Trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Khổng Thùy Dung (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, xyanua là một hợp chất hóa học có chứa nhóm cyano (C≡N), bao gồm một nguyên tử cacbon C liên kết với một nguyên tử nito N.
Đây là loại chất độc cực mạnh, nếu nhiễm độc xyanua cấp tính, bệnh nhân sẽ chết sau vài giây hoặc vài phút khi nhiễm độc với liều lượng 50 - 150 mg. Chất độc này khi vào cơ thể sẽ hấp thụ vào máu rất nhanh, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa, thần kinh, hô hấp.
Những người bị nhiễm xyanua rất khó có thể bảo toàn tính mạng. Vì thế, đây là loại hóa chất kinh doanh có điều kiện, có sự quản lý của cơ quan Nhà nước.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 18, Phụ lục I,II, III Nghị định 113/2017/NĐ-CP và khoản 3 Điều 9 Nghị định 17/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 113/2017/NĐ-CP, một số hợp chất xyanua cụ thể là Acetonitrile (Metyl xyanua); 3,5-Diclo phenyl isoxyanat, thuộc danh mục hóa chất sản xuất kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp và các hợp chất của xyanua khác thuộc danh mục hạn chế sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.
Bởi vậy, các cá nhân, tổ chức muốn kinh doanh loại hóa chất độc hại này cần phải tuân thủ các quy định của Luật Hóa chất 2007, sửa đổi bổ sung 2018 và Nghị định 113/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 71/2019/ NĐ-CP.
Cụ thể, căn cứ Điều 14 Luật Hóa chất 2007, sửa đổi bổ sung 2018, chủ thể kinh doanh xyanua phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh sau: Bảo đảm an toàn trong kinh doanh hóa chất; Bảo đảm yêu cầu về cơ sở vật chất - kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh hóa chất như phù hợp với quy mô hoạt động và đặc tính của hóa chất.
Ngoài ra, phải có cơ sở vật chất - kỹ thuật, năng lực chuyên môn đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật áp dụng đối với sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện; Bảo đảm yêu cầu về chuyên môn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất; Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong trường hợp pháp luật quy định phải có Giấy chứng nhận hoặc Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh.
Từ phân tích nêu trên, bà Dung cho biết, chất độc nói chung, chất độc xyanua nói riêng là chất rất nguy hiểm đối với sức khỏe và tính mạng của con người, sinh vật, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường xung quanh và có khả năng hủy hoại môi trường sống.
Vì vậy, Nhà nước quản lý chất độc rất chặt chẽ và chỉ những cơ quan, tổ chức nào được phép mới được quyền sản xuất, tàng trữ, sử dụng, vận chuyển hoặc mua bán chất độc.
Người nào thực hiện hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất độc nói chung, chất độc xyanua nói riêng sẽ bị xử lý về tội Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc được quy định tại Điều 311 Bộ luật hình sự năm 2015.
Còn sử dụng chất độc nói chung, chất độc xyanua nói riêng để thực hiện hành vi giết người sẽ bị xử lý về tội Giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.