải tạo thành nhà nuôi yến. Khí hậu và thổ những ở huyện Phú Giáo tạo ra nguồn thức ăn phong phú. Chim yến kéo về ngày càng nhiều. Sau 3 năm, yến bắt đầu cho thu hoạch. Đến nay, bà có tổng cộng 3 nhà yến với diện tích 1.600m2.
Với diện tích hiện tại, mỗi tháng cơ sở của bà Hằng thu khoảng 15kg tổ yến thô, với giá dao động 20 - 22 triệu đồng/kg.
Mỗi năm, doanh thu từ tổ yến thô của cơ sở đạt khoảng 3 tỷ đồng. Cơ sở nuôi yến của bà Hằng giải quyết việc làm ổn định cho nhiều công nhân, với mức lương khoảng 10 triệu đồng/người/tháng, cùng các chế độ phúc lợi xã hội khác.
Bà Trần Thị Lan Anh - Giám đốc Công ty TNHH Yến Đảo Cần Giờ (TP.HCM) cho biết, vừa qua công ty đã hợp tác cùng Trường Đại học Công thương TP.HCM nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm yến sào mang thương hiệu Cần Giờ.
Theo bà Lan, yến Cần Giờ được các chuyên gia đánh giá là có chất lượng tốt, xanh sạch. Trường Đại học Công thương TP.HCM cung cấp cho doanh nghiệp các giải pháp về công nghệ chế biến, kiểm tra chất lượng, bảo quản và đóng gói yến sào, giúp cho các sản phẩm của Yến Đảo Cần Giờ đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và xuất khẩu.
Ông Lê Việt Bảo – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM cho biết, những năm qua, nghề nuôi chim yến và khai thác tổ yến có xu hướng mở rộng. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 735 nhà yến, tập trung nhiều nhất ở huyện Cần Giờ với 74,1%. Sản lượng khai thác trung bình toàn thành phố năm 2023 ước đạt khoảng 13 - 14 tấn/năm.
Nghề nuôi chim yến đang tạo ra những hiệu ứng tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, làm gia tăng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp của Thành phố.
TP.HCM đang thúc đẩy phát triển ngành du lịch sinh thái nhất là khu vực tại huyện Cần Giờ. "Việc hình thành làng nghề nuôi chim yến, gắn với nuôi trồng thủy sản hoặc kết hợp khai thác dịch vụ du lịch tổng hợp sẽ tăng thêm giá trị từ đất đai, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân tại địa phương", ông Bảo chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.