Lợi thế về giá
Nhìn vào giá các mặt hàng nông sản xuất khẩu trong 10 tháng qua, có thể thấy hầu hết đều tăng so với năm 2010. Lần đầu tiên, giá gạo xuất khẩu của VN đã tiệm cận với giá gạo của Thái Lan, bình quân đạt 500 USD/tấn (tăng 7%).
|
Chế biến cá tra xuất khẩu tại An Giang. |
Gạo cũng chính là mặt hàng đóng góp vào tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản rất lớn: Chỉ riêng trong 10 tháng, Việt Nam đã xuất khẩu được 6,5 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 3,3 tỷ USD (tăng 20,3%).
Với giá xuất khẩu bình quân đạt 4.325 USD (tăng tới trên 57% về giá) và tổng kim ngạch 26 tỷ USD, cao su chiếm ngôi “á quân” về xuất khẩu nông sản. Mặc dù lượng xuất khẩu có sụt giảm ở một số thị trường, song giá trị xuất khẩu lại tăng ở hầu hết các thị trường, đó chính là nguyên nhân làm tăng giá trị của cao su.
Mặc dù chưa phải là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, nhưng sắn là mặt hàng nổi bật nhất trong năm nay với giá trị tăng gần gấp 2 lần so với năm 2010. Cụ thể, 10 tháng qua cả nước đã xuất khẩu được tới 2,3 triệu tấn sắn, thu về 815 triệu USD.
Nhiều khả năng kết thúc năm nay, sắn sẽ lần đầu gia nhập nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD trở lên. Nguyên nhân chính là do thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh mặt hàng này, chiếm tới 92,4% tổng lượng sắn xuất khẩu của nước ta.
Tiêu cũng là mặt hàng có tốc độ tăng mạnh, gấp tới 2 lần so với năm trước, đạt 702 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu tiêu vào Mỹ, UAE, Ấn Độ, Pakistan, Ai Cập… đều tăng từ 2-3 lần. Mặt hàng điều tuy có trồi sụt về giá, nhưng đến thời điểm này vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD.
Cần nâng cao giá trị xuất khẩu
Nhận xét về thị trường xuất khẩu nông sản năm nay, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn- Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn) cho rằng: “Nhìn chung, thành tích xuất khẩu nông sản năm nay cao là do được cả mùa, cả giá và với diễn biến như hiện nay, đến hết năm tổng kim ngạch xuất khẩu có thể vượt 23 tỷ USD như dự đoán hồi đầu năm của Bộ NNPTNT”.
Tuy nhiên, theo ông Anh Tuấn: “Vấn đề chính lúc này là, chúng ta cần tập trung xử lý vấn đề vốn tín dụng, bởi hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu đang rất khó khăn về vốn. Đồng thời, chúng ta cũng cần nhìn nhận và có đánh giá đúng về đóng góp của lĩnh vực xuất khẩu nông sản, để tăng đầu tư cho lĩnh vực này lên thêm ít nhất 15% nữa, nhất là các vấn đề về khoa học công nghệ, cở sở hạ tầng thương mại, cung cấp nguyên liệu đầu vào…”.
Thủy sản đạt gần 5 tỷ USD
Đến hết tháng 10, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã đạt 4,95 tỷ USD (tăng 23%). Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Italia vẫn là những thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của nước ta. Đối với ngành lâm sản, đến cuối tháng 10, kim ngạch xuất khẩu đã đạt 3,2 tỷ USD (tăng trên 17%).
Mặc dù, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt mức cao, song xét về giá trị, người nông dân vẫn chưa được hưởng lợi nhiều.
Ông Anh Tuấn phân tích: “Sở dĩ có thực trạng trên là trong sản xuất, chúng ta không chủ động được nguyên liệu đầu vào, từ thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật đến phân bón, thức ăn chăn nuôi đều phải nhập khẩu với số lượng lớn. Đầu vào không chủ động được, đầu ra lại phải xuất qua nhiều khâu trung gian, vì thế giá trị thực mà người dân được hưởng lợi không cao”.
Cũng theo ông Tuấn, nói chung các sản phẩm nông sản của Việt Nam mới chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô, giá trị gia tăng thấp, thêm vào đó còn phải gánh nhiều chi phí trung gian như cảng biển, bốc dỡ… nên giá trị thực thu về không cao.
Lê Hân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.