Xuất khẩu thủy sản đang phục hồi như trước dịch lại đột ngột giảm trong tháng 7 vì lý do này

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 05/08/2021 18:30 PM (GMT+7)
Sản xuất và xuất khẩu thủy sản sụt giảm đáng kể từ nửa cuối tháng 7 (giảm 15-20%) so với 6 tháng đầu năm khiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 7 giảm 4% so với cùng kỳ năm 2020.
Bình luận 0

Xuất khẩu thủy sản đang phục hồi như về trước dịch Covid-19 lại đột ngột giảm trong tháng 7

Theo báo cáo của Tổ công tác 970 của Bộ NNPTNT gửi Thủ tướng Chính phủ, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 đạt 4,1 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ, gần như phục hồi như thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Theo kế hoạch, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu cả năm 8,7-9 tỷ USD.

Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các công ty chế biến thủy sản, đặc biệt tại khu vực Nam Bộ (chiếm 65% lượng thủy sản xuất khẩu) đang rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn.

"Sản xuất và xuất khẩu thủy sản sụt giảm đáng kể từ nửa cuối tháng 7 (giảm 15-20%) so với 6 tháng đầu năm khiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 7 giảm 4% so với cùng kỳ năm 2020. Dự tính công suất các nhà máy chế biến thủy sản của cả vùng giảm chỉ còn 30 - 40%" - Thứ trưởng Bộ NNPNNT Trần Thanh Nam - Tổ trưởng Tổ công tác 970 nêu một thực tế.

Trong khi đó, theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ” và số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30-50% số lượng lao động. 

Công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây. Dự tính công suất chung của cả vùng giảm chỉ còn 30-40%. 

Trong khi đó, nguyên liệu thủy sản huy động cho chế biến-xuất khẩu cũng chỉ đạt khoảng 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài. 

Theo VASEP, việc thực hiện “3 tại chỗ” chỉ là biện pháp tình thế trong thời gian ngắn hạn và chỉ có thể kéo dài từ 2-3 tuần đối với các doanh nghiệp vừa, các doanh nghiệp lớn hơn cũng duy trì tối đa 4-5 tuần.

Ưu tiên tiêm vaccine cho lao động chuỗi ngành hàng nông nghiệp - Ảnh 1.

Công ty CP Chế biến thủy sản xuất khẩu Vạn Đức (Tiền Giang) áp dụng "3 tại chỗ" rất thành công. Ảnh: TST.

Tiêm vaccine và thực hiện mục tiêu kép với trọng tâm mới

Từ khó khăn của các doanh nghiệp, trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và các ngành chức năng, VASEP đề nghị đặc biệt ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng lao động tại các nhà máy đang áp dụng phương thức “3 tại chỗ” tại các địa phương, trong đó có nhà máy chế biến thủy sản.

Với thứ tự ưu tiên và tập trung tiêm ngay vaccine cho người lao động tại các nhà máy chế biến thủy sản, chúng ta sẽ vừa giữ được thị trường đối tác xuất khẩu, vừa duy trì được sản xuất và công ăn việc làm cho rất nhiều lao động.

VASEP cũng kiến nghị Bộ Y tế hoàn thiện bộ quy tắc và tổ chức huấn luyện cho các tỉnh và doanh nghiệp thực hiện "y tế tại chỗ" .

Thực hiện chủ trương phối hợp và chia sẻ giữa doanh nghiệp và CDC, các doanh nghiệp sẽ chủ động sử dụng tổ y tế, trạm y tế của nhà máy, công ty tự tổ chức xét nghiệm cho người lao động mỗi tháng 2 lần, mẫu xét nghiệm sẽ gửi cho cơ quan y tế và kết quả tự xét nghiệm của doanh nghiệp được áp dụng trong lưu thông và giao dịch.

Ưu tiên tiêm vaccine cho lao động chuỗi ngành hàng nông nghiệp - Ảnh 3.

VASEP đề nghị đặc biệt ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng lao động tại các nhà máy đang áp dụng phương thức “3 tại chỗ” tại các địa phương, trong đó có nhà máy chế biến thủy sản. Trong ảnh: Thu hoạch tôm tại Bạc Liêu. Ảnh: Thanh Cường.

Bộ Y tế có hướng dẫn xử lý kịp thời đối với các doanh nghiệp trong thực hiện “3 tại chỗ” như phát hiện F0, chỉ khoanh vùng và cách ly khu vực có nguy cơ, phun khử khuẩn, xét nghiệm....hướng dẫn các biện pháp an toàn “ chặt trong, chặt ngoài” kiểm soát các nguồn lây nhiễm một cách hiệu quả và phù hợp.

Hiệp hội đề xuất Bộ Y tế xem xét các điều kiện để thực hiện phương châm “1 cung đường – 2 địa điểm” kết hợp tuân thủ quy định 5K và các quy định về phòng dịch của doanh nghiệp, của cơ quan y tế địa phương.

Ngoài ra, VASEP cũng kiến nghị khẩn với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để chính quyền địa phương cùng hành động với các doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp khẩn trương triển khai các gói hỗ trợ đã có của Chính phủ.

Có các chính sách ưu tiên về giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm 30% tiền điện cho đến ít nhất hết năm 2021, đề xuất giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% quỹ lương xuống còn 1% quỹ lương cho các doanh nghiệp để duy trì được “3 tại chỗ” và đặc biệt là có thêm cơ hội, nguồn lực cho việc phục hồi sản xuất-xuất khẩu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem