Nhiều doanh nghiệp sẽ đóng cửa
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), sau 10 năm tăng trưởng liên tục, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đã tăng gấp 3 lần, từ 2 tỷ USD năm 2002 lên 6,1 tỷ USD năm 2011. So với năm 2010, giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2011 tăng 21,5%.
|
Thiếu nguyên liệu đang là nỗi lo của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản. |
Xuất khẩu tôm vẫn giữ vị trí giá trị cao nhất, vượt qua mức 2 tỷ USD của năm 2010 lên 2,4 tỷ USD trong năm 2011. Trong đó, tôm sú chiếm gần 60%, tôm thẻ chân trắng hơn 29% và hơn 10% các loại tôm khác. Xuất khẩu cá tra, cá basa cũng tiếp tục phát triển, đạt hơn 1,8 tỷ USD trong năm 2011, tăng 26,5% so với năm 2010. Khối lượng xuất khẩu đạt trên 600.000 tấn.
Mặc dù đã thiết lập được kỷ lục mới trong năm 2011, nhưng các nhà xuất khẩu thủy sản vẫn cho rằng, đây chưa hẳn là tín hiệu vui cho ngành nuôi trồng và chế biến, xuất khẩu thủy sản cả nước. “Giá bán bình quân năm qua có tăng nhưng kèm theo đó chi phí cũng tăng hơn 25%. Doanh số của doanh nghiệp cao hơn năm trước nhưng lợi nhuận lại giảm nghiêm trọng.
Chưa có thống kê chính xác nhưng ngay tại thời điểm này và sắp tới trong quý I/2012 sẽ có hàng trăm doanh nghiệp lớn nhỏ phải từ bỏ sân chơi thủy hải sản” - ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Thuận Phước cho biết.
Đồng quan điểm với ông Phước, ông Lê Minh Quang - Tổng Giám đốc Tập đoàn Minh Phú cho rằng, cả người nuôi trồng và DN chế biến xuất khẩu thủy sản đã phải tự bơi trong thị trường cạnh tranh khốc liệt của thế giới. “Sản xuất tôm hiện nay như chơi bài cược, 3 ăn 7 thua. Trong đó, con giống thì mạnh ai nấy làm, tôm bố mẹ chủ yếu bắt từ tự nhiên, tỷ lệ tôm bột sống được chỉ từ 20 – 30%. Đến khi đưa ra ao nuôi, tôm không còi cọc cũng bệnh cho đến chết” - ông Quang than thở.
Lo nhất là nhiễm kháng sinh
Dù đối diện nhiều khó khăn nhưng Vasep vẫn đặt mục tiêu đưa tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước lên 6,5 tỷ USD trong năm 2012 và đạt mức 10 tỷ USD vào năm 2020. Ngoài ra, Việt Nam phấn đấu trở thành 1 trong 4 cường quốc đứng đầu về xuất khẩu thủy sản trên thế giới.
“Để tiếp tục phát triển, đạt được mức kim ngạch 10 tỷ USD trong thời gian tới, ngành thủy sản cần tìm những giống nuôi mới để phát triển thành sản phẩm chủ lực, nếu chỉ cứ bám vào con tôm và cá tra, basa thì sẽ rất khó”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản
“Hiện tại, nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu thiếu ổn định, khan hiếm trầm trọng do chí phí đầu vào cho hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản quá cao vẫn là nỗi lo lớn nhất của các doanh nghiệp. Tình hình này sẽ vẫn tiếp diễn trong năm tới” - ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Vasep cho biết.
Theo ông Hòe, trong năm 2012, mặc dù dự kiến giá thức ăn chăn nuôi sẽ giảm, người nuôi sẽ mạnh dạn đầu tư trở lại nhưng vấn đề vốn, thời tiết, con giống, dịch bệnh... tiếp tục gây khó khăn nên ngành thủy sản chưa thể cải thiện được tình hình thiếu nguyên liệu.
Bên cạnh đó, vấn đề về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng khiến xuất khẩu gặp khó khăn trong năm tới. Hiện ngày càng có nhiều doanh nghiệp bị vướng vào các sự việc liên quan tới tạp chất, chất kháng sinh trong sản phẩm. Để giải quyết tình trạng này, theo ông Lê Minh Quang, các ngành chức năng cần có biện pháp kiểm tra quá trình nuôi trồng thủy sản từ con giống tới kiểm dịch, đồng thời có quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản cụ thể.
Thuận Hải
Vui lòng nhập nội dung bình luận.