Cân nhắc về điều kiện của Việt Nam...
Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho rằng: “Chúng ta cần tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng đề xuất tịch thu phương tiện của Ủy ban ATGT Quốc gia. Tại một cuộc hội thảo của Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Pháp luật Quốc hội mà tôi tham dự, cũng có những ý kiến đề nghị tịch thu phương tiện nhưng cuối cùng không thống nhất được”.
Lực lượng CSGT Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn của một lái xe. (I.T)
Theo ông Liên, nếu đề xuất trên được thông qua sẽ có hàng trăm đầu việc phải xử lý và quả bóng trách nhiệm xử lý thuộc về lực lượng CSGT. Bên cạnh đó, việc xử lý liên quan đến cả tòa án, viện kiểm sát, đặc biệt khi có trường hợp xử lý liên quan đến xe biển xanh, xe công.
Ông Bùi Danh Liên cho rằng: “Có ý kiến nói là áp dụng của nước ngoài. Tôi nghĩ ông ăn lương Việt Nam thì phải cân nhắc, tính toán theo trình độ, điều kiện ở Việt Nam chứ đừng nhập khẩu y nguyên. Nếu không ông làm tư vấn cho nước khác chứ đừng đưa ra giải pháp cực đoan”.
Cân nhắc đến điều kiện tại Việt Nam cũng được ông Mai Phan Lợi – Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng (MEC) chia sẻ: “Tôi đồng tình với mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông, đặc biệt là tai nạn do người say gây ra. Nhưng tại Việt Nam có những điều kiện, hoàn cảnh khác”.
Theo ông Lợi, đó là những vấn đề liên quan đến xe công, xe đi thuê hay việc mượn xe khá phổ biến. Nếu đẩy những người bình thường vào trường hợp kiện tụng dân sự sẽ có nguy cơ gây rối loạn trật tự xã hội. Trong khi đó, các cuộc tranh luận xung quanh đề xuất kể trên vẫn chưa chấm dứt. Ngay các nhà làm luật, các chuyên gia cũng còn những ý kiến xung đột. Ông Mai Phan Lợi cho biết: “Đây là chủ đề lớn, liên quan đến tài sản người dân nên chúng tôi quyết định đứng ra tổ chức hội thảo vào ngày 11.3, làm cầu nối giữa các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia… để có được những câu trả lời, bằng chứng xác đáng hơn”.
Cân nhắc mức độ hành vi
Bà Trần Thị Trang – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia là có cơ sở pháp lý theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012. “Mặc dù ô tô, xe máy là tài sản thuộc sở hữu cá nhân nhưng do người có nồng độ cồn trong máu cố tình điều khiển trên đường thì vẫn được coi là phương tiện vi phạm hành chính, có thể bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc đề xuất tịch thu phương tiện vi phạm đối với lái xe ô tô cũng cần lưu ý làm rõ một số vấn đề: Tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi đến đâu, đối tượng vi phạm, tình tiết tăng nặng như thế nào thì tịch thu là hợp lý” - bà Trang nói.
Đại diện Vụ Pháp chế Bộ Y tế phân tích, trong thực tế các phương tiện này có giá trị rất khác nhau, nếu đều bị tịch thu thì với cùng tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm, cá nhân lại chịu những hậu quả pháp lý khác nhau.
Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành của Luật Xử lý vi phạm hành chính, chỉ Chủ tịch UBND cấp tỉnh và Cục trưởng Cục CSGT có thẩm quyền tịch thu phương tiện vi phạm không phụ thuộc vào giá trị phương tiện. Vì vậy cần sửa luật, mở rộng thẩm quyền để bảo đảm tính kịp thời trong xử lý.
Phạt thật nặng là đủ!
Tại Áo, việc lái xe sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện bị xử lý rất nghiêm. Mức độ xử lý thế nào còn căn cứ vào nồng độ cồn trong máu. Nếu nồng độ cồn trong máu từ 0,1 - 0,49% mà người lái mới có bằng lái thì phạt từ 136 – 2.180 euro; nếu nồng độ cồn trong máu từ 1,6% trở lên thì thu giấy phép lái xe 6 tháng và phạt từ 1.600 – 5.900 euro. Không được lái xe ô tô đi làm thì chỉ có nghỉ việc nên ai cũng sợ, không bao giờ uống rượu bia khi lái xe.
Lê Tiến Hùng Sonnental 11. 8294 Burgauberg, CH Áo
Tai nạn giao thông phần nhiều gây nên từ những người uống rượu, bia. Bởi vậy việc xử lý nghiêm những người điều khiển ô tô, xe máy uống rượu, bia là rất cần thiết. Tuy nhiên thay vì thu giữ phương tiện chúng ta có thể đưa hành vi này vào Bộ luật Hình sự, tạm giam, tạm giữ phương tiện vài tháng, thu giấy phép lái xe, phạt tiền thật nặng là đủ.
Trần Thọ (Hưng Hà, Thái Bình)
Ý tưởng xử lý nghiêm của Uỷ ban ATGT Quốc gia là rất tích cực. Tuy nhiên tài sản lớn nhất của nhiều nông dân ngoài cái nhà là cái xe, bị tịch thu là sạt nghiệp. Ở nông thôn, cả làng, cả xã ai cũng biết nhau, rất trọng cái tiếng. Vậy nên chỉ cần phạt tiền rồi thu bằng lái xe, giữ người ở UBND xã mấy ngày rồi thông báo trên đài truyền thanh của xã đã thấy ê chề lắm rồi.
Đoàn Đại Dương (Giao Thủy, Nam Định)
Tôi đi chiếc xe SH cả trăm triệu đồng, người khác đi chiếc xe Tàu trị giá 3 triệu, khi vi phạm cũng bị tịch thu là không công bằng. Tại sao cùng một hành vi vi phạm mà lại xử lý khác nhau? Như vậy là không ổn. Theo tôi cứ xử phạt nặng, tịch thu giấy phép lái xe, tạm giữ phương tiện một tháng, buộc lao động công ích vài tháng chứ đừng tịch thu xe.
Trần Đông Anh (khu Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội)
Ban bạn đọc (tổng hợp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.