Xuất khẩu nông sản: Nhiều cơ hội khởi sắc vào cuối năm

Thứ tư, ngày 01/08/2012 08:39 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tuy giá cả tiêu dùng trong nước, cũng như xuất khẩu các mặt hàng nông sản 7 tháng qua có suy giảm, song nhiều khả năng sẽ hồi phục và khởi sắc trong những tháng tới đây, nhất là đối với mặt hàng gạo.
Bình luận 0

Trong 7 tháng qua, mặc dù tổng giá trị xuất khẩu (XK) của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản nước ta vẫn tăng, song 2 mặt hàng chủ lực là lúa gạo và cao su suy giảm khá mạnh cả về giá trị và khối lượng XK. Trong khi đó, giá nông sản trong nước vẫn tiếp tục giảm...

Giá giảm cả trong và ngoài nước

Đối với thị trường tiêu dùng nội địa, thịt lợn là mặt hàng giảm giá nhiều nhất. Trong 7 tháng qua, tổng sản lượng thịt lợn hơi cả nước sản xuất được đạt 2,6-2,7 triệu tấn (tương đương 1,78-1,85 triệu tấn thịt xẻ). Tuy nhiên, giá thịt lợn hơi trong thời điểm này lại giảm chỉ còn 37.000-42.000 đồng/kg (bằng 50-60% so với cùng thời điểm năm 2011).

img
Năng suất lúa của một số nước giảm là cơ hội cho gạo Việt Nam gia tăng xuất khẩu.

Tương tự, giá mía đường hiện tại cũng đã giảm sút khá nhiều. Tính đến giữa tháng 7, lượng đường tồn tại kho các nhà máy và 239.400 tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước 54.000 tấn. Lượng đường các nhà máy bán ra là 74.100 tấn, cao hơn cùng kỳ 10.000 tấn. Song, giá bán đường đường trắng loại I (đã có thuế VAT) tại kho nhà máy chỉ còn phổ biến ở mức 16.200- 16.500 đồng/kg, thấp hơn khá nhiều so với mấy tháng trước đây.

Cũng như giá cả trong nước, giá XK các mặt hàng nông sản năm nay cũng giảm sút khá nhiều. Điển hình như giá gạo XK bình quân trong 7 tháng đầu năm chỉ còn 458 USD/tấn, giảm 6,6%; cà phê đạt 2.100 USD/tấn, giảm 4,4%; đặc biệt là cao su giảm tới 31,3%, chỉ còn 3.001 USD/tấn. Các mặt hàng khác như điều cũng giảm tới 10,4%, còn 6.881 USD/tấn; giá chè giảm nhẹ còn 1.464 USD/tấn.

Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn- Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn). Trong 7 tháng qua, 2 mặt hàng chủ lực là lúa gạo và cao su đã giảm khá mạnh cả về số lượng và giá. Cụ thể, do ảnh hưởng từ việc Ấn Độ, Bangladesh tung ra quá nhiều gạo giá rẻ đã làm ảnh hưởng đến các thị trường truyền thống của chúng ta như Philippines, Indonesia.

Còn về cao su, chúng ta chủ yếu XK sang Trung Quốc để làm lốp ôtô. Song do khủng hoảng kinh tế thế giới kéo dài đã kéo theo lượng cầu cao su giảm mạnh, khiến giá cả mặt hàng này liên tục giảm sút và tình hình còn có thể kéo dài sang tận năm 2013.

Khởi sắc vào cuối năm

Số liệu thống kê mới nhất của Bộ NNPTNT cho thấy, tính đến hết tháng 7, tổng giá trị XK các mặt hàng nông, lâm, thủy sản nước ta đã đạt 15,9 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2011. Sở dĩ giá trị XK vẫn gia tăng, chủ yếu là do lượng XK nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản 7 tháng tăng cao.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Viết Chiến- Giám đốc Trung tâm Tin học- Thống kê (Bộ NNPTNT), lượng gạo XK đạt 4,6 triệu tấn, thu về 2,1 tỷ USD; cà phê xuất 1,2 triệu tấn, đạt giá trị tới 2,5 tỷ USD (vượt cả gạo). Đặc biệt XK hạt điều đã tăng tới trên 36%, đạt 120.000 tấn với giá trị 828 triệu USD.

Xuất khẩu nông sản năm 2012 sẽ đạt 26,5 tỷ USD

Theo dự báo, trong những tháng cuối năm 2012, kinh tế thế giới sẽ chuyển biến tốt hơn từ cuối quý III do sức cầu tiêu thụ của các thị trường sẽ phục hồi. Bộ NNPTN đánh giá đây là tín hiệu tốt cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, dự kiến xuất khẩu cả năm sẽ đạt 26,5 tỷ USD.

Theo nhận định của một số chuyên gia, tuy giá cả tiêu dùng trong nước, cũng như XK các mặt hàng nông sản 7 tháng qua có suy giảm, song nhiều khả năng sẽ hồi phục và khởi sắc trong những tháng tới đây, nhất là đối với mặt hàng gạo.

Một số dự báo gần đây cho thấy, tại Ấn Độ và Bangladesh, sản xuất lúa gạo đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của sâu bệnh dẫn đến năng suất giảm. Trong khi đó, khả năng cung gạo của chúng ta vẫn rất tốt, chưa kể gần đây Trung Quốc cũng gia tăng đáng kể việc nhập khẩu gạo từ Việt Nam, chủ yếu là gạo hạt tròn sản xuất ở các tỉnh phía Bắc.

Đối với các mặt hàng nông sản chính khác như cà phê, điều, tiêu… lượng XK nhiều khả năng tiếp tục tăng do nhu cầu nhập khẩu gần đây của thị trường Mỹ tăng cao, kế đến là các thị trường khác như Đức, Trung Quốc… đều đang gia tăng số lượng nhập khẩu trong thời gian gần đây.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Diệp Kỉnh Tần, Bộ NNPTNT đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành quyết định các chính sách hỗ trợ cấp bách cho sản xuất chăn nuôi, thủy sản và hỗ trợ thị trường. Cùng với đó, Bộ cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp, đảm bảo cho doanh nghiệp vay vốn thu mua tạm trữ nông sản với giá ưu đãi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem