Xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc: Kim ngạch giảm, nợ tăng

Mai Hương Thứ ba, ngày 30/09/2014 06:55 AM (GMT+7)
Các đối tác Trung Quốc (TQ) đang nợ khá nhiều tiền hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu (XK) nông sản của Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp bị phía TQ nợ tới tiền tỷ, đã gây khó khăn cho việc tiếp tục XK hàng nông sản vào thị trường này…
Bình luận 0

Cầu giảm, nợ tăng...

Bộ Công Thương cho biết, XK các mặt hàng nông sản như đường, gạo, cao su, cà phê, chuối, thanh long… sang TQ hiện vẫn đang gặp không ít khó khăn.

Suốt vài tháng trở lại đây, một số mặt hàng XK chính đều có dấu hiệu suy giảm mạnh. Đơn cử, theo báo cáo của Hải quan Lào Cai, trong tháng 8, kim ngạch XK gạo giảm khoảng 47%, kim ngạch XK đường giảm khoảng 23,5% so với tháng 7… Tháng 9, kim ngạch XK các mặt hàng nông sản này sang TQ vẫn tiếp tục giảm xuống, trong đó giảm mạnh nhất vẫn là gạo, cao su, sắn, rau củ quả…

Một trong những nguyên nhân là do phía TQ liên tục siết chặt quản lý các mặt hàng xuất nhập khẩu qua biên giới. Phía thương nhân TQ theo đó cũng giảm mạnh việc nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Mặt khác, một số mặt hàng nông sản VN có thể XK nhiều như thanh long, vải thiều, chuối… đến nay TQ đã tự sản xuất nên nhu cầu nhập khẩu cũng giảm.

Chia sẻ
img
Ông Trương Đình HòeTổng thư ký VASEP
  Bên cạnh vấn đề trả chậm tiền, phía Trung Quốc hầu như chưa thực hiện phổ biến hình thức thanh toán theo thông lệ quốc tế bằng L/C (Thư tín dụng) nên mức độ an toàn trong thanh toán không cao”...  
Song nguyên nhân chính khiến kim ngạch XK nông sản của ta sang TQ giảm là do vướng mắc trong thanh toán giữa các doanh nghiệp Việt Nam và đối tác TQ, cụ thể ở đây là đối tác TQ đang nợ khá lớn tiền hàng của các doanh nghiệp XK nông sản Việt Nam.

Ông Phạm Vũ Hà -Tổng Thư ký Hiệp hội Sắn Việt Nam nói: “Tôi đã nghe thông tin về việc các doanh nghiệp XK sắn đang bị đối tác TQ nợ nhiều tiền, song không nắm được cụ thể nợ bao nhiêu ở mỗi doanh nghiệp”.

Hiện trong ngành sắn, các doanh nghiệp thường đưa hàng lên biên giới bán cho TQ, trao hàng xong thì mới nhận tiền. Do buôn bán biên mậu, tiểu ngạch nên việc thanh toán tiền chủ yếu do phía TQ quyết định trả ngay hay không và nợ bao nhiêu.

Ông Hà cho biết, việc bán nợ là “chuyện bình thường” trong giao dịch buôn bán, nhất là buôn bán tiểu ngạch giữa Việt Nam và TQ, hai bên từ lâu buôn bán vì “uy tín”, nợ này vẫn được xem là “nợ thông thường”. Tuy nhiên, tình hình hiện nay là phía đối tác TQ đang biến nợ bình thường này thành “nợ xấu”, rất nguy hại cho các doanh nghiệp XK nông sản Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn không dám công khai việc mình bị nợ khó đòi từ phía TQ vì sợ ảnh hưởng tới làm ăn, kinh doanh và vay vốn ngân hàng… khiến cho nợ xấu này càng nguy hiểm. Phóng viên NTNN đã liên lạc với một doanh nghiệp XK sắn sang TQ để tìm hiểu việc này, tuy nhiên lãnh đạo các đơn vị đều xin không trả lời cụ thể vì lý do “tế nhị”.

Theo ông Hà, nhiều doanh nghiệp XK sắn hiện như đang “ngồi trên đống lửa” chưa biết phải xoay xở ra sao để đòi nợ. Do buôn bán tiểu ngạch, không hợp đồng, không thanh toán qua ngân hàng nên doanh nghiệp của ta nếu bị phía TQ nợ sẽ càng khó khăn hơn...

Đại diện Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai cũng xác nhận: Hiện đối tác TQ nợ khá nhiều tiền hàng của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp XK sắn bị nợ tới tiền tỷ. Tiềm lực tài chính doanh nghiệp Việt Nam có hạn, muốn XK thêm hàng cũng khó và thiếu vốn để hoạt động nếu đối tác TQ tiếp tục nợ hoặc chậm thanh toán.

Bài học cũ, kinh nghiệm mới…

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng, từ lâu các doanh nghiệp XK nông sản Việt Nam đã được cảnh bảo về nguy cơ rủi ro ở khâu thanh toán với đối tác TQ. Cũng từ lâu đã có không ít các doanh nghiệp XK nông sản của ta bị doanh nghiệp TQ quỵt nợ... Bài học cũ ấy càng trở nên nóng và mới khi quan hệ giữa Việt Nam và TQ không còn được “uy tín” nữa trong bối cảnh chính trị hiện nay.

“Dù là thị trường dễ tính nhưng TQ luôn là thị trường đặc biệt rủi ro ở khâu thanh toán” - ông Thắng khẳng định. Các thương nhân TQ đa số thanh toán theo hình thức trả sau (trả trước khoảng 20% giá trị hợp đồng và trả nốt khi nhận được hàng), do đó nếu họ gặp rủi ro (hoặc cố tình quỵt nợ) là mất khả năng thanh toán với đối tác Việt Nam.

“Mua bán tiểu ngạch bị coi là buôn lậu ở TQ nên có nguy cơ bị hải quan và quản lý thị trường nước này bắt cả lô hàng. Khi đã bị bắt thì đối tác TQ chả có lý do gì để thanh toán tiền hàng cho doanh nghiệp Việt Nam”- ông Thắng nói.

 

Một doanh nghiệp XK chè (yêu cầu không nêu tên) cho biết: XK biên mậu, doanh nghiệp gặp rất nhiều rủi ro, đặc biệt là trong khâu thanh toán. Ban đầu, khi thương thảo, hai bên đã xác định giá chung nhưng phía đối tác TQ thường chỉ ứng trước một phần tiền theo giá thỏa thuận ban đầu. Sau khi nhận đủ hàng, bên TQ tìm mọi cách ép giá xuống, trả chậm tiền, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đánh giá: Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam khi XK thủy sản sang TQ nằm ở khâu thanh toán. Bên cạnh vấn đề trả chậm tiền, TQ hầu như chưa thực hiện phổ biến hình thức thanh toán theo thông lệ quốc tế bằng L/C (Thư tín dụng) nên mức độ an toàn trong thanh toán không cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem